Tiêu điểm: Nhân Humanity

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng sức khỏe thai nhi như thế nào?

Ô nhiễm không khí hiện là mối quan tâm hàng đầu của toàn cầu, là tác nhân gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người, đặc biệt rất nguy hiểm với mẹ bầu và thai nhi.

Nhiều nghiên cứu bệnh dịch chỉ ra sự liên quan giữa chất lượng không khí và tình trạng sức khỏe xấu. Tuy nhiên, người ta vẫn đang tìm kiếm lời giải thích cho sự ảnh hưởng này.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 4,2 triệu người chết do ô nhiễm không khí; 91% dân số thế giới sống trong khu vực có mức ô nhiễm cao hơn giới hạn quy định. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy sự ảnh hưởng từ việc hít phải chất gây ô nhiễm đến tình trạng sức khỏe con người. Ví dụ như căn bệnh hen suyễn mãn tính của trẻ em Hoa Kỳ.

voh.com.vn-o-nhiem-khong-khi-nang-ne-anh-1

Ô nhiễm không khí nặng nề. Ảnh minh hoạ 

Ảnh hưởng của không khí ô nhiễm đến trẻ em

Từ thập niên 60, người ta đã sớm tìm hiểu về ảnh hưởng của nhiễm không khí đến sức khỏe con người, nhưng chỉ tập trung nghiên cứu ở người trưởng thành. Đến những năm 70, mối liên quan giữa việc hít vào những “hạt ô nhiễm” và nguyên nhân gây ra bệnh hô hấp được quan tâm nhiều hơn.

Cùng thời gian đó, các nghiên cứu gia đưa ra nhận định: ô nhiễm không khí ở khắp nơi không chỉ ảnh hưởng đến người trực tiếp hít vào mà ảnh hưởng cả những thai nhi trong bụng mẹ. Năm 1973, nghiên cứu đầu tiên về sự ảnh hưởng của không khí bị ô nhiễm đến kết quả sinh sản tại khu vực Los Angeles, cho thấy mối liên hệ giữa những bào thai “hít” phải không khí ô nhiễm và hiện trạng con sinh ra nhẹ ký. Các nhà nghiên cứu tiết lộ rằng chất lượng không khí nơi mẹ bầu sinh sống gây ra vô số ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ.

Beate Ritz - một nhà nghiên cứu bệnh dịch tại đại học California và trường y tế công cộng Los Angeles, cho biết năm 1989 là lần đầu tiên cô đến Los Angeles và đã cảm thấy khó thở vì hiện tượng sương khói quang hóa nơi đây. Cô mang thai hai lần trong những năm đầu thập niên 90, và dần trở nên quan tâm hơn đến vấn đề ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến trẻ như thế nào.

Điều này thôi thúc Ritz có những nghiên cứu dành cho phụ nữ mang thai. Một trong những nghiên cứu đầu tiên của mình, Ritz phát hiện rằng, khoảng thời gian tại Los Angeles giữa năm 1994 và 1996, nếu trẻ được sinh ra bởi những bà mẹ hít phải không khí ô nhiễm mức độ cao trong lúc mang thai sẽ có cân nặng thấp hơn và tỉ lệ sinh non cao hơn (so với những trẻ có mẹ sống trong môi trường trong lành).

Trong một email gửi đến The Scientist, Ritz bày tỏ mình rằng mình không mong chờ đưa ra thêm những nhận định xấu, đặc biệt khi chất lượng môi trường ở Los Angeles bắt đầu được cải thiện từ những năm 70. Những hợp chất tìm thấy trong sương mù quang hóa ở đây giảm từ 0.68ppm khí ozone (năm 1955) xuống còn 0.14 ppm (năm 1996).

Cùng với các hiệp hội nghiên cứu bệnh dịch ở con người, nhiều nghiên cứu về động vật cũng chỉ ra ô nhiễm không khí ảnh hưởng lớn đến kết quả sinh sản. Qua nhiều lần thử nghiệm, Ritz và nhiều nghiên cứu gia khác kết luận rằng việc các bà bầu hít phải không khí ô nhiễm từ phương tiện giao thông có thể ảnh hưởng đến giai đoạn thai nghén, cân nặng trẻ khi sinh, bệnh về phổi của trẻ cùng những ảnh hưởng đến cuộc đời chúng sau này. 

