Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nguồn nhân lực ngành Kinh tế Vận tải hàng không cung không đủ cầu

(VOH) - Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, nhu cầu nhân lực ngành hàng không giai đoạn 2020 – 2025 là 58.000 lao động.

Nhu cầu lao động trong ngành này ngày càng tăng do sự phát triển về mạng lưới cảng hàng không và sự gia nhập của các hãng hàng không mới trong nước và quốc tế.

Bên cạnh vận tải hành khách phục vụ nhu cầu đi lại, du lịch thì vận tải hàng hóa bằng đường hàng không sẽ có xu hướng phát triển, một số tập đoàn lớn tại Việt Nam đang có chiến lược đầu tư vào lĩnh vực khai thác hàng không.

Chính phủ cũng đã xem xét cấp phép thành lập một số hãng hàng không vận chuyển hàng hóa như IPP Air Cargo và một số dự án thành lập hàng hàng không khác. Sự ra đời của các hãng hàng không mới và sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp được xem là minh chứng cho thấy tiềm năng phát triển.

Do vậy, sinh viên học các ngành liên quan tới hàng không, chẳng hạn như ngành Kinh tế Vận tải (chuyên ngành Kinh tế Hàng không; chuyên ngành Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng…) sẽ có cơ hội nghề nghiệp rộng mở.

hàng không
Nhu cầu lao động trong ngành này ngày càng tăng do sự phát triển về mạng lưới cảng hàng không

Học ngành Kinh tế Vận tải sau khi tốt nghiệp có thể làm những công việc gì? ở đâu?

Đối với ngành Kinh tế Vận tải, chuyên ngành Kinh tế Hàng không (đang được đào tạo tại Học viện Hàng không Việt Nam), sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tại các vị trí như chuyên viên kinh tế, chuyên viên tư vấn chiến lược, giảng viên chuyên về ngành hàng không, nhân viên/trưởng phòng, giám đốc thương mại hoặc trở thành các nhà quản lý cấp cao tại:

- Cơ quan quản lý nhà nước: chính phủ, trường học

- Cơ quan nghiên cứu và công ty tư vấn về ngành hàng không

- Hãng hàng không, cảng hàng không – sân bay

- Hãng chế tạo máy bay

- Doanh nghiệp thương mại, dịch vụ: các công ty dịch vụ liên quan đến ngành hàng không như công ty cung cấp suất ăn, vận tải hàng hoá, công ty du lịch lữ hành…

Đối với ngành Kinh tế Vận tải, chuyên ngành Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng và chuyên ngành Logistics và Vận tải Đa phương thức, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể công tác tại các phòng ban kinh doanh xuất nhập khẩu hoặc trở thành cán bộ quản lý tại phòng chứng từ, phòng giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu, phòng cung ứng, thu mua hàng hóa xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp sau:

- Đại lý khai thuê hải quan

- Doanh nghiệp Logistics

- Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, thương mại, chuỗi bán lẻ, e-commerce

- Doanh nghiệp cảng biển, cảng hàng không, hãng tàu, hãng hàng không

- Cơ quan quản lý nhà nước: Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Cơ sở đào tạo Đại học, Cao đẳng

- Các công ty tư vấn, viện nghiên cứu - Ngân hàng thương mại

Đọc thêm: Số trường đại học đào tạo ngành Logistics tại Việt Nam tăng nhanh

Các tổ hợp môn tuyển sinh vào ngành này?

Đối với ngành đào tạo này, Học viện Hàng không Việt Nam tuyển sinh các phương thức:

- Xét theo học bạ: A01, D01, D14, D15;

- Xét theo điểm thi THPT Quốc gia: A01, D01, D78, D96;

- Ưu tiên xét tuyển đối với học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố trực thuộc TƯ các môn Toán, Lý, Hóa, Anh; học sinh có giải Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh trở lên; học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cả 3 năm THPT;

- Tuyển thẳng đối với các đối tượng tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Các tố chất cần thiết để có thể học và làm việc được trong ngành?

Để làm việc tốt trong ngành này, một người cần có:

- Kỹ năng phân tích, tổng hợp, đánh giá dữ liệu và thông tin để vận hành các hệ thống hoạt động trong ngành kinh tế vận tải để phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong doanh nghiệp và môi trường kinh doanh toàn cầu.

- Năng lực tự học tập, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để áp dụng, hình thành ý tưởng, thiết kế triển khai các hoạt động trong ngành kinh tế vận tải.

- Kỹ năng giao tiếp hiệu quả, làm việc nhóm và các kỹ năng mềm khác nhằm thực nghiệm, tìm ra giải pháp giải quyết các vấn đề của ngành, chuyên ngành;

- Kỹ năng tư duy một cách hệ thống, tư duy phân tích một cách độc lập;

- Phẩm chất chính trị, tuân thủ pháp luật; có sức khỏe tốt;

- Phẩm chất đạo đức nghề nghiệp theo yêu cầu riêng của nghề, có trách nhiệm với xã hội và cộng đồng.

Một số môn học đặc trưng của ngành học này?

Chương trình đào tạo ngành Kinh tế Vận tải phát triển bởi Học viện Hàng không Việt Nam nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức từ cơ bản đến chuyên môn trong ngành Kinh tế Vận tải, trong đó sinh viên có thể chọn 01 trong 03 chuyên ngành để theo học như Kinh tế Hàng không, Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng, Logistic và Vận tải đa phương thức.

