Chờ...

Phát triển bền vững: TPHCM thúc đẩy kinh tế xanh, đô thị sáng tạo, thông minh 

VOH - Cần khuôn khổ pháp lý để thị trường tín chỉ carbon phát triển; Sở hữu nhiều dự án năng lượng, Tập đoàn Hà Đô đang "hái ra tiền".

Quy hoạch TP Hồ Chí Minh: Thúc đẩy kinh tế xanh, đô thị sáng tạo, thông minh

Sáng 12/6, tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) diễn ra phiên họp của Hội đồng Thẩm định Quy hoạch TP Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, TP Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt của cả nước, là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới; là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, quy hoạch TP Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được phê duyệt sẽ là căn cứ quan trọng để địa phương triển khai việc xúc tiến, thu hút đầu tư các chương trình, dự án, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Về dự thảo Báo cáo quy hoạch TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các thành viên trong Hội đồng thẩm định cho ý kiến, đánh giá vị thế, vai trò của thành phố đối với vùng, quốc gia.  

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, dự thảo Báo cáo quy hoạch tập trung thể hiện rõ các định hướng phát triển của thành phố trên 5 nội dung: Kinh tế xanh; đô thị sáng tạo; hạ tầng thông minh; xã hội văn minh; môi trường bền vững.

Theo Dự thảo Báo cáo Quy hoạch TP Hồ Chí Minh, dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2025, thành phố sẽ cần khoảng 2,23 triệu tỷ đồng vốn đầu tư; giai đoạn 2026 - 2030 với sự phát triển mạnh mẽ sẽ cần hơn 4,2 triệu tỷ đồng (tương ứng 6,4 triệu tỷ đồng cho cả thời kỳ 2021 - 2030).

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và các thành viên Hội đồng thẩm định, các chuyên gia phản biện đã đưa ra nhiều ý kiến, kiến nghị để hoàn thiện hơn nữa hồ sơ quy hoạch TP Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050...

Cần khuôn khổ pháp lý để thị trường tín chỉ carbon phát triển

Thị trường tín chỉ carbon khá mới tại Việt Nam, đang được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm vì những lợi ích mà nó mang lại, cũng như vướng mắc mà nó đặt ra.

Việc phát triển dự án tín chỉ carbon đem lại nguồn thu ngân sách Nhà nước, lợi ích tài chính cho tổ chức, cá nhân phát triển. Đặc biệt, Việt Nam đã cam kết giảm phát thải carbon về 0 vào năm 2050.

GS.TS Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh (Đại học Kinh tế TP.HCM) - cho hay, Việt Nam có hơn 14 triệu ha rừng với tiềm năng tạo ra tín chỉ carbon từ các dự án bảo vệ, phục hồi rừng.

Ước tính Việt Nam có thể bán ra 57 triệu tín chỉ carbon cho các tổ chức quốc tế, Việt Nam có thể thu về hàng trăm triệu USD mỗi năm.

Để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu bởi phát thải khí nhà kính cũng như cam kết giảm phát thải carbon về mức 0 vào năm 2050.

Theo kế hoạch, việc thí điểm thị trường tín chỉ carbon sẽ bắt đầu từ năm 2025, việc hoàn thiện khung pháp lý được dự kiến vào năm 2027 và sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ chính thức đi vào hoạt động từ năm 2028.

Để thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam phát triển bền vững, cơ quan có thẩm quyền cần thiết lập và hoàn thiện khung pháp lý rõ ràng, toàn diện.

1

QUACERT và Net Zero Việt Nam hợp tác chiến lược hướng đến chuyển đổi xanh và nền kinh tế carbon thấp

Ngày 12/6 tại Hà Nội, Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) và Công ty CP Net Zero Việt Nam đã cùng ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược trong việc tạo ra các nền tảng về đào tạo, tư vấn, thẩm định /thẩm tra kiểm kê khí nhà kính, ứng dụng công nghệ, giải pháp giảm phát thải khí nhà kính và các dịch vụ liên quan cho các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam của Chính phủ Việt Nam vào năm 2050.

Tham gia buổi kết kết, về phía QUACERT có ông Trần Quốc Dũng – Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Phù hợp QUACERT và cán bộ đại diện Trung tâm. Về phía Net Zero Việt Nam có ông Hồ Trung Dũng – Giám đốc Công ty CP Net Zero Việt Nam và các cán bộ đại diện Công ty.

Tại buổi ký kết, hai bên đã chia sẻ các ý tưởng, cùng trao đổi chương trình cụ thể, kế hoạch triển khai. Theo đó hai bên sẽ phối hợp đào tạo, tập huấn các nội dung liên quan đến kiểm kê khí nhà kính, tiêu chuẩn phát triển bền vững ESG và các chuẩn mực xanh khác.

