Tiêu điểm: Nhân Humanity

Cần thêm các chính sách hỗ trợ Hợp tác xã nông nghiệp phát triển sản phẩm OCOP

(VOH) - Tại Hội thảo Giải pháp phát triển mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn TPHCM, nhiều ý kiến cho rằng thành phố cần có thêm các chính sách hỗ trợ cho Hợp tác xã nông nghiệp phát triển sản phẩm OCOP.

Hội thảo Giải pháp phát triển mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn TPHCM năm 2022 do Hội Nông dân phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.

can-them-cac-chinh-sach-ho-tro-hop-tac-xa-nong-nghiep-phat-trien-san-pham-ocop-voh.com.vn-anh1
Hội thảo Giải pháp phát triển mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn TPHCM năm 2022.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là Chương trình OCOP) được bắt nguồn từ những năm đầu thập niên 70 tại Nhật Bản, đến nay có trên 40 quốc gia trên thế giới đã áp dụng Chương trình. Từ hiệu quả triển khai Chương trình của các nước trên thế giới, ngày 07 tháng 5 năm 2018, Thủ tướng Chính đã ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020 (gọi tắt là Chương trình OCOP), với mục tiêu: “Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn”.

Tại TPHCM, hiện chỉ có 28 sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm đạt 3 sao, 21 sản phẩm đạt 4 sao và 1 sản phẩm “Bột rau má có đường” của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt được đề xuất Trung ương xếp hạng 5 sao.

Mục tiêu năm 2022, Thành phố tổ chức đánh giá, công nhận cho 41 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 03 sao trở lên (22 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao và 19 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao). Khi Đề án Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 được UBND Thành phố ban hành thì phạm vi thực hiện Chương trình OCOP được mở rộng. Nếu như trước đây chỉ thực hiện trên địa bàn 05 huyện (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ), thì nay mở rộng trên toàn địa bàn Thành phố (bao gồm: 05 huyện, các quận và thành phố Thủ Đức).

Ông Nguyễn Thanh Bảo, Văn phòng Điều phối nông thôn mới TPHCM thông tin: "Đặc biệt, hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện đang phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu UBND Thành phố ban hành chính sách kích cầu đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có kích cầu đầu tư phát triển sản phẩm OCOP trong giai đoạn 2022-2025. Đây là chính sách hỗ trợ lãi vay của Thành phố đối với các tất cả các chủ thể trong và ngoài thành phố khi tham gia vay vốn từ tổ chức tín dụng để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn tại TPHCM".

Theo bà Nguyễn Mộng Như, Trưởng phòng kinh doanh Hợp tác xã Cần Giờ Tương Lai, các sản phẩm OCOP giúp phát huy lợi thế của địa phương về điều kiện tự nhiên, nguồn nguyên liệu, chủ thể sản xuất. Đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống vật chất, giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội, môi trường; phát huy trí sáng tạo và niềm tự hào của địa phương. Tuy nhiên, do việc tiếp cận, nhận biết của người tiêu dùng đối với các sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn OCOP còn hạn chế, do đó việc kinh doanh thương mại sản phẩm OCOP cạnh tranh với các sản phẩm khác bị khó khăn.

Vì vậy, Trưởng phòng kinh doanh Hợp tác xã Cần Giờ Tương Lai kiến nghị: "Kiến nghị UBND Thành phố tiếp tục duy trì và ban hành thêm các chính sách hỗ trợ cho Hợp tác xã nông nghiệp: hỗ trợ cho người có trình độ Đại học, Cao đẳng công tác tại các HTX trên địa bàn thành phố và hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất, kinh doanh…cơ quan hỗ trợ giới thiệu kết nối với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của Hợp tác xã, qua đó tiếp tục duy trì, mở rộng chuỗi liên kết cung ứng và tiêu thụ sản phẩm cho các hộ nông dân sản xuất, nhằm phát huy vai trò kinh tế tập thể của địa phương nói riêng và Thành phố nói chung".

Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM Nguyễn Thanh Xuân cũng nhận định, sản phẩm OCOP của TPHCM tuy đi chậm hơn so với các địa phương khác, nhưng đi chắc. Bà Nguyễn Thanh Xuân cho rằng: "Nền tảng phát triển sản phẩm OCOP phải bền vững, không làm theo phong trào. Quá trình thực hiện, cần hỗ trợ thêm giúp sản phẩm tạo yếu tố bền vững, hiệu quả sản phẩm là quan trọng".

Theo ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nông sản của TPHCM có những thuận lợi về thị trường tiêu thụ, chỉ cần mang ra chợ đầu mối là bà con có thể bán đi các nơi. Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển theo hướng sản phẩm OCOP sẽ giúp nâng cao giá trị, mang lại lợi nhuận tốt hơn cho bà con. Giúp quá trình chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp được hiệu quả. "TPHCM hội tụ rất nhiều điều kiện để có thể phát triển các sản phẩm OCOP. Khi được chứng nhận OCOP sẽ mang lại những giá trị. Thay vì bán ở chợ đầu mối với lợi nhuận chỉ hơn 500 đồng, thì khi được gắn thêm chứng nhận OCOP người sản xuất có cơ sở để đàm phán với chợ đầu mối hay hệ thống siêu thị. Sản phẩm của bà con có thể được mua với giá thay vì 500 đồng thì sẽ là 1.000-2.000 đồng. Khi số lượng hàng nhiều, lợi nhuận này sẽ trở thành con số lớn", ông Hiệp thông tin thêm.

Bình luận