Đặc biệt, trong Chương trình Đào tạo của 2 chuyên ngành Logistics & Quản lý Chuỗi cung ứng và Logistic & Vận tải đa phương thức sẽ được tích hợp lấy Chứng chỉ Quốc tế (Sinh viên học 2 chuyên ngành này sau khi tốt nghiệp sẽ có Bằng Cử nhân và Chứng chỉ Quốc Tế FIATA - Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế có tên chính thức bằng tiếng Anh là “International Federation of Freight Forwarders Associations”).

Các chuyên ngành này sẽ góp phần đào tạo sinh viên trở thành những cán bộ có khả năng làm việc độc lập, giải quyết vấn đề và xử lý tình huống tốt trong lĩnh vực kinh doanh vận tải và trở thành nhà lãnh đạo có năng lực và trình độ khi tham gia công tác quản lý chuyên nghiệp.

vận tải hàng không
Sinh viên Học viện Hàng không Việt Nam

Một số môn học trong chuyên ngành Kinh tế Hàng không:

- Kinh tế vận tải hàng không

- Luật và Chính sách trong vận tải Hàng không

- Chiến lược lập lịch bay và vận hành hãng hàng không

- Chiến lược giá và chi phí hãng hàng không

- Chiến lược phát triển đội tàu bay hãng hàng không

* Chuyên ngành Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng:

- Quản lý chuỗi cung ứng

- E-Logistics

- Quản trị thu mua toàn cầu

- Quản trị sản xuất và vận hành

- Quản trị vận tải quốc tế

- Quản trị hợp đồng

* Chuyên ngành Logistics và Vận tải đa phương thức:

- Vận chuyển hàng hoá bằng đường biển

- Vận chuyển hàng hoá bằng đường bộ

- Vận chuyển hàng hoá bằng đường sắt và đường thuỷ

- Vận chuyển hàng hoá bằng Container

- Tổ chức xếp dỡ

- Vận tải đa phương thức…

Những khó khăn khi học và làm trong ngành Kinh tế Vận tải?

Về chuyên ngành Kinh tế Vận tải hiện nay có ít tài liệu Tiếng Việt vì đặc thù chuyên môn Hàng không, đa phần người học sẽ sử dụng giáo trình Nội bộ của Trường. Sinh viên có thể tìm được tài liệu đa dạng hơn bằng Tiếng Anh, tuy nhiên, điều này đòi hỏi bạn phải trau dồi Tiếng Anh hằng ngày, đặc biệt là Tiếng Anh chuyên ngành.

Khi làm trong ngành kinh tế hàng không, mỗi người cũng sẽ phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong ngành hàng không, vận tải vì liên quan đến cả những vấn đề khác như an toàn tính mạng con người, môi trường, các ngành khác…

Mức lương của những người làm việc trong ngành nghề này?

Về mức lương trung bình của ngành Kinh tế Vận tải dành cho Sinh viên mới tốt nghiệp dao động khoảng 7 – 10 triệu đồng/tháng. Mức lương còn tùy thuộc vào khả năng Ngoại ngữ, loại hình doanh nghiệp, các chứng chỉ quốc tế chuyên ngành đi kèm...

Mức lương tăng dần qua các năm khi bạn có nhiều kinh nghiệm hơn. Khi đã lên đến vị trí cấp cao và trưởng nhóm thì mức lương của những người làm trong ngành này thường sẽ tăng, dao động từ 15- 20 triệu đồng/tháng. Một số doanh nghiệp Quản lý Logistics trả mức lương khoảng 15 – 23 triệu đồng/tháng, nhưng cũng có những tổ chức đang chi trả cho vị trí này tới 80 –100 triệu đồng/tháng.

Đọc thêm: Ngành logistics là gì? Cơ hội nghề nghiệp của ngành này ra sao trong tương lai?

Cơ hội thăng tiến trong nghề? 

Cơ hội thăng tiến trong ngành Kinh tế vận tải khá cao vì hiện nay việc giao thương hàng hóa trên thế giới ngày càng phát triển và đòi hỏi nguồn nhân lực giỏi. Vì vậy, mỗi sinh viên sau khi ra trường phải tự trau dồi và làm việc hiệu suất cao để thăng tiến, phát triển trong ngành Kinh tế Vận tải.

Để phát triển nhanh trong nghề này, những người làm trong ngành này cần trau dồi thêm kiến thức chuyên sâu về ngành, cập nhật những Quy định mới nhất về Hàng không, Logistics và Vận tải, tham gia các Khóa học đào tạo chuyên môn của của tổ chức lớn như IATA (Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế), ICAO (Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế), FIATA (Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải quốc), Cục Hàng không Dân Dụng Việt Nam...

Đặc biệt, các bạn phải giao tiếp tốt Tiếng Anh và nếu có thể học thêm ngoại ngữ khác để có thể làm việc tại 1 quốc gia khác.

Theo báo cáo Logistics Việt Nam của Bộ Công thương, Sách Trắng Logistics Việt Nam của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, nhu cầu tuyển dụng đến 2030 là hơn 200.000 nhân lực cho ngành Logistics.

Hiện nay, có trên 30.000 doanh nghiệp logistics trong đó khoảng 4.000 công ty logistics chuyên nghiệp có dịch vụ kết nối quốc tế; 54% doanh nghiệp tại TPHCM. Nhu cầu nguồn nhân lực ngành Logistics hiện đang rất thiếu, trong khi tốc độ phát triển lại quá nhanh, các đơn vị đào tạo không đáp ứng kịp nhu cầu.

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM đưa ra kết quả khảo sát giai đoạn 2020 – 2025, nhu cầu nhân lực tại TPHCM dự báo mỗi năm có khoảng 310.000 – 330.000 vị trí việc làm, trong đó ngành Logistics chiếm 5%.

Bình luận