Chờ...

Phát triển biền vững 11/4: Đề xuất điện mặt trời mái nhà dùng thừa được bán lên lưới quốc gia

VOH - Điện mặt trời mái nhà trong KCN: Dư địa phát triển rất lớn; Khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà là chủ trương nhất quán; Khai mạc Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024.

Khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà là chủ trương nhất quán

Sáng 10/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà (Nghị định).

Phát triển biền vững 11/4: Đề xuất điện mặt trời mái nhà dùng thừa được bán lên lưới quốc gia 1
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh phát triển điện mặt trời áp mái là nhiệm vụ cấp bách, giải pháp quan trọng nhằm huy động các nguồn lực xã hội vào thực hiện Quy hoạch Điện VIII – Ảnh: VGP/Minh Khôi

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, điện mặt trời mái nhà là nguồn năng lượng tái tạo cần được ưu tiên, khuyến khích phát triển, vừa huy động được nguồn lực của tổ chức, cá nhân, tận dụng mạng lưới truyền tải hiện hữu. Vì vậy Nghị định phải khắc phục những tồn tại, hạn chế trong phát triển điện mặt trời mái nhà thời gian qua. Từ đó xác định rõ đối tượng; tiêu chuẩn kỹ thuật; cơ chế, chính sách khuyến khích cho từng đối tượng, phương thức vận hành (tự sản, tự tiêu, liên kết với hệ thống điện quốc gia, có thiết bị lưu trữ điện…); giải pháp công nghệ bảo đảm an toàn, ổn định của hệ thống điện nền khi đưa điện mặt trời mái nhà lên hệ thống điện.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết có 3 chính sách khuyến khích chủ yếu đối với điện mặt trời mái nhà là: Cho phép lắp đặt không cần theo Quy hoạch Điện VIII; các nguồn điện mặt trời mái nhà được liên kết và phát công suất dư thừa lên lưới điện quốc gia với mức giá theo thời điểm; hỗ trợ lãi suất khi đầu tư thiết bị lưu trữ điện.

Ông Đỗ Văn Năm, thành viên Hội đồng thành viên Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, cho biết hiện các doanh nghiệp khu công nghiệp đang rất cần khuyến khích về thủ tục, chính sách về điện mặt trời mái nhà. Giải pháp được kiến nghị đối với các khu, cụm công nghiệp chỉ cần thẩm tra xác định độ an toàn của công trình hiện hữu khi lắp đặt thêm điện mặt trời mái nhà; ban hành bộ hồ sơ mẫu với công trình lắp điện mặt trời mái nhà mới; phân cấp cho địa phương và quy định rõ thời gian giải quyết…

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cho biết, các quy định hiện nay trong pháp luật đất đai không có vướng mắc cho lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Các doanh nghiệp cũng sẽ được hưởng cơ chế liên quan đến tín chỉ xanh khi sử dụng điện mặt trời mái nhà. “Chúng ta cũng cần có phương án quản lý, thu gom, xử lý các tấm pin mặt trời hết hạn sử dụng tại các hộ dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp”, Thứ trưởng Trần Quý Kiên nói.

Điện mặt trời mái nhà trong KCN: Dư địa phát triển rất lớn

Chia sẻ tại Diễn đàn “Điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp – Nhu cầu và giải pháp cho doanh nghiệp” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức vào chiều 11/4/2024, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, khi tiến hành các nghiên cứu ban đầu về chuyển dịch năng lượng, gần như có xu hướng cho thấy Việt Nam đang lưỡng lự giữa việc đi theo xu thế và phải thực hiện chuyển đổi sang năng lượng tái tạo để thực hiện những mục tiêu về COP56.

Xét trên góc độ vĩ mô, ông Việt cho biết, Việt Nam có dân số và nền kinh tế tăng trưởng nhanh, do đó, nhu cầu sử dụng năng lượng điện cũng đang có xu hướng tăng nhanh trong thập kỷ qua. Đồng thời, lượng vốn đầu tư nước ngoài cũng đang có xu hướng tăng nhanh, số lượng khu công nghiệp (KCN) và doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp có xu hướng ngày càng tăng, nhu cầu sử dụng năng lượng trong KCN tăng lên.

Trong đó, nguồn năng lượng phục vụ sản xuất tương đối đa dạng bao gồm các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than, khí đốt và dầu mỏ, cũng như các nguồn năng lượng tái tạo như thủy điện, điện gió và năng lượng mặt trời.

Hiện nay, Việt Nam cũng là quốc gia có mức độ phát thải CO2 trên GDP cao trong khu vực Châu Á. Do đó, Việt Nam đã cam kết đạt mức 0% vào năm 2050 và để đạt được điều này, ông Việt cho rằng, cần nhanh chóng tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo để giảm lượng cacbon trong ngành điện khoảng 78%.

