Theo nghiên cứu vừa được công bố trên Astrophysical Journal, nhóm chuyên gia thiên văn tại Mỹ đã xác định 2.500 lỗ đen ở trung tâm các thiên hà lùn và 300 lỗ đen khối lượng trung gian – loại lỗ đen được xem là "mắt xích còn thiếu" trong vũ trụ học.
Phát hiện này được thực hiện nhờ Thiết bị quang phổ năng lượng tối (DESI) – hệ thống tối tân được lắp đặt trên kính viễn vọng Nicholas U. Mayall 4m, thuộc Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ (NSF), đặt tại Đài quan sát quốc gia Kitt Peak.
Lỗ đen vốn là những vật thể vô hình, vì chúng không phát ra ánh sáng. Tuy nhiên, DESI đã có thể phát hiện ra những dấu hiệu mờ nhạt nhất từ các hạt nhân thiên hà hoạt động, nơi lỗ đen đang "nuốt chửng" vật chất xung quanh.

"Khi một lỗ đen ở trung tâm thiên hà bắt đầu 'ăn', nó sẽ giải phóng một lượng năng lượng khổng lồ, biến đổi thành một hạt nhân thiên hà hoạt động", tiến sĩ Ragadeepika Pucha từ Đại học Utah (Mỹ) giải thích trên Sci-News.
Những tín hiệu này giúp các nhà khoa học xác định vị trí lỗ đen trong các thiên hà lùn – loại thiên hà có độ sáng rất thấp và khó quan sát.
Trong nghiên cứu này, nhóm khoa học đã thu thập dữ liệu quang phổ từ 410.757 thiên hà, trong đó có 114.496 thiên hà lùn.
Kết quả, họ phát hiện 2.500 lỗ đen đang hoạt động ở trung tâm các thiên hà lùn. Ngoài ra, 300 lỗ đen khối lượng trung gian cũng được xác định nhờ một cuộc quan sát riêng biệt.
Lỗ đen khối lượng trung gian là loại lỗ đen có kích thước nằm giữa lỗ đen siêu khối (thường xuất hiện ở trung tâm thiên hà lớn) và lỗ đen khối lượng sao (hình thành từ sự sụp đổ của một ngôi sao khổng lồ).
Đây là một phát hiện quan trọng, vì nguồn gốc của lỗ đen khối lượng trung gian vẫn là một trong những bí ẩn lớn của vũ trụ.
"Chúng tôi chưa có lời giải thích rõ ràng về cách những lỗ đen khối lượng trung gian này hình thành", nhóm nghiên cứu cho biết.
Trước đây, các hệ thống quan sát thiên văn thường gặp khó khăn trong việc phát hiện lỗ đen vì ánh sáng từ các vùng ngoại vi của thiên hà có thể làm loãng tín hiệu từ hạt nhân thiên hà hoạt động.
Tuy nhiên, DESI đã khắc phục được vấn đề này, cho phép các nhà khoa học tìm ra những dấu hiệu tinh vi nhất từ các lỗ đen ẩn mình trong vũ trụ.