Tiêu điểm: Nhân Humanity

Logistics xanh - Hướng đi mới cho sự phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh

VOH - Ứng dụng logistics xanh vào kinh doanh sẽ giúp các doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí về môi trường, nâng cao khả năng cạnh tranh và tăng trưởng bền vững, đóng góp quan trọng cho hoạt động xuất n

Logistics xanh là xu hướng tất yếu, việc “xanh hóa” ngành logistics và ứng dụng logistics xanh vào kinh doanh sẽ giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững.

xu-huong-logistics-2022

Ảnh minh họa

Logistics xanh, một khái niệm mới nhưng đầy tiềm năng, đang dần khẳng định tầm quan trọng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng chú trọng đến yếu tố bền vững. Đối với Việt Nam, mặc dù logistics xanh vẫn đang ở giai đoạn sơ khai, nhưng đây là một hướng đi không thể tránh khỏi để các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Nhiều chuyên gia kinh tế và giới nghiên cứu trong lĩnh vực logistics nhận định, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, nếu các doanh nghiệp không thực hiện nhanh và ngay các tiêu chí để xanh hóa ngành logistics thì trong tương lai doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, dần bị “đào thải” ra khỏi các hoạt động kinh doanh và thương mại và xuất nhập khẩu trong nước và toàn cầu.

Ông Ngô Khắc Lê, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam, cho biết, logistics xanh vẫn đang là một khái niệm tương đối mới, chưa được hiểu đầy đủ và chính xác. Vì vậy, để thúc đẩy logistics xanh, nhằm tăng trưởng toàn diện và bền vững tại Việt Nam, điều quan trọng là phải hiểu bản chất và vai trò của logistics xanh.

Thực trạng và thách thức hiện nay

Ngành logistics ở Việt Nam hiện có tốc độ tăng trưởng bình quân từ 14-16%/năm, đóng góp quan trọng cho hoạt động xuất nhập khẩu và chuỗi cung ứng nội địa. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những ngành tiêu thụ năng lượng lớn và phát thải khí nhà kính cao. Do vậy, việc xanh hóa ngành logistics không chỉ là trách nhiệm mà còn trở thành động lực thiết yếu để các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, hình ảnh thương hiệu và hướng tới sự phát triển bền vững.

seafreight-scaled-800x800

Trên toàn cầu, các công ty lớn như DHL, UPS và Maersk đã đầu tư hàng tỷ đô la vào việc triển khai các giải pháp logistics xanh như xe tải điện và tàu biển sử dụng nhiên liệu thay thế. Tuy nhiên, việc áp dụng rộng rãi các giải pháp này vẫn gặp nhiều thách thức, bao gồm chi phí cao, thiếu hạ tầng hỗ trợ, và thiếu chính sách khuyến khích từ chính phủ.

Thách thức về nguồn lực tài chính, về trình độ, năng lực cũng như vấn đề quản trị con người. Thứ yếu mới là vấn đề công nghệ thông tin và cơ sở hạ tầng.

Ông Lê Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Giao nhận vận tải Vàng cho biết, nếu các doanh nghiệp không nhanh chóng thực hiện được các tiêu chí về môi trường và logistics xanh thì trong tương lai doanh nghiệp sẽ dần bị 'đào thải' ra khỏi các hoạt động kinh doanh và thương mại.

"Đây là yêu cầu của cả thế giới về một xu hướng chung. Đặc biệt, các doanh nghiệp của Việt Nam đang gặp sự cạnh tranh lớn, từ một số thị trường mới nổi; các doanh nghiệp khối dệt may, giày da mất nhiều đơn hàng bởi các doanh nghiệp bên Bangladesh, các nước châu Âu họ sử dụng các công nghệ về sản xuất xanh, yêu cầu giảm thải, chất lượng cao hơn về mặt môi trường. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần chú trọng vấn đề này.''

Ông Ngô Khắc Lê, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam cho biết, nhận thức về logistics xanh còn hạn chế, đặc biệt ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhiều doanh nghiệp hiểu sai về khái niệm này, cho rằng chỉ cần trồng cây xanh trong doanh nghiệp là đủ. Thực tế, logistics xanh đòi hỏi những thay đổi sâu rộng trong toàn bộ chuỗi cung ứng, từ vận tải, quản lý kho bãi đến bao bì và đóng gói.

Việc đưa ra các giải pháp giúp doanh nghiệp đẩy nhanh và toàn diện quá trình xanh hóa ngành logistics cần phải được nhìn nhận rộng hơn, đưa ra các giải pháp tổng thể, khó ở đâu gỡ ở đó.