Xem xét mở rộng đối tượng được mua trực tiếp điện gió, điện mặt trời

Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp Ban soạn thảo xây dựng Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) được Bộ Công Thương tổ chức ngày 10/4.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) từ năm 2019 có tham khảo tư vấn trong và ngoài nước với nhiều nội dung quan trọng. Đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý xây dựng Nghị định và giao cho Bộ Công Thương triển khai.

Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững cho rằng, cần xem xét mở rộng đối tượng tham gia trong Nghị định thay vì chỉ có nhà máy điện gió, mặt trời mà còn dạng năng lượng khác. Ngoài ra, dự thảo chỉ đề cập đến đối tượng tham gia mua điện trực tiếp là khách hàng sản xuất, do đó cũng cần mở rộng thêm vì có những khách hàng không phải sản xuất cũng muốn tham gia cơ chế này.

Đồng tình quan điểm này, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng: Có thể mở rộng thêm các đối tượng tham gia cơ chế DPPA, không chỉ đơn vị sản xuất mà các loại hình khác nếu có nhu cầu.

Về công suất, ông Diên gợi ý cũng nên xem xét mở theo hướng không giới hạn, nhưng cần xem xét làm sao thuận lợi cho vấn đề truyền tải.

Khai mạc Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024

Chiều 10/4, tại Thành phố Hải Phòng, Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024 (Vietnam Connect Forum) lần thứ 4 đã diễn ra. Chủ đề của Diễn đàn năm nay: Việt Nam hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững: Từ chiến lược, chính sách của Chính phủ tới các sáng kiến, giải pháp của địa phương và doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng đánh giá cao chủ đề “Hướng tới kinh tế xanh và bền vững” của diễn đàn năm nay.

"Đây không chỉ là chủ đề của một hội nghị mà chính là cam kết, là quyết tâm của tất cả chúng ta, dù đại diện cho quốc gia phát triển hay đang phát triển, dù là chính phủ, địa phương hay doanh nghiệp để cùng chung tay thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xanh và bền vững", bà Hằng nhấn mạnh.

Đại diện cho địa phương, phát biểu tại Diễn đàn, ông Lê Tiến Châu- Bí thư Thành ủy Thành phố Hải Phòng cho hay: Qua hơn 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, thành phố Hải Phòng luôn là một trong những địa phương thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về kết quả phát triển kinh tế - xã hội.

“Ðặc biệt, tại Hải Phòng, Khu công nghiệp DEEP C và Nam Cầu Kiền định hướng phát triển thành khu công nghiệp sinh thái, đang đi tiên phong trong việc xây dựng khu công nghiệp sinh thái ở Việt Nam”, ông Châu thông tin.

Phát triển biền vững 11/4: Đề xuất điện mặt trời mái nhà dùng thừa được bán lên lưới quốc gia 2

Thành phố Hải Phòng đang khẩn trương, nghiên cứu đề xuất với Chính phủ thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng theo định hướng khu kinh tế xanh đầu tiên tại Việt Nam. Đồng thời, phát triển quần đảo Cát Bà trở thành điểm đến du lịch “xanh”. “Hải Phòng rất mong muốn nhận được sự quan tâm, ủng hộ và tạo điều kiện của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương bạn đối với đề xuất này”, ông Châu bày tỏ.

Cấp thiết quy hoạch, thu hút đầu tư các trạm sạc điện

Sáng 11/4, Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh và Chương trình phát triển Liên hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo về tiêu chuẩn trạm sạc cho phương tiện giao thông điện.

Phát triển biền vững 11/4: Đề xuất điện mặt trời mái nhà dùng thừa được bán lên lưới quốc gia 3
Hệ thống trạm sạc điện cho xe buýt điện của Vinbus tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Hòa An cho biết: Hiện nay, thành phố đang triển khai thực hiện Đề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có nhiệm vụ: “Xây dựng và triển khai kế hoạch đầu tư phương tiện xe buýt theo từng giai đoạn, phù hợp với hạ tầng cung ứng nhiên liệu và ưu tiên phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch và thân thiện với môi trường (CNG, LPG, năng lượng điện hoặc nhiên liệu thay thế khác phù hợp với xu thế phát triển của các nước trên thế giới)”.

Đồng thời, thành phố cũng đang triển khai Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

“Chúng ta chưa có hệ thống trạm sạc và quy chuẩn cần thiết cho trạm sạc điện. Để từng bước tiến tới cải tiến phương tiện thì Thành phố Hồ Chí Minh rất cần có quy hoạch, tiêu chuẩn cụ thể về hệ thống trạm sạc điện”, ông Bùi Hòa An chia sẻ.