Khác với mọi lần là các doanh nghiệp thương mại điện tử, trung tâm thương mại lớn tổ chức khuyến mại mua sắm thì năm nay, tại TPHCM, các chợ truyền thống cũng đồng loạt tham gia chương trình khuyến mại tập trung ở quy mô lớn. Mặc dù thời gian gần đây, nhiều sản phẩm đã thiết lập mặt bằng giá mới do ảnh hưởng từ giá xăng dầu tăng, thế nhưng, nhiều chợ truyền thống tại TPHCM vẫn tìm cách giảm giá, khuyến mại, tặng quà để thu hút khách đến chợ nhiều hơn.
Chợ Bến Thành, quận 1 những ngày qua luôn nhộn nhịp, khách du lịch đến tham quan, mua sắm khá đông. Đến thời điểm này, hơn 70% tiểu thương đã quay trở lại quầy sạp. Tại đây, tấm băng rôn về tháng khuyến mại được treo lên cao ngay giữa chợ để thông báo cho khách hàng biết nơi đây đang có nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá. Một số quầy còn treo hẳn mức giảm giá để khách hàng yên tâm mua. Theo Ban quản lý chợ Bến Thành, ngay sau khi chợ tuyên truyền, các tiểu thương trong chợ đã đăng ký áp dụng các chương trình giảm giá từ 5-30%.
Chủ sạp 747-749, anh Nguyễn Đức Trí, chuyên bán các sản phẩm cà phê nguyên chất đã treo biển giảm giá 5% đối với các sản phẩm tại cửa hàng. Ngoài ra, tùy đơn hàng, khách có thể được tặng thêm phin cà phê: “Khi nghe Ban quản lý chợ thông báo tháng khuyến mại, tôi liền đăng ký tham gia ngay. Do đặc thù bán hàng ở chợ không lời nhiều nhưng chúng tôi cũng bớt phần tiền lời để giảm giá, hút khách trong lúc này. Quan trọng khách vui và giới thiệu chợ tới bạn bè khác”.
Còn tại chợ Xóm Chiếu, quận 4, có hơn 200 tiểu thương tham gia khuyến mãi tập trung, chiếm khoảng 40% với hơn 800 sản phẩm áp dụng ưu đãi, trong đó chủ yếu giảm từ 10 - 20% trên tổng hóa đơn và tặng kèm sản phẩm phụ như gia vị, rau củ. Nhờ cách làm này, quầy bánh kẹo của chị Trần Thụy Mỹ Thanh, chủ sạp 1A chuyên kinh doanh bánh kẹo luôn có lượng khách tăng lên thấy rõ. Bán được hàng, có vốn nhiều để nhập thêm đa dạng bánh kẹo nên các sản phẩm luôn phong phú, đầy đủ. Hơn 30 năm buôn bán tại chợ, chị cho hay đây là lúc tiểu thương và khách hàng chia sẻ cùng nhau, bán lời ít lại một chút nhưng vẫn giữ được khách: “Sau dịch, tình hình kinh doanh có phần ế ẩm hơn; kèm với các mặt hàng tăng giá thời gian qua nên khách càng thêm vắng. Để “kéo khách” trở lại, tôi mạnh tay áp dụng các chương trình khuyến mãi như giảm giá trên từng sản phẩm, tặng thêm cái ly, chiếc muỗng… món quà tuy nhỏ thôi nhưng khách hàng rất vui”.
Tương tự, tại sạp 293-296 chuyên kinh doanh thủy hải sản tại chợ Xóm Chiếu của chị Út Thảo, để có được nguồn hàng tốt, giá gốc, không phải thông qua khâu trung gian, chị liên hệ mua hàng trực tiếp với các chủ tàu cá: “Nếu khách mua hàng với hóa đơn 1,3 triệu đồng, tôi bớt hẳn 30.000 đồng; với khách ở gần, giao hàng miễn phí tận nơi… Thực phẩm đảm bảo chất lượng, lại hạn chế được khâu trung gian nên mình tùy vào đơn hàng mà giảm giá hết nấc cho khách”.
