Tin phát triển bền vững ngày 4/2: Việt Nam có thể trở thành bể chứa carbon lớn của thế giới

VOH - Khung pháp lý cho cơ chế giao dịch trên thị trường tín chỉ carbon; Thế giới cần 5,6 tỷ đô la đầu tư mỗi năm để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Việt Nam có thể trở thành bể chứa carbon lớn của thế giới

Thị trường tín chỉ carbon tự nguyện đang phát triển mạnh với giá cao hơn nhiều lần mức trung bình trước đây. Tại Việt Nam, hơn 42 triệu tín chỉ đã được cấp tính đến 2023, chủ yếu từ năng lượng tái tạo và biogas. Hiện nay, các tín chỉ từ rừng trồng mới có giá trung bình 20 USD, trong khi công nghệ than sinh học đạt tới 150 USD.

2c0cf83b7038cf669629

Nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh tham gia thị trường. Carbon Credits Vietnam triển khai dự án 500 ha tại Phú Thọ, giúp người trồng rừng thu về 800 USD/ha. VinaCapital lập Quỹ VinaCarbon đầu tư vào lâm nghiệp bền vững, nông nghiệp phát thải thấp và xử lý chất thải.

Tuy nhiên, phát triển dự án tín chỉ carbon yêu cầu quy trình phức tạp kéo dài 2-3 năm, với các điều kiện nghiêm ngặt như không chặt trắng rừng, dùng phân hữu cơ và trồng xen cây bản địa. Quy mô tối thiểu 20 ha được khuyến nghị để tối ưu lợi nhuận.

Khung pháp lý cho cơ chế giao dịch trên thị trường tín chỉ carbon

Theo TS. Bùi Duy Tùng, ĐH RMIT, thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển với nhiều bước tiến về khung pháp lý, chính sách và lộ trình triển khai.

Việt Nam đã tạo ra nền tảng pháp lý rõ ràng để phát triển thị trường tín chỉ carbon nhằm thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính. Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 và Nghị định số 06/2022/NĐ-CP đặt nền móng cho các cơ chế giao dịch tín chỉ carbon.

Theo lộ trình phát triển, từ năm 2022 đến 2027, Việt Nam tập trung vào việc xây dựng các quy định quản lý tín chỉ carbon và triển khai thí điểm cơ chế trao đổi tín chỉ carbon. Trong giai đoạn này, các cơ quan chức năng đã xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon, dự kiến đi vào hoạt động thí điểm vào năm 2025. Đến năm 2028, sàn giao dịch này sẽ chính thức vận hành, mở rộng kết nối với các thị trường carbon trong khu vực và quốc tế.

Trong năm 2024, một công ty tư vấn đã thực hiện giao dịch mua hơn 16 tấn CO₂ giảm phát thải từ một dự án lúa tại Tây Nguyên với mức giá 20 USD/tấn. Thỏa thuận ERPA Bắc Trung Bộ đã chuyển nhượng 10,3 triệu tấn carbon dioxide với đơn giá 5 USD/tấn. Bộ NN&PTNT đang tiếp tục đàm phán chuyển nhượng 5,15 triệu tấn tín chỉ carbon từ vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, với mức giá tối thiểu 10 USD/tấn, đạt tổng giá trị 51,5 triệu USD.

Ngày 2/5/2024, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).

Mặc dù đã có những bước tiến quan trọng, khung pháp lý cho thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Vì vậy, Chính phủ cần sớm ban hành các quy định chi tiết và hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp có cơ sở tham gia tích cực hơn, đồng thời đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả của thị trường.

Cần 5,6 tỷ đô la đầu tư mỗi năm để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0

Mục tiêu phát ròng bằng 0 trên thế giới cần 5,6 tỷ đô la đầu tư mỗi năm. Tuy nhiên, mục tiêu này chưa đạt được.

Năm 2024, đầu tư toàn cầu vào năng lượng carbon thấp đạt 2,1 nghìn tỷ USD, tăng 11% so với năm 2023 nhưng chỉ đạt 37% mức cần thiết để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trung Quốc dẫn đầu với 818 tỷ USD, trong khi đầu tư tại Mỹ tăng lên 338 tỷ USD, còn EU và Anh giảm. BNEF nhấn mạnh thế giới cần đầu tư 5,6 nghìn tỷ USD mỗi năm từ 2025 đến 2030. Ông Albert Cheung cảnh báo cần đẩy mạnh đầu tư vào khử carbon công nghiệp, thủy điện và thu giữ carbon.

Tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng số và xanh

Việt Nam đã chủ động trong việc bắt nhịp xu thế chuyển đổi kép. Tuy nhiên, cần nhiều hơn nữa các chương trình hành động cụ thể được triển khai hiệu quả để doanh nghiệp không bị mất cơ hội trong công cuộc chuyển đổi số và xanh...

Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đang trở thành động lực quan trọng giúp các quốc gia phát triển bền vững và khai thác tối đa lợi ích từ quá trình này. Việt Nam đã có các chiến lược quốc gia về kinh tế số, xã hội số và tăng trưởng xanh đến năm 2030-2050, đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 25% GDP vào năm 2025.

12

Các doanh nghiệp đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và hướng tới ESG. Nông nghiệp và công nghiệp điện tử là hai ngành tiên phong trong chuyển đổi kép. Ngành nông nghiệp coi đây là động lực đột phá giúp thích ứng thị trường, trong khi ngành điện tử bắt buộc phải chuyển đổi số để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Báo cáo HSBC tháng 10/2024 nhận định Việt Nam có lợi thế nhờ dân số trẻ, tỷ lệ sử dụng internet cao và tiềm năng năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, thách thức về chi phí đầu tư, chính sách, nhân lực và tiếp cận vốn vẫn hiện hữu. Để thành công, Việt Nam cần đầu tư mạnh vào hạ tầng, giáo dục số và cơ chế hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp.

Thị trường việc làm "xanh" cần nguồn nhân lực "xanh"

Phát triển bền vững là một trong những mục tiêu đang được các doanh nghiệp Việt Nam hướng đến, kéo theo việc mở rộng thêm các công việc có yếu tố “xanh”.

Tại Việt Nam, dù mới ở giai đoạn đầu của chuyển đổi xanh, xu hướng việc làm xanh đang dần được chú trọng. Theo bà Cao Lê Thanh Loan (ManpowerGroup Việt Nam), hiện các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa hiểu rõ khái niệm việc làm xanh, chủ yếu mới triển khai tại các tập đoàn lớn và công ty đa quốc gia. Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng đang gia tăng, đặc biệt trong sản xuất (33%), khoa học đời sống, công nghệ, năng lượng, logistics, nông nghiệp...

Làm việc trong doanh nghiệp xanh không chỉ giúp người lao động nâng cao kỹ năng mà còn tạo ra môi trường làm việc an toàn, đáp ứng xu hướng phát triển bền vững. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều thách thức như thiếu nhận thức, nhân lực có kỹ năng xanh, chi phí cao và chưa có cơ chế chính sách hoàn thiện.

Giải pháp đặt ra là nâng cao nhận thức về phát triển bền vững, tối ưu hóa chiến lược việc làm xanh và cải thiện chính sách hỗ trợ. Người lao động cũng cần trang bị “kỹ năng xanh”, ngoại ngữ, tư duy phản biện để thích ứng với xu hướng này.

Kỳ vọng sự bứt phá của thị trường trái phiếu xanh trong năm 2025

Giám đốc Nghiên cứu Tín dụng và Dịch vụ tài chính xanh của FiinRatings đánh giá, thị trường trái phiếu xanh, xã hội và bền vững Việt Nam năm 2025 được dự báo sẽ có nhiều chuyển biến tích cực.

Theo ông Nguyễn Tùng Anh (FiinRatings), thị trường trái phiếu xanh, xã hội và bền vững Việt Nam năm 2025 sẽ có nhiều chuyển biến tích cực nhờ khung pháp lý hoàn thiện và nhu cầu đầu tư gia tăng.

Sau giai đoạn trầm lắng, năm 2024 chứng kiến sự sôi động trở lại với nhiều đợt phát hành từ cả ngân hàng và doanh nghiệp phi tài chính. HDBank, Vietcombank và BIDV đã huy động hàng nghìn tỷ đồng để tài trợ các dự án xanh, trong khi doanh nghiệp ngoài tài chính như I.D.I và Nước sạch Hòa Bình-Xuân Mai cũng tham gia phát hành trái phiếu xanh.

FiinRatings ghi nhận tốc độ tăng trưởng 171% của thị trường trong năm 2024, dù quy mô vẫn khiêm tốn so với ASEAN. Sự chủ động của doanh nghiệp trong xây dựng khung tài chính xanh cùng với các ưu đãi về thuế, dịch vụ chứng khoán và khung phân loại xanh quốc gia sẽ tạo đà phát triển mạnh hơn trong năm 2025.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Cấn Văn Lực, Việt Nam cần chiến lược tổng thể để phát triển tài chính xanh hiệu quả, bao gồm hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường minh bạch thông tin, hỗ trợ tài chính và thu hút nguồn lực tư nhân.

Bình luận