Đăng nhập

Công bố 50 thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn với sinh viên 2022

(VOH) - Chiều 24/6, Top 50 thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn với sinh viên Việt Nam 2022 được Anphabe chính thức công bố.

Đây là kết quả được khảo sát từ 13.667 sinh viên thuộc 10 khối ngành từ 120 trường đại học lớn trên toàn quốc giai đoạn từ 11/2021 – 4/2022. Khảo sát này công ty phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên Tp. Hồ Chí Minh (SAC) thực hiện.

Công bố 50 thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn với sinh viên Việt Nam 2022 1Xem toàn màn hình
 Khảo sát về Gen Z

Top 50 thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn với sinh viên Việt Nam 2022 được công bố

Top 50 thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn với sinh viên Việt Nam năm 2022 tập hợp nhiều tên tuổi lớn thuộc cả khối doanh nghiệp nội và khối ngoại như: Công ty TNHH Nước Giải Khát Coca-Cola Việt Nam,  Nestlé Việt Nam, Ngân Hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Viettel Group, Masan Group, Unilever Việt Nam, Suntory PepsiCo Việt Nam, Công Ty Cổ Phần Tập Đoàn Xây Dựng Hòa Bình… Những doanh nghiệp liên tiếp vào top Thương hiệu Nhà tuyển dụng hấp dẫn với sinh viên Việt Nam như: INSEE Việt Nam, Tập đoàn Hưng Thịnh, OPPO Việt Nam, Công ty TNHH Thực phẩm PepsiCo Việt Nam, Bosch Việt Nam, Honda Việt Nam...

Các tên tuổi mới xuất hiện trong Top 50 thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn với sinh viên Việt Nam năm 2022 có: One Mount Group, Lazada Việt Nam, CÔNG TY TNHH LIXIL VIỆT NAM, L'Oréal Việt Nam, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)...

Phương pháp xếp hạng thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn được thực hiện dựa trên các kết quả bình chọn của sinh viên Việt Nam về từng THNTD qua 5 giai đoạn hấp dẫn nhân tài: Awareness – Nhận biết, Interest – Quan tâm, Action – Sẵn sàng ứng tuyển, Desire – Khát khao và 1st choice – Ưu tiên chọn. Khảo sát thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn với sinh viên Việt Nam là nguồn thông tin đáng tin cậy về xu hướng nhân sự dành cho các doanh nghiệp muốn tìm hiểu và thu hút nhân sự trẻ Gen Z.

Cũng nhân dịp này, Ngày hội nghề nghiệp sinh viên 2022 được tổ chức. Ngày hội công bố báo cáo về nguồn nhân lực Gen Z với  xu hướng “TrendZetter – Bắt bài để bất bại”. Dự báo đến năm 2025, trung bình cứ 4 người đi làm sẽ có 1 đại diện Gen Z. So với các thế trước, đây là thế hệ tự tin và có tư duy độc lập từ rất sớm. Anphabe ghi nhận 52% Gen Z đã thực tập hoặc đi làm ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, trong đó 40% bắt đầu trong vòng hai năm đầu đại học. Đáng chú ý, dù còn đi học, có tới 91% Gen Z tự tin là họ biết rõ mình thích hoặc không thích làm việc trong lĩnh vực nào. Trong đó, top 5 ngành nghề được Gen Z yêu thích nhất đều là những ngành đang có nhiều chuyển đổi và nhu cầu nhân lực cao như: Ẩm Thực và Nghỉ dưỡng; Quảng cáo/Truyền thông; Internet/Thương mại điện tử; Đầu tư tài chính và Bất động sản.

Tuy vậy, khảo sát trên nhóm Gen Z đã ra trường và đi làm trong vòng 1-2 năm qua cũng cho thấy  nhiều bạn trẻ thế hệ Z cũng có dấu hiệu “rơi đà” và chông chênh khi bước chân vào chốn công sở. 95% Gen Z khi ngồi trên ghế nhà trường tin rằng nếu có công việc chính thức đầu tiên sau tốt nghiệp, các bạn sẽ gắn bó ít nhất 1 năm, nhưng thực tế sau khi ra trường chỉ có 38% các bạn hiện thực hóa niềm tin đó. 62% các bạn nhảy việc ngay trong năm đầu tiên, nhiều bạn thậm chí còn nhảy vài lần trong 1 năm. 65% các bạn chia sẻ rằng mức lương đầu tiên nhận về khá khiêm tốn, dao động từ 4-8 triệu/tháng, chủ yếu là mức 6-7 triệu/tháng. Giấc mơ “lên sếp” sau 2 năm cũng tan tành vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu là vì “độ chênh” giữa cách Gen Z tự đánh giá về mình và cách công ty đánh giá về những gì Gen Z làm được và chịu trách nhiệm được.

Gen Z đánh giá cao việc mình có ý tưởng và công sức đã bỏ ra, nhưng các sếp thì đánh giá nhân viên dựa vào tính khả thi của ý tưởng và kết quả cuối cùng. Với thói quen mọi thứ sẽ có “chỉ sau một chạm”, dễ hiểu rằng Gen Z có nhu cầu “ngay và luôn” trong mọi thứ, bao gồm cả tốc độ thăng tiến trong sự nghiệp hay quyết định chuyển việc, trong khi doanh nghiệp thì lại cần những nhân viên chuyên môn có sự tích lũy sâu và cam kết dài theo thời gian.

Bình luận