Đăng nhập

Doanh số bán rượu vang toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1961

00:00
00:00
00:00
VOH - Lượng tiêu thụ rượu vang trên toàn thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 60 năm vào năm 2024, làm dấy lên lo ngại về những rủi ro mới từ thuế quan của Mỹ.

Ngày 15/4, Tổ chức Nho và Rượu vang Quốc tế (OIV) cho biết, doanh số năm 2024 giảm 3,3% so với năm trước xuống còn 214,2 triệu hecto lit (1 hecto lit bằng 100 lit).

OIV cho biết, đây là mức doanh số thấp nhất kể từ năm 1961, khi doanh số là 213,6 triệu hecto lit.

Sản lượng rượu bán ra cũng ở mức thấp nhất trong hơn 60 năm, giảm 4,8% vào năm 2024 xuống còn 225,8 triệu hecto lit.

ruou-vang-160425Xem toàn màn hình
Những lo ngại về sức khỏe và các yếu tố kinh tế là nguyên nhân gây ra sự suy thoái saonh số rượu vang - Ảnh: Alamy

Trưởng phòng thống kê của OIV, Giorgio Delgrosso cho biết, ngành công nghiệp rượu vang đã bị ảnh hưởng nặng nề khi mối lo ngại về sức khỏe làm giảm mức tiêu thụ ở nhiều quốc gia và các yếu tố kinh tế làm tăng thêm khó khăn.

Báo cáo thường niên của IOV cho biết: "Ngoài những gián đoạn kinh tế và địa chính trị ngắn hạn, điều quan trọng là phải xem xét các yếu tố cấu trúc, dài hạn cũng góp phần vào sự suy giảm đáng kể trong tiêu thụ rượu vang".

Người tiêu dùng hiện phải trả nhiều hơn khoảng 30% cho một chai rượu so với năm 2019 - 2020 và tổng mức tiêu thụ đã giảm 12% kể từ đó.

Tại Mỹ, thị trường rượu vang hàng đầu thế giới, mức tiêu thụ giảm 5,8% xuống còn 33,3 triệu hecto lit.

Delgrosso cho biết, mức thuế do Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành có thể trở thành “một quả bom khác” đối với ngành công nghiệp rượu vang.

Doanh số bán hàng tại Trung Quốc vẫn thấp hơn mức trước Covid-19. Tại châu Âu, nơi chiếm gần một nửa doanh số bán hàng trên toàn thế giới, mức tiêu thụ đã giảm 2,8% vào năm ngoái.

Tại Pháp, một trong những nhà sản xuất toàn cầu chính, mức tiêu thụ rượu vang đã giảm 3,6% vào năm ngoái. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha nằm trong số những thị trường hiếm hoi có mức tiêu thụ tăng.

OIV cho biết, sản lượng rượu bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như lượng mưa cao hơn mức trung bình ở một số vùng và hạn hán ở những vùng khác.

Ý là quốc gia sản xuất rượu vang hàng đầu thế giới với 44 triệu hecto lit, trong khi sản lượng của Pháp giảm 23% xuống còn 36,1 triệu hecto lit, mức thấp nhất kể từ năm 1957.

Ý cũng là nước xuất khẩu rượu vang lớn nhất và hoạt động thương mại của nước này tăng lên nhờ sự phổ biến của các loại rượu vang sủi như prosecco.

Tây Ban Nha sản xuất được 31 triệu hecto lit, trong khi sản lượng rượu vang của Mỹ giảm 17,2% xuống còn 21,1 triệu hecto lit, chủ yếu là do thời tiết nắng nóng khắc nghiệt.

OIV không thể dự đoán liệu mức tiêu thụ có tăng trở lại hay không và những người trong ngành, chẳng hạn như chuỗi cửa hàng rượu vang Nicolas của Pháp, cho biết lượng tiêu thụ rượu đang giảm "theo thế hệ".

“Mọi người không còn uống rượu theo cách lễ hội nữa và những người trẻ tuổi tiêu thụ ít hơn cha mẹ của họ”, công ty cho biết trong một tuyên bố với AFP.

Tuy nhiên, Nicolas cho biết, “mọi người uống ít hơn nhưng tốt hơn” và vì vậy họ sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn.

Bình luận