Lợi ích của logistics xanh

Áp dụng logistics xanh mang lại nhiều lợi ích to lớn về kinh tế và môi trường. Đầu tiên, nó giúp giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm năng lượng và nguồn tài nguyên, bảo vệ đa dạng sinh học và các hệ sinh thái. Thứ hai, nó giảm chi phí vận hành và nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng, đồng thời hưởng ứng các chính sách ưu đãi của chính phủ như ưu đãi thuế, tín dụng hay hỗ trợ tài chính. Ngoài ra, các công ty áp dụng logistics xanh thường được đánh giá cao về trách nhiệm xã hội, cải thiện mối quan hệ với cộng đồng và thu hút khách hàng có ý thức về môi trường.

 Giải pháp thúc đẩy logistics xanh tại Việt Nam

Phải thay đổi nhận thức về khái niệm logistics xanh. Phải truyền thông liên tục, duy trì thường xuyên. Song chỉ truyền thông thì không đủ mà cần sự vào cuộc đồng hành hành của Chính phủ, các cơ quan quản lý.

Cần có chính sách ưu đãi thuế, đầu tư vào công nghệ và hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ và doanh nghiệp là yếu tố then chốt.

Ông Ngô Khắc Lê cũng đề xuất phải làm sao để khai thác tốt hơn, hiệu quả hơn nữa giao thông đường thủy nội địa, đường ven biển… vừa tăng khối lượng hàng hóa vận chuyển, vừa giảm khí phát thải từ các phương tiện vận chuyển.

Doanh nghiệp cần đầu tư vào các phương tiện vận tải thân thiện với môi trường, như xe tải điện hoặc hybrid, sử dụng nhiên liệu sinh học, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) hoặc hydrogen. Bên cạnh đó, việc tối ưu hóa tuyến đường và quản lý kho hàng thông qua phần mềm quản lý vận tải (TMS) hay các giải pháp công nghệ cũng giúp giảm thiểu.

Doanh nghiệp trong nước phải đẩy mạnh công tác đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số; triển khai mạnh mẽ hoạt động logistics xanh, logistics thông minh và logistics phục vụ hiệu quả trong xuất nhập khẩu hàng hóa.    

Tiến sỹ Nguyễn Tiến Minh, Chuyên gia nghiên cứu về logistics khuyến nghị, phát triển logistics xanh bao gồm nhiều hoạt động, như cải tiến các phương tiện vận tải sử dụng nhiều nhiên liệu và thải ra môi trường khí thải độc hại, nâng cấp chất lượng hệ thống hạ tầng giao thông, chuyển đổi từ vận chuyển đường bộ sang đường thủy, đường sắt; sử dụng phương tiện vận tải thân thiện với môi trường hoặc ít phát thải khí carbon và vận hành hệ thống vận tải một cách tối ưu là những giải pháp quan trọng để xanh hoá hoạt động vận tải.

Cần xanh hóa hoạt động kho bãi, như thiết kế và xây dựng kho không chỉ yêu cầu đảm bảo lưu trữ an toàn cho hàng hóa như duy trì độ ẩm tốt, chống ăn mòn, chống thấm, chống biến dạng, chống bay hơi, không bị rò rỉ… mà còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường. Rồi đến xanh hóa hoạt động đóng gói; theo đó, công nghệ đóng gói sáng tạo sẽ giúp giảm thiểu tổn thất của sản phẩm trong quá trình vận chuyển, đồng thời giảm tác động đến môi trường.

Xanh hoá hệ thống thông tin cũng là yếu tố không thể thiếu. Bởi một hệ thống thông tin hoàn hảo có thể tăng mức độ xanh hóa hoạt động logistics bằng việc cung cấp những thông tin thực tế về mặt thời gian và điều khiển một cách chính xác, tối ưu các hoạt động trong logistics như đóng gói, lưu trữ, vận chuyển, chế biến, phân phối, xếp dỡ, xử lý hàng tồn kho... nhằm tuân thủ các yêu cầu về kinh tế cũng như môi trường, tạo điều kiện cho việc thực hiện dịch vụ logistics gắn với trách nhiệm môi trường.

Để phát triển dịch vụ logistics xanh, bền vững, các doanh nghiệp cần tận dụng các FTA thế hệ mới để mở rộng thị trường cung cấp dịch vụ logistics quốc tế, tập trung vào các thị trường khu vực ASEAN, Trung Đông, châu Phi và châu Mỹ La tinh bên cạnh các thị trường truyền thống.

Đẩy mạnh công tác đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số; triển khai mạnh mẽ hoạt động logistics xanh, logistics thông minh và logistics phục vụ hiệu quả trong xuất nhập khẩu hàng hóa như nông sản Việt. Đặc biệt, các doanh nghiệp logistics cần tiếp tục phấn đấu các chỉ tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra trong Quyết định số 221/2021 về kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến 2025.

Bình luận