Chờ...

Chiến lược giảm phát thải - Yếu tố sống còn cho doanh nghiệp

VOH - Chủ động kiểm soát và giảm nhẹ khí nhà kính đã trở thành yếu tố then chốt cho sự phát triển bền vững và lâu dài của các doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu pháp lý và phát triển bền vững.

Ngày 4/10, Sở Công Thương tỉnh Long An phối hợp cùng Trung tâm Khoa học và Hợp tác Net Zero Việt Nam - Asia (VANZA) và Trung tâm Chứng nhận Chất lượng và Phát triển Doanh nghiệp (QCC) tổ chức Hội thảo “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, tập huấn lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính, giải pháp giảm phát thải khí nhà kính”.

DSC05464 (1)

Toàn cảnh hội thảo

Hội thảo được tổ chức nhằm phổ biến kiến thức và nhấn mạnh tầm quan trọng của các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, cùng với việc hướng dẫn chi tiết quy trình kiểm kê khí nhà kính theo yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Đặc biệt, nội dung hội thảo tập trung vào các doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo quy định tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP, ban hành ngày 07/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn.

_DSC6263

Ông Trần Thanh Toản - Phó Giám đốc Sở Công Thương phát biểu khai mạc thội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Thanh Toản – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An nhấn mạnh tầm quan trọng và giá trị của hội thảo kiểm kê khí nhà kính cũng như kế hoạch phát triển sản xuất của doanh nghiệp. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố cần thiết giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.

“Vấn đề phát thải khí nhà kính đang trở thành một thách thức ngày càng cấp bách, đòi hỏi không chỉ nỗ lực từ các cơ quan quản lý, mà còn cần sự đồng lòng của toàn xã hội để kiểm soát và giảm thiểu những tác động tiêu cực lên môi trường. Việc kiểm kê và báo cáo lượng khí nhà kính phát thải không chỉ đơn thuần là yêu cầu pháp lý, mà còn là trách nhiệm đạo đức của mỗi cá nhân và tổ chức trong việc bảo vệ môi trường sống, đảm bảo một tương lai bền vững cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau.” Ông Trần Thanh Toản khẳng định.

_DSC6342

 Ông Hồ Quang Minh, Chủ tịch Trung tâm Khoa học và Hợp tác Net Zero Việt Nam – Asia (Vanza)

Tại hội thảo, ông Hồ Quang Minh, Chủ tịch Trung tâm Khoa học và Hợp tác Net Zero Việt Nam – Asia (Vanza), nhấn mạnh: Kiểm kê khí nhà kính là nền tảng quan trọng cho việc xây dựng thị trường và thuế cacbon. Doanh nghiệp là nhân tố chính đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam, hướng tới phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Trong giai đoạn 2023 - 2025, khi các chính sách khuyến khích vẫn đang áp dụng, doanh nghiệp cần khẩn trương xây dựng kế hoạch và triển khai giải pháp giảm phát thải phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh. Bắt đầu từ năm 2026, lượng phát thải khí nhà kính sẽ bắt buộc phải giảm, do đó doanh nghiệp cần chuẩn bị sớm về đầu tư công nghệ và phát triển đội ngũ nhân lực.

Việc kiểm kê KNK không chỉ là trách nhiệm, mà còn mở ra cơ hội tham gia thị trường tín chỉ các-bon trong nước. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn tài chính để tái đầu tư, mà còn giúp họ giảm chi phí trong bối cảnh thuế cacbon sẽ được áp dụng lên hàng nhập khẩu vào châu Âu.

Ông Minh hy vọng, hội thảo sẽ giúp các doanh nghiệp có cái nhìn sâu sắc hơn về việc triển khai các hoạt động kiểm kê, quản lý và báo cáo dữ liệu liên quan đến các chỉ số phát triển bền vững (ESG). Tìm ra phương pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh cho mình. Đây là một trong những vấn đề then chốt đối với các doanh nghiệp hiện nay, khi các tiêu chuẩn về phát triển bền vững ngày càng được chú trọng và trở thành yêu cầu bắt buộc đối với nhiều thị trường.

