Hệ sinh thái bí ẩn lộ diện sau khi một tảng băng trôi tách khỏi Nam Cực

VOH - Các nhà khoa học từ Viện Hải dương Schmidt vừa phát hiện một hệ sinh thái phong phú với nhiều sinh vật biển sâu kỳ lạ dưới đáy biển sau khi một tảng băng trôi tách khỏi Nam Cực.

Các nhà nghiên cứu cho biết, khu vực này, nằm ở độ sâu đến 1.300m, trước đây chưa bao giờ có thể tiếp cận bởi con người, lại là nơi sinh sống của những rạn san hô khổng lồ, bọt biển và nhiều loài sinh vật như nhện biển khổng lồ, bạch tuộc, thủy tức và cá băng.

Phát hiện mới đã cung cấp những cái nhìn mới về cách các hệ sinh thái hoạt động dưới các tảng băng trôi của Nam Cực.

sua

Một "con sứa mũ bảo hiểm" được phát hiện trong quá trình khảo sát bên dưới tảng băng trôi ở Nam Cực. - Ảnh: Independent.

Cho đến nay, hiểu biết về các sinh vật sống dưới các tảng băng trôi ở Nam Cực vẫn còn rất hạn chế.

Vào năm 2021, một cuộc khảo sát của Anh lần đầu tiên phát hiện dấu hiệu của các loài sinh vật sống ở đáy biển dưới tảng băng Filchner-Ronne ở Nam Cực, đồng thời tìm thấy hệ sinh thái đa dạng sinh học cùng với những manh mối về một số loài mới chưa được xác định.

Trong hầu hết môi trường biển sâu, các sinh vật dựa vào một lượng nhỏ các chất dinh dưỡng lắng xuống đáy biển từ bề mặt nơi có ánh sáng Mặt trời.

Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ cách các hệ sinh thái ở Nam Cực, nơi bị bao phủ bởi lớp băng dày 150 mét trong suốt hàng thế kỷ, có thể phát triển mạnh mẽ khi hoàn toàn bị tách biệt khỏi nguồn dinh dưỡng từ bề mặt.

Cuộc khảo sát gần đây cho thấy, sau khi một tảng băng trôi có diện tích khoảng 510km² bị tách ra khỏi Nam cực, nó đã hé lộ một hệ sinh thái với nhiều loài sinh vật kỳ lạ nhưng tuyệt đẹp dưới đáy biển.

Các nhà khoa học cho rằng, khu vực này có thể là môi trường sống của nhiều loài sinh vật trong suốt hàng thế kỷ.

Sau khi sự kiện tách băng xảy ra, các nhà khoa học trên tàu R/V Falkor của Viện Hải dương Schmidt (có trụ sở ở Mỹ) tại biển Bellingshausen đã nhanh chóng điều chỉnh kế hoạch thám hiểm để khảo sát khu vực dưới mặt nước biển này.

Tiến sĩ Patricia Esquete, trưởng nhóm nghiên cứu, đã bày tỏ sự ngạc nhiên khi phát hiện một hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ và tuyệt đẹp ở độ sâu lên đến 1.300m dưới mặt nước.

Bà Esquete nhận định rằng, dựa trên kích thước của các loài động vật, các cộng đồng sinh vật này có thể đã tồn tại hàng thập kỷ, thậm chí hàng trăm năm.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, các dòng hải lưu có thể đang vận chuyển các chất dinh dưỡng đến những khu vực này của đáy biển và duy trì sự sống dưới lớp băng.

Tuy nhiên, cơ chế chính xác giúp duy trì các hệ sinh thái này vẫn là một bí ẩn.

Tiến sĩ Sasha Montelli, thành viên nhóm thám hiểm từ Đại học College London (UCL), cho biết, nghiên cứu này đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp bối cảnh dài hạn về những biến đổi gần đây, đồng thời giúp nâng cao khả năng dự báo tương lai để hỗ trợ các chính sách hành động.

Ông cho biết, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục có thêm những phát hiện mới khi phân tích dữ liệu thu thập được.

Bình luận