Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tên bão Yinxing có phải là “Yến Xinh” như lời đồn? 

VOH - Bão Yinxing đã gây ra những tác động lớn đến thời tiết biển. Cư dân mạng gọi đây là cơn bão "Yến Xinh". Vậy thực hư ra sao? Tên bão Yinxing có ý nghĩa gì?

Cơn bão Yinxing đang thu hút sự chú ý không chỉ bởi đường đi phức tạp, mà còn bởi tên gọi đầy "bí ẩn" của nó. Trên mạng xã hội, nhiều người đùa rằng, bão có tên là “Yến Xinh,” nối tiếp sau cơn bão “Trà Mi” gần đây. Vậy bão Yinxing có ý nghĩa gì, liệu có thực sự là "Yến Xinh" như nhiều hội nhóm đã viết? Hãy cùng VOH tìm hiểu qua bài viết sau!

Ý nghĩa của tên bão Yinxing

Bão Yinxing đã tiến vào Biển Đông hôm 8/11 và trở thành cơn bão số 7 trong năm 2024.

voh-ten-bao-yinxing-1
Ảnh: Chụp màn hình

Một số trang mạng khi thông tin về cơn bão này đã đặt "biệt danh" là bão "Yến Xinh". Giang cư mận cũng nhanh chóng hưởng ứng, để lại bình luận rằng: "Hết Trà Mi lại đến Yến Xinh, tên hay mà thật đáng sợ!". Điều này cũng khiến tên bão trở nên gần gũi và thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là giới trẻ.

Tuy nhiên, trên thực tế, Yinxing là tên bão được Trung Quốc đề xuất, mang ý nghĩa là "Ngân Hạnh" - một loại cây bạch quả, biểu tượng của sự bình an và trường thọ. Do đó, tên gọi này không liên quan đến “Yến Xinh” theo cách hiểu của nhiều người.

Tại sao một số trang lại gọi bão Yinxing là bão Yutu?

Thay vì ghi là bão Yinxing, một số trang mạng lại gọi là bão Yutu.

Yutu (Thỏ Ngọc) trước đây là tên bão do Trung Quốc đề xuất. Nhưng sau khi siêu bão Yutu gây thiệt hại nặng nề ở Philippines vào năm 2018, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã quyết định ngừng sử dụng tên này. Từ mùa bão 2021, tên Yinxing đã được WMO chọn thay thế cho Yutu. 

Cách đặt tên các cơn bão

Hiện Tổ chức Khí tượng Thế giới ((World Meteorological Organization - WMO) là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý việc đặt tên cho các cơn bão. Đây là tổ chức chuyên môn về khí tượng của Liên Hợp Quốc, có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ).

WMO chịu trách nhiệm quản lý, cập nhật và dự báo thời tiết 6 khu vực trên thế giới, được chia theo vị trí địa lý, bao gồm châu Phi, châu Á, Nam Mỹ, Bắc và Trung Mỹ, Tây Nam Thái Bình Dương, châu Âu.

Các quốc gia nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng bởi bão nhiệt đới sẽ đề cử tên gọi. WMO sẽ lựa chọn để đặt cho các cơn bão được hình thành tại những khu vực tương ứng.

Tại Việt Nam, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã gửi đề xuất 20 tên bão. Trong đó có 10 tên được WMO chọn gồm: Conson, Saola, Songda, Sontinh, Lekima, Sonca, Bavi, Tramy, Halong, Vamco.

Tuy nhiên, sau đó, phía Việt Nam đã đề nghị rút tên gọi Sontinh ra khỏi danh sách, vì đây là vị thần biểu tượng cho nỗ lực chống lại các hiện tượng thiên tai, bão lũ trong truyền thuyết của dân tộc. Vì vậy, việc sử dụng tên "Sơn tinh" để đặt tên cho các cơn bão là không phù hợp.

Danh sách các tên bão sẽ được tái sử dụng sau mỗi 6 năm. Chẳng hạn danh sách các cơn bão năm 2024 sẽ được sử dụng lại để đặt tên cho các cơn bão vào năm 2030.

voh-ten-bao-yinxing-3
Inforgaphic về thiệt hại của cơn bão Chanchu năm 2006 - Ảnh: vtv.vn

Mỗi năm, Ủy ban Bão của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) sẽ tổ chức họp một lần. Trong nội dung họp có việc xem xét việc đề cử tên mới và loại bỏ tên bão cũ. Các quốc gia có quyền yêu cầu gạch tên của những cơn bão đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, nhằm tránh gợi lại những ký ức đau thương. Khi đó, WMO sẽ yêu cầu các quốc gia thành viên bỏ phiếu để quyết định xem, nên hay không nên loại bỏ tên bão đó.

Trước đây, Việt Nam đã yêu cầu loại bỏ tên bão "Chanchu" do Hàn Quốc đặt, sau khi cơn bão này gây thiệt hại nặng nề cho nước ta vào năm 2006. Tương tự, Hàn Quốc cũng đề nghị loại bỏ tên bão "Saomai" do Việt Nam đề xuất vì cơn bão cũng gây thiệt hại nghiêm trọng cho nước này vào cùng năm.

Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã hiểu hơn về ý nghĩa của tên bão Yinxing. Việc nắm bắt kịp thời thông tin chính xác về các cơn bão góp phần quan trọng trong công tác ứng phó với thiên tai, bảo vệ an toàn cho bản thân cũng như gia đình và cộng đồng cộng đồng.

Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại voh.com.vn - Thường thức.

Bình luận