Tiêu điểm: Bệnh Sởi
Chờ...

Vắc-xin ngừa ung thư có thể được ra mắt vào năm 2025

VOH - Một tin vui cho các bệnh nhân ung thư khi kết quả thử nghiệm lâm sàng của phương pháp điều trị kết hợp liệu pháp mRNA với thuốc trị ung thư Keytruda đạt hiệu quả cao.

Mới đây, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã cấp chỉ định và công nhận liệu pháp mRNA (mRNA-4157) kết hợp với thuốc trị ung thư Keytruda để điều trị bổ trợ cho các bệnh nhân u ác tính.

Trước đó, theo trang tin y tế MedScap, 2 hãng dược Moderna và Merck cũng đã đưa ra những kết quả đầy hứa hẹn từ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2b, nghiên cứu sự kết hợp giữa liệu pháp mRNA và thuốc điều trị ung thư Keytruda để điều trị khối u ác tính.

Công ty dược phẩm Moderna công bố kết quả thử nghiệm giai đoạn 2b kết hợp liệu pháp mRNA (mRNA-4157) với thuốc trị ung thư Keytruda, ký hiệu Keynote-942 (còn gọi là pembrolizumab) của Công ty dược đa quốc gia Merck.

Qua các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên được thực hiện trên những bệnh nhân có khối u ác tính có nguy cơ tái phát cao (giai đoạn III/IV) sau khi cắt bỏ hoàn toàn khối u. Kết quả cho thấy sự kết hợp mRNA-4157 (V940) và Keynote-942 cải thiện tỉ lệ sống sót, không di căn xa so với chỉ dùng Keynote-942 đơn thuần, giúp giảm 62% nguy cơ phát triển di căn xa hoặc tử vong.

Ông Kyle Holen, phó chủ tịch cấp cao của Công ty Moderna, cho biết: "Nghiên cứu Keynote-942/mRNA-4157 là minh chứng đầu tiên về hiệu quả của phương pháp điều trị ung thư bằng sử dụng liệu pháp mRNA".

Vắc-xin ngừa ung thư có thể được ra mắt vào năm 2025 1
Vắc-xin mRNA có thể là một giải pháp mới mang đến khả năng thành công cao trong điều trị các khối u ác tính.

Dựa trên dữ liệu từ nghiên cứu Keynote-942/mRNA-4157-P201 giai đoạn 2b, FDA và EMA đã cấp chỉ định và công nhận liệu pháp này để điều trị bổ trợ cho bệnh nhân u ác tính có nguy cơ cao.

Sau khi được triển khai điều trị bổ trợ cho những bệnh nhân bị u ác tính đã được cắt bỏ khối u, ông Stéphane Bancel, tổng giám đốc Moderna, tin rằng vắc-xin mRNA ngừa khối u ác tính có thể có vào năm 2025.

Theo Cục Y tế dự phòng, mRNA là viết tắt của cụm từ Messenger RNA, hay còn được gọi là RNA thông tin, đây là vật chất di truyền giúp cơ thể tạo ra protein. Các nhà khoa học đã ứng dụng mRNA trong việc sản xuất vắc-xin.
Vắc-xin được sản xuất theo công nghệ mRNA là một loại mới, không theo cách thức giúp cơ thể tạo ra kháng thể chống lại các bệnh truyền nhiễm như các loại vắc-xin cổ điển trước đây. Thay vào đó, nó sử dụng một đoạn mã gen được tạo ra trong phòng thí nghiệm để dạy các tế bào của cơ thể con người cách tạo ra một loại protein (hoặc thậm chí chỉ là một phần của protein) – protein này sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch bên trong cơ thể con người. Phản ứng miễn dịch đó sẽ tạo ra kháng thể giúp bảo vệ cơ thể không bị nhiễm bệnh.

Chạy đua phát triển vắc-xin ngừa ung thư

Moderna không phải đơn vị duy nhất muốn phát triển vắc-xin ngừa ung thư.

Tháng 5/2023, theo tạp chí Nature cho biết Hãng BioNTech hợp tác với hãng dược Roche đã đề xuất thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 của một loại vắc-xin nhắm vào bệnh ung thư tuyến tụy.

Tháng 6/2023, tại hội nghị của Hiệp hội Ung thư lâm sàng Mỹ, Công ty công nghệ sinh học Transgene cũng trình bày kết luận của mình về vắc-xin chống lại các bệnh ung thư liên quan đến tai mũi họng và vi-rút HPV.

Gần đây nhất, tháng 9/2023, Công ty công nghệ sinh học Ose Immunotherapeutics (Pháp) gây chú ý khi công bố kết quả thử nghiệm giai đoạn 2 loại vắc-xin điều trị ung thư phổi giai đoạn cuối.