Theo số liệu được công bố hôm 1/4 bởi Automotive Platform (PFA), doanh số bán xe điện Tesla tại Pháp đã giảm 36,8% vào tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh thị trường xe điện nói chung giảm nhẹ.
Tại Thụy Điển, doanh số bán xe Tesla đã giảm 63,9% vào tháng 3 và 55,2% trong ba tháng đầu năm, theo Mobility Sweden.
Mẫu SUV Tesla Model Y, mẫu xe bán chạy nhất tại quốc gia này trong quý đầu tiên của năm 2024, hiện xếp sau hai mẫu xe Volvo, mẫu xe hạng sang Volkswagen ID.7 và một mẫu xe Subaru.

Logo Tesla trên một chiếc ô tô bên ngoài nhà máy của hãng sản xuất ô tô Tesla gần Berlin, Đức - Ảnh:
Tại Đan Mạch, doanh số bán xe Tesla đã giảm 56% trong quý đầu tiên, theo Mobility Denmark. Đức, Anh và Ý sẽ công bố số liệu tháng 3 của họ trong những ngày tới.
Chỉ trong hai tháng đầu năm, doanh số bán hàng của Tesla tại Liên minh châu Âu đã giảm gần một nửa, hiện công ty chỉ nắm giữ 1,1% thị phần.
Cùng lúc đó, tình trạng phá hoại các trạm sạc và đại lý của thương hiệu này cũng gia tăng, trong khi một số cuộc biểu tình đã được tổ chức vào ngày 29/3 bên ngoài các địa điểm bán lẻ ở Bắc Mỹ và Châu Âu để phản đối sự hợp tác chặt chẽ của Musk với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Stephanie Valdez Streaty của Cox Automotive cho biết, "không thể phủ nhận rằng Elon Musk là nhân tố có sức ảnh hưởng, những hành động của ông tác động đến hình ảnh và doanh số bán hàng của thương hiệu này".
Nhóm bảo vệ môi trường Mighty Earth đã tóm tắt tình thế ‘tiến thoái lưỡng nan’ của người mua trong một tuyên bố hôm 1/4 như sau: Trong khi xe điện của Tesla có tác động tích cực về mặt khí hậu, thì hành động của Musk với tư cách là người đứng đầu Ủy ban hiệu quả của chính phủ lại "phá hoại hành động vì khí hậu, đuổi cảnh sát môi trường khỏi công việc và làm suy yếu khả năng của chính phủ Mỹ trong việc ngăn chặn các công ty dầu mỏ, than đá và thịt thải chất gây ô nhiễm vào không khí và nước".
Bên cạnh vấn đề chính trị, các mẫu xe của Tesla đang ‘già đi’ và phải đối mặt với hàng loạt đối thủ cạnh tranh mới từ châu Âu và đặc biệt là châu Á.