Net Zero Việt Nam và QUACERT sẽ thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo, truyền thông vận động chính sách giảm phát nhà kính, thực hiện kinh tế tuần hoàn, hướng đến chuyển đổi xanh và nền kinh tế carbon thấp.

Gia Lai hướng tới kinh tế xanh

Tỉnh Gia Lai có diện tích đất tự nhiên hơn 15.000 km2, trong đó khoảng 1,4 triệu ha là đất nông nghiệp, phát triển cây công nghiệp chủ lực được xác định là một nhiệm vụ quan trọng để phấn đấu đến năm 2030.

Kế hoạch phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 được tỉnh Gia Lai xác định là tập trung nâng cao năng suất, đi sâu vào chế biến năm loại sản phẩm cây công nghiệp có hiệu quả kinh tế cao phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng và điều kiện sản xuất của người dân Gia Lai là cà-phê, hồ tiêu, cao su, điều và chè.

Hiện nay, tỉnh Gia Lai đang tập trung chỉ đạo chuyển đổi 37.714 ha cây trồng kém hiệu quả (cao su 13.657 ha, mía 8.425 ha, hồ tiêu 4.751 ha, cà-phê 6.299 ha, lúa 4.582 ha) sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn (cây ăn quả 18.180 ha, rau các loại 7.334 ha, đậu các loại, ngô sinh khối 5.970 ha, khoai lang Nhật 3.405 ha, hoa cảnh 171 ha, dâu tằm 189,1 ha, cây dược liệu 982 ha, đất cho dự án chăn nuôi 1.483 ha).

Tỉnh Gia Lai đã hình thành được 18 vùng sản xuất có tính chất công nghệ cao với tổng diện tích 3.489,6 ha, tập trung vào các sản phẩm chính như: Bơ, sầu riêng, thanh long, ớt, hồ tiêu, cà-phê, rau hoa.

Tỉnh Gia Lai có diện tích đất tự nhiên hơn 15.000 km2, trong đó khoảng 1,4 triệu ha là đất nông nghiệp. Tận dụng lợi thế quỹ đất canh tác nông nghiệp lớn, màu mỡ, khí hậu ôn hòa, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách để phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế xanh.

Trong đó phát triển cây công nghiệp chủ lực được xác định là một nhiệm vụ quan trọng để phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Gia Lai trở thành điểm đến sinh thái, khác biệt, độc đáo, giàu bản sắc văn hóa.

Sở hữu nhiều dự án năng lượng, Tập đoàn Hà Đô đang "hái ra tiền"?

Ngoài bất động sản, từ năm 2006, Tập đoàn Hà Đô bước chân vào lĩnh vực năng lượng. Đến nay, tập đoàn này đã có 9 công ty con về mảng năng lượng với các dự án khủng như: Điện gió 7A, Thủy điện Đăk Mi 2, Điện mặt trời Hà Đô Ninh Phước.

Tháng 5/2023, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII) chính thức được phê duyệt. Đây được xem là động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành điện cũng như nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới.

Quy hoạch Điện VIII tập trung vào hai vấn đề quan trọng nhất của ngành điện Việt Nam hiện tại là quy hoạch phát triển hệ thống nguồn phát điện và xây dựng hệ thống lưới điện đảm bảo cho việc huy động hệ thống nguồn phát hiệu quả, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Tập đoàn Hà Đô được biết đến là chủ đầu tư của hàng loạt dự án bất động sản lớn tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP HCM. Từ năm 2006, tập đoàn này bước chân vào lĩnh vực năng lượng.

Trong giai đoạn trước đây, nguồn thu chủ yếu của Tập đoàn Hà Đô đến từ mảng bất động sản. Tuy nhiên, trong những năm gần đây mảng năng lượng liên tục tăng trưởng chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu doanh thu của Hà Đô.

Tập đoàn Hà Đô đang đầu tư một số dự án bất động sản khác là Hado Minh Long và Hado Green Lane, song chưa có dự án nào sẵn sàng mở bán do đang vướng vấn đề pháp lý liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng đất ở. Chứng khoán SSI kỳ vọng chương trình thí điểm do Bộ Tài nguyên và Môi trường trình lên Quốc hội giúp đẩy nhanh tiến độ hai dự án này.

Do đó, Hado Minh Long và Hado Green Lane có thể triển khai mở bán trong năm 2025 và ghi nhận doanh thu trong khoảng năm 2026-2029 nếu có thể đáp ứng tất cả các yêu cầu pháp lý.

14