Chia sẻ tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Trần Thiện Khánh - Chuyên gia môi trường (Trường Đại học An Giang), chia sẻ về tình hình ứng phó biến đổi khí hậu trong nước và quốc tế; các cơ chế về thuế carbon, thị trường tín chỉ carbon và tiềm năng của Việt Nam.Trong đó nhấn mạnh vai trò quan trọng của truyền thông cộng đồng trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Việc sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm và hiệu quả để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Ông cũng khẳng định rằng: “ Việc đo đạc và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính không chỉ là trách nhiệm của mỗi quốc gia trong nỗ lực bảo vệ hành tinh, mà còn là yêu cầu cấp bách đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Lập báo cáo kiểm kê khí nhà kính không chỉ nhằm tuân thủ các quy định pháp lý mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp. Thông qua quá trình này, doanh nghiệp có thể tối ưu hóa quy trình sản xuất, tiết kiệm chi phí vận hành, đồng thời nâng cao uy tín và giá trị thương hiệu trong mắt khách hàng, đối tác và cộng đồng quốc tế, tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững.".

Chuyên gia Ngô Phát Đạt – Cố vấn cao cấp Trung tâm Chứng nhận Chất lượng và Phát triển Doanh nghiệp

Chuyên gia Ngô Phát Đạt – Cố vấn cao cấp Trung tâm Chứng nhận Chất lượng và Phát triển Doanh nghiệp, chia sẻ về nội dung thuế carbon cho các đơn vị xuất khẩu hàng hoá và tiềm năng của Đồng bằng sông Cửu Long về tín chỉ carbon, đồng thời nhấn mạnh tiềm năng to lớn của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong việc phát triển bền vững. Ông đặc biệt đề cập đến Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại khu vực này, không chỉ giúp người nông dân giảm thiểu lượng khí nhà kính phát thải mà còn mở ra cơ hội tăng thu nhập thông qua việc bán tín chỉ carbon. Đây được coi là một giải pháp hiệu quả, vừa góp phần bảo vệ môi trường vừa nâng cao đời sống của người nông dân trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày càng nghiêm trọng.”

_DSC6608

Thạc sĩ Tạ Quang Kiên – Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Chất lượng và Phát triển Doanh nghiệp chia sẻ tại hội thảo

Đề cập đến việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính, Thạc sĩ Tạ Quang Kiên – Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Chất lượng và Phát triển Doanh nghiệp, chuyên gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, giới thiệu về các văn bản quy định, thông tư hướng dẫn và lộ trình thực hiện việc lập báo cáo kiểm kê khí nhà kính, cách thu thập dữ liệu chính xác; Cách tính toán hạn ngạch phát thải khí nhà kính để xác định hạn ngạch; Kế hoạch giảm nhẹ phát thải, lập báo cáo giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, các giải pháp phù hợp với doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt là các giải pháp ứng dụng công nghệ tiên tiến và quản lý năng lượng hiệu quả.

ThS. Tạ Quang Kiên cho biết các giải pháp thực tiễn để giảm thiểu phát thải khí nhà kính đó là chuyển dịch năng lượng theo hướng sạch và xanh; Trồng thêm nhiều cây xanh; Sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường; Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên.

_DSC7027

Các đại biểu hỏi đáp và trao đổi trực tiếp về các vấn đề liên quan đến báo cáo kiểm kê phát thải và giải pháp giảm phát thải khí nhà kính

Tại hội thảo, các doanh nghiệp còn có cơ hội tham gia phiên thảo luận, trao đổi trực tiếp với các chuyên gia về những vấn đề liên quan đến kiểm kê và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Những yêu cầu báo cáo kiểm kê từ những nhà cung cấp, nhà đầu tư; Hậu kiểm kê và vai trò trong lộ trình chuyển đổi xanh; Khuyến nghị doanh nghiệp sử dụng dữ liệu kiểm kê hướng tới hoạch định chiến lược giảm phát thải.

_DSC6843

Ông Quách Siêu Hải, Chủ tịch Trung tâm Chứng nhận Chất lượng và Phát triển Doanh nghiệp và Ông Phạm Đức Huân đại diện cho Chi nhánh Công ty TNHH May Thêu Thuận Phương – Nhà máy Thuận Phương Long An ký kết biên bản ghi nhớ thực hiện lập báo cáo kiểm kê khí nhà kính.

Hội thảo tuyên truyền, phổ biến kiến thức và tập huấn về kiểm kê phát thải khí nhà kính không chỉ cung cấp những thông tin quan trọng và cập nhật mà còn là cơ hội quý giá để các doanh nghiệp tại Long An cùng các tỉnh thành lân cận nâng cao nhận thức và kiến thức về các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hội thảo không chỉ giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các quy định và quy trình kiểm kê phát thải, mà còn tạo cơ hội để họ tìm kiếm những giải pháp phù hợp nhằm bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.