Nhà nghiên cứu sự phát triển Rosalind Wright của trường y khoa Icahn tại Mount Sinai (New York) đưa ra ví dụ về một mẹ bầu hít phải khí ô nhiễm mức độ nặng trong thời kỳ mang thai thì con sinh ra có các chức năng phổi hoạt động yếu hơn.

voh.com.vn-o-nhiem-khong-khi-nang-ne-anh-2
Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến trẻ trong bụng mẹ 

Một nghiên cứu dành riêng cho trẻ 7 tuổi, cho thấy trẻ em (đặc biệt là các bé nam) “hít” phải nitrat từ khí thải giao thông khi còn trong bụng mẹ khoảng từ tuần 6 đến tuần 12 được ghi nhận là có năng lực phổi yếu hơn những trẻ hít ít khí thải khác. 

Nhà phân tích nghiên cứu Wright nói rằng, “nếu điều này xảy ra ở trẻ 5 hoặc 6 tuổi thì thực sự là vấn đề lớn bởi hậu quả khó lường về sau với trẻ”. Nhiều nghiên cứu khác chỉ ra việc “hít” phải quá nhiều sự ô nhiễm trong khi ở trong bụng mẹ vẫn có thể dẫn đến các vấn đề rối loạn giấc ngủ và hành vi của trẻ.

Trong khi Ritz bị thuyết phục rằng những bà bầu hít phải không khí ô nhiễm khi mang thai và sức khỏe kém ở trẻ khi sinh ra có liên quan với nhau thì cộng đồng y khoa vẫn chưa hoàn toàn chấp nhận quan điểm này. Dù ngày càng có nhiều chứng cứ về ảnh hưởng môi trường đến sức khỏe bào thai nhưng các nghiên cứu liên quan hai vấn đề này không thể chỉ ra mối quan hệ nhân quả giữa chúng, “Bác sĩ không tin rằng ô nhiễm môi trường có thể gây hại cho kết quả sinh sản. Tôi nghĩ chúng ta phải chỉ ra cho họ thấy điều này bằng cái nhìn của ngành sinh học”, Ritz cho biết.

Chất ô nhiễm không khí và cơ chế gây hại đến bà bầu và thai nhi

Những nghiên cứu về sự liên quan giữa khí ô nhiễm và mẹ bầu không đủ để giải thích cơ chế khí ô nhiễm người mẹ hít phải ảnh hưởng tới sự phát triển thai nhi. Do đó, vài năm gần đây, nhiều nhà khoa học đã lấy động vật làm mẫu và tiến hành thí nghiệm.

Nhà địa chất học Renyi Zhang thuộc Đại học Texas A&M và cộng sự của ông, gần đây đã tiến hành thí nghiệm trên những con chuột. Zhang cho những con chuột cái đang mang thai này hít một ít chất amoni sunfat siêu mịn, vì theo ông amoni sunfat là chất gây ô nhiễm phổ biến có trong khí thải công nghiệp và xe cộ (nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm ở các thành phố châu Á). Trong nghiên cứu, Zhang và đồng sự nhận ra những con chuột hít phải chất ô nhiễm khi sinh ra nhẹ cân hơn bình thường, bị sinh non hoặc tệ hơn là chết trong bụng mẹ.

Các nhà nghiên cứu gặp khó khăn khi phân biệt sự ảnh hưởng của các hợp chất hóa học đặc biệt, mà amoni sunfat thường ở dạng hỗn hợp. Tuy nhiên, việc phân loại không quan trọng bằng xác định kích thước chất. Zhang và những nhà nghiên cứu cùng dùng một lượng nhỏ bột mịn trong thí nghiệm, bởi dạng này nguy hiểm nhất đối với bào thai. Các hạt vật chất có đường kính nhỏ hơn 2.5 micromet. Hạt bột mịn không lớn hơn 0.1 micromet và có thể thẩm thấu qua các mô.

voh.com.vn-o-nhiem-khong-khi-nang-ne-anh-3
Các hạt ô nhiễm xâm nhập cơ thể mẹ bầu  

Ritz cho biết những hạt nhỏ có khả năng di chuyển qua các màng tế bào và có thể tìm thấy ở lớp màng phổi. Hạt nhỏ nhất có thể băng qua hàng rào máu não, thậm chí là xâm nhập vào nhau thai. Các hạt nhỏ trong chất gây ô nhiễm có chức năng thâm nhập vào sâu cơ thể người mẹ, sau đó vào thai nhi và gây ra các vấn đề về sức khỏe.

