Tin phát triển bền vững 19/2/2025: Nền kinh tế Việt Nam được lợi gì khi phát triển điện hạt nhân?

VOH - Việt Nam trên hành trình tiến đến Net Zero: Tháo gỡ rào cản để thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao

Nền kinh tế Việt Nam được lợi gì khi phát triển điện hạt nhân?

Việt Nam đang cân nhắc tái khởi động chương trình điện hạt nhân để đảm bảo an ninh năng lượng và thu hút vốn FDI. Theo các chuyên gia, nguồn điện ổn định, chi phí vận hành thấp và không phát thải CO2 sẽ giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các ngành công nghệ cao như sản xuất chip bán dẫn.

Điện hạt nhân còn tạo động lực phát triển cho các ngành công nghiệp phụ trợ như cơ khí chế tạo, xây dựng và công nghệ thông tin, từ đó gia tăng sức hút đầu tư nước ngoài. Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận định, việc đảm bảo nguồn điện đủ và ổn định sẽ nâng cao vị thế Việt Nam trên bản đồ đầu tư quốc tế.

Trước nguy cơ thiếu điện do nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng, điện hạt nhân được xem là giải pháp chiến lược để giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch và tăng cường ổn định hệ thống điện. Theo Bộ Công Thương, nhu cầu điện của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030 và gấp 15 lần vào năm 2050. Trong khi năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió còn nhiều hạn chế về tính ổn định và hạ tầng, điện hạt nhân với công suất khả dụng 92% sẽ giúp đảm bảo nguồn cung bền vững.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh kế hoạch phát triển điện hạt nhân không chỉ tập trung ở Ninh Thuận mà mở rộng ra ít nhất ba trong tám địa điểm tiềm năng trên cả nước. Đây sẽ là bước đi chiến lược giúp Việt Nam đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050, phát triển kinh tế bền vững và nâng cao năng lực khoa học công nghệ.

nha-may-dien-hat-nhan

EU xem xét giảm gánh nặng báo cáo bền vững cho doanh nghiệp

Ủy ban châu Âu (EC) đang xem xét lại một số yếu tố của Thỏa thuận Xanh (Green Deal) nhằm giảm gánh nặng tuân thủ pháp lý và tăng cường khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp EU. Hai chỉ thị quan trọng, CSRD và CSDDD, có thể được điều chỉnh do lo ngại chi phí tăng cao, ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhỏ và khả năng cạnh tranh với Mỹ, Trung Quốc. Pháp, Đức và các đảng cánh hữu EU kêu gọi hoãn hoặc nới lỏng các quy định này. Tuy nhiên, nhiều tập đoàn lớn và nhà đầu tư phản đối, cho rằng điều này gây bất ổn chính sách và ảnh hưởng đến chiến lược Net-Zero. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen khẳng định EU vẫn kiên định với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 nhưng cần linh hoạt trong quá trình thực hiện.

green-deal

Kế hoạch thực hiện Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định 266/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch, hướng đến phát triển carbon thấp và đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Đến 2030, thí điểm thu giữ carbon, đốt kèm sinh khối, amoniac và dừng khoảng 540 MW nhiệt điện than cũ. Đến 2045, phát triển tối thiểu 1.160 MW điện sạch thay thế. Đến 2050, loại bỏ hoàn toàn điện than, chuyển đổi các nhà máy sang nhiên liệu sạch. Kế hoạch ưu tiên năng lượng tái tạo, điện hạt nhân và đảm bảo an ninh năng lượng.

nang-luong

Việt Nam trên hành trình tiến đến Net Zero: Tháo gỡ rào cản để thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao

Trước tác động của biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp trở thành xu hướng tất yếu. Các giải pháp như gieo trồng thông minh, cơ giới hóa, quản lý đất bền vững và tiết kiệm tài nguyên giúp nâng cao năng suất, giảm phát thải khí nhà kính.

Tại họp báo công bố Triển lãm AGRITECHNICA Asia Vietnam 2025, chuyên gia nhận định Việt Nam đang dẫn đầu Đông Nam Á về đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp. Tuy nhiên, ngành vẫn gặp thách thức về vốn, chính sách hỗ trợ và hạ tầng số. Việc thúc đẩy chuyển đổi số và cải cách thủ tục sẽ là chìa khóa giúp nông nghiệp Việt Nam phát triển hiện đại, hiệu quả và bền vững hơn.

nong-nghiep

Bình luận