Mọi người có thể đã từng nghe nói rằng lutein và zeaxanthin có thể cải thiện đáng kể chức năng thị giác và nhận thức ở người lớn và có thể làm giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng do tuổi tác.
Vậy những chất dinh dưỡng này có hữu ích cho trẻ em không? Câu trả lời là có! Dưới đây là những gì bác sĩ nhi khoa nói cho mọi người biết rõ.
Thí nghiệm khoa học chứng minh lutein và zeaxanthin giảm mỏi mắt ở trẻ
Ngày nay, với sự phổ biến của sản phẩm 3C (bao gồm máy vi tính, phương tiện liên lạc di động và sản phẩm điện tử gia dụng), nhiều bậc phụ huynh lo lắng về vấn đề thị lực của con mình do sử dụng các sản phẩm này trong nhiều giờ liên tục, vậy việc bổ sung lutein và zeaxanthin cho trẻ có giúp ích gì không?
Kiệt Đăng, bác sĩ nhi khoa người Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, trong một nghiên cứu đối chứng về mù đôi, dùng giả dược được công bố vào đầu năm 2024, 60 trẻ em từ 5 đến 12 tuổi được chia ngẫu nhiên thành một nhóm bổ sung và một nhóm đối chứng.
Trong đó, nhóm bổ sung dùng thực phẩm bổ sung là kẹo dẻo có chứa 10 mg lutein và 2 mg zeaxanthin, trong khi nhóm đối chứng còn lại thì sử dụng giả dược.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, mật độ quang học của sắc tố hoàng điểm tăng rõ rệt ở trẻ trong nhóm bổ sung bắt đầu từ ngày thứ 42 và ngày thứ 180, nồng độ lutein trong huyết thanh của trẻ ở nhóm bổ sung cũng tăng rõ rệt, khiến mệt mỏi thị giác cũng giảm theo và sự tập trung, trí nhớ và khả năng học tập của trẻ được cải thiện rất nhiều.
Nghiên cứu còn cho thấy thêm rằng, vào ngày thứ 180, tốc độ xử lý hình ảnh, sự chú ý và khả năng xử lý không gian thị giác đã được cải thiện đáng kể ở nhóm bổ sung.
Từ đó, nghiên cứu kết luận rằng bổ sung lutein và zeaxanthin có thể làm giảm mỏi mắt và giúp cải thiện hiệu suất thị giác và nhận thức ở trẻ em.
Lượng lutein hàng ngày cho trẻ em là từ 6 đến 10 mg
Trẻ em dùng lutein như thế nào để đạt hiệu quả nhất? Bác sĩ Kiệt Đăng cho biết, hiện tại lượng lutein được khuyến nghị dành cho trẻ em hơi khác nhau ở các quốc gia khác nhau, nhưng nói chung, trẻ em nên tiêu thụ 6 đến 10 mg lutein mỗi ngày.
Tuy nhiên, cơ thể con người không thể tự sản xuất được lutein và zeaxanthin, cho nên nó phải được bổ sung thông qua chế độ ăn uống hàng ngày. Theo khảo sát về chế độ ăn uống, người lớn chỉ tiêu thụ được khoảng 1 đến 2 mg lutein mỗi ngày từ chế độ ăn hàng ngày, trong khi trẻ em thường tiêu thụ càng ít hơn.
Thực phẩm giàu lutein và zeaxanthin
Để tăng lượng bổ sung lutein và zeaxanthin, bác sĩ Kiệt Đăng khuyên mọi người nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất dinh dưỡng chẳng hạn như cải xoăn, trứng, rau bina (cài bó xôi), bông cải xanh, bắp (hay còn gọi là ngô), măng tây, kiwi, nho, cam và bưởi ruột đỏ…
Bác sĩ Kiệt Đăng cho rằng, ăn 1 đến 2 quả trứng và rau củ, trái cây tươi mỗi ngày có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe thị giác và nhận thức của trẻ.
Bác sĩ Kiệt Đăng cho biết thêm, trẻ em ngày nay được tiếp xúc với các sản phẩm 3C ngày càng sớm hơn, điều này dễ dẫn đến gia tăng các vấn đề như cận thị, mệt mỏi mắt, sức khỏe thị giác…
Ngoài ra, trẻ em đang trong giai đoạn phát triển nhanh, nếu thiếu hụt dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của chúng càng rõ ràng hơn.
Vì vậy, các bậc phụ huynh cần quan tâm hơn đến việc hỗ trợ dinh dưỡng cơ bản và bảo vệ thêm cho con trẻ. Trong đó, cần bổ sung thêm thực phẩm giàu lutein và zeaxanthin – cặp đôi dưỡng chất hỗ trợ tăng cường thị lực cho mắt ở trẻ.