Cơ chế gây hại của ô nhiễm không khí là gây mất cân bằng oxi hóa”, Wright cho biết. Những chất gây ô nhiễm như amoni sunfat, nitơ đioxit và ozon có phản ứng với màng lipid và màng proteins. 

Trao đổi với The Scientist, các chuyên gia cho rằng những phản ứng đó có thể dẫn đến nhiều chứng viêm và gây ra tình trạng sinh non. Tuy nhiên, cơ chế khiến chứng viêm mãn tính ảnh hưởng đến đường truyền tín hiệu, dẫn đến xuất hiện các dấu hiệu sinh nở vẫn đang trong quá trình nghiên cứu.

Hiệp hội nghiên cứu bệnh dịch ở con người và động vật cùng chỉ ra rằng ô nhiễm không khí ảnh hưởng lớn đến kết quả sinh sản. Ví dụ, năm 2012, các nhà nghiên cứu đã thực hiện thí nghiệm, cho những con chuột mang thai tập trung lại một nhóm và cho chúng hít khí thải diesel, một nhóm khác sống trong môi trường bình thường.

Kết quả cho thấy đời sau của những con chuột sống tự do phát triển hơn những con chuột bị thí nghiệm mặc dù cả hai nhóm đều được thực hiện chế độ ăn giàu chất béo. Sau đó, một nghiên cứu trên con người được công bố năm 2018, kết luận rằng trẻ sống ở những nơi đông phương tiện giao thông, hít phải không khí ở đó từ những năm đầu đời, đến năm chúng 10 tuổi, bản thân sẽ có chỉ số khối cơ thể (BMI) lớn hơn so với trẻ cùng trang lứa.

Nhà khoa học về thần kinh Jessica Bolton thuộc đại học Irvine (California) - tác giả đầu tiên của công trình nghiên cứu trên động vật gặm nhấm, cho biết những ảnh hưởng lên chuột không chỉ giới hạn ở sự trao đổi chất, “Khi chúng tôi nhìn vào não các loài này, có bằng chứng cho thấy não của chúng đã bị viêm.

Các chất gây ô nhiễm có thể gây ra chứng viêm trên bộ não thai nhi, điều này ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ. Để tìm ra các chứng viêm đóng vai trò gì trong cơ chế, nhóm của Ritz bắt đầu phân tích mẫu máu và nước tiểu của những người phụ nữ đang mang thai để kiểm tra dấu ấn sinh học của chứng viêm.

Các nghiên cứu về bệnh dịch và động vật đưa ra giả thuyết, ô nhiễm không khí không những ảnh hưởng đến vấn đề con sinh ra nhẹ cân hoặc sinh non, mà còn ảnh hưởng sức khỏe trẻ về lâu dài. Mục tiêu của những nghiên cứu này là dự đoán con người có khả năng bị nguy hiểm như thế nào. Theo Ritz, “Mang thai là giai đoạn cực kỳ quan trọng của cuộc đời, khi tất cả mọi cơ quan (trong bào thai) phát triển”. Nếu hít phải chất gây ô nhiễm, sẽ gây tổn thương đến tất cả các cơ quan cũng như toàn bộ bào thai theo hệ quả lâu dài.

Nguồn ảnh: Internet

Báo động tình trạng tử vong cao trên thế giới do ô nhiễm không khí: Một báo cáo của Liên hợp quốc công bố ngày 20/6 cho biết trong năm 2016, ước tính có khoảng 4,2 triệu người tử vong do bầu không khí xung quanh có nồng độ ô nhiễm cao.
Vitamin B giúp giảm tác động của ô nhiễm không khí lên sức khỏe: Vitamin B có thể giúp giảm nhẹ tác động của loại ô nhiễm không khí nguy hiểm nhất lên sức khỏe, theo một nghiên cứu mới được công bố trên Reuters vào tuần trước.
Bình luận