Theo Hãng tin Reuters, Nihon Hidankyo tập hợp những người sống sót sau vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki ở Nhật Bản. Những người này được gọi chung là Hibakusha.
"Hibakusha nhận giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân và vì đã chứng minh thông qua lời khai của nhân chứng rằng vũ khí hạt nhân không bao giờ được sử dụng nữa lần nữa", ông Jorgen Watne Frydnes, chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy ở Oslo phát biểu.
Lễ trao giải Nobel Hòa bình sẽ diễn ra tại Tòa thị chính Oslo (Na Uy) vào ngày 10/12 tới, trùng với lễ trao các giải Nobel Y sinh, Vật lý, Hóa học, Văn học và Kinh tế tại Thụy Điển. Người nhận giải Nobel Hòa bình sẽ được trao huy chương, chứng nhận và giải thưởng trị giá hơn 1 triệu USD.
Trong bối cảnh những cuộc chiến tranh đang diễn ra trên khắp thế giới, Giải Nobel Hòa Bình 2024 ban đầu được dự đoán sẽ vinh danh những cá nhân hoặc tổ chức đang nỗ lực bảo vệ trật tự thế giới, như Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), Cơ quan Cứu trợ và Hành động của Liên Hiệp Quốc (UNRWA), hoặc Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres.
Theo Chương trình Dữ liệu Xung đột của Đại học Uppsala (Thụy Điển), năm 2023 có tới 59 cuộc xung đột vũ trang trên thế giới, gần gấp đôi so với con số năm 2009.
Một số chuyên gia cho rằng với tình hình đó, có thể sẽ không có người nhận giải Nobel Hòa Bình năm nay điều đã xảy ra 19 lần kể từ khi giải thưởng này được trao lần đầu vào năm 1901.
Tuy nhiên Ủy ban Nobel Na Uy khẳng định việc tôn vinh những nỗ lực hòa bình "có lẽ quan trọng hơn bao giờ hết".