Ông Nguyễn Văn Tân, Trưởng Ban Quản lý chợ Xóm Chiếu nhận định, tiểu thương trong chợ tham gia tháng khuyến mãi tập trung rất nhiệt tình. Đến nay đã có hơn 40% tiểu thương, tương đương khoảng 200 người ở tất cả các ngành hàng đều đã đăng ký tham gia: “Hầu hết tiểu thương tất cả ngành hàng như thực phẩm, hàng thiết yếu, bánh kẹo đều tham gia giảm giá. Nhiều tiểu thương giảm theo đơn hàng, như đơn 300.000 giảm 10%-20% hoặc tặng thêm hàng, như chai dầu ăn 5 lít tặng thêm chai nhỏ, tặng đường, muối… Chúng tôi mong muốn tháng khuyến mãi sẽ tổ chức thường niên để các tiểu thương cùng tham gia kích cầu, vừa bán được hàng, vừa tăng mãi lực chợ sau dịch” .
Tại chợ Bà Chiểu, hơn 600 quầy sạp cũng đã tham gia hoạt động khuyến mại. Đến thời điểm này, đa số các mặt hàng ở các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố đều đã thiết lập mặt bằng giá mới theo chiều hướng tăng sau khi xăng dầu liên tục tăng giá, điều này khiến sức mua cũng giảm theo. Do đó, nhiều tiểu thương tại các chợ đã tìm đủ mọi cách để giữ chân khách hàng như: tặng quà, giảm giá theo hóa đơn…
Tuy nhiên, không phải chợ nào cũng đưa ra các chương trình khuyến mại thành công, ở một số chợ, do sức mua thấp, tiểu thương buôn bán khó khăn, chi phí đầu vào tăng cao nên tiểu thương khó khuyến mại, giảm giá sản phẩm. Ban quản lý chợ cũng từng tổ chức khuyến mại định kỳ vào tháng 10 hàng năm nhưng hiệu quả kích cầu kém, tiểu thương tham gia ngày càng thưa thớt.
Theo Sở Công Thương Thành phố, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 5 tại TP.HCM ước đạt gần 58.000 tỷ đồng, tăng hơn 3% so với tháng trước và tăng gần 14% so với tháng 5/2021. Đây là mức doanh thu chiếm tỷ trọng lớn nhất với 60% trong khu vực dịch vụ; đồng thời là tháng có quy mô doanh thu bán lẻ lớn nhất kể từ tháng 1/2019. Lũy kế 5 tháng năm 2022, doanh thu bán lẻ ước đạt gần 276.000 tỷ đồng, tăng hơn 8% so cùng kỳ.
Giám đốc Sở Công Thương TPHCM - Bùi Tá Hoàng Vũ, cho biết năm nay, chương trình Tháng khuyến mãi tập trung Mùa mua sắm “Shopping Season” 2022 diễn ra trong 2 đợt. Qua đó, đem đến cho người tiêu dùng những chương trình khuyến mãi đồng loạt, với hạn mức khuyến mãi lên đến 100%: “Kiên trì thực hiện mùa mua sắm tập trung đợt 1 từ 15/6 đến 15/7, đợt 2 từ 15/11 đến 15/12 định kỳ hàng năm. Từ các chương trình khuyến mại tập trung như thế này, các doanh nghiệp có thể chuẩn bị các đơn hàng lớn. Người dân biết được thời điểm nào sẽ giảm giá thì sẽ đến TPHCM mua sắm, và những giải pháp này sẽ thúc đẩy TPHCM trở thành trung tâm mua sắm lớn của Việt Nam và khu vực”.
Đáng chú ý, điểm mới của tháng khuyến mãi tập trung năm nay là có sự tham gia của các chợ truyền thống trên địa bàn. Theo đó, Sở Công Thương Thành phố đã phối hợp với các quận, huyện phổ biến chương trình đến Ban quản lý của hơn 230 chợ, vận động tiểu thương tham gia tùy theo tình hình thực tế của mình. Với chương trình kích cầu này, Thành phố kỳ vọng sẽ tạo sân chơi cho các doanh nghiệp, tiểu thương có cơ hội để khai thác, tìm kiếm khách hàng hiệu quả.