Tiêu điểm: Nhân Humanity

Góc nhìn đa chiều về thị trường lao động hậu COVID-19

(VOH) - Kết quả khảo sát trực tuyến 71.460 người đi làm cùng các phỏng vấn nhóm lãnh đạo, HR chuyên sâu về xu hướng nhân sự đã cho thấy có những góc nhìn đa chiều về thị trường lao động hậu COVID-19.

Tại Hội nghị Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2020 diễn ra vào chiều tối 22/10 tại TPHCM, Anphabe công bố kết quả khảo sát trực tuyến với 71.460 người đi làm cùng các phỏng vấn nhóm lãnh đạo, HR chuyên sâu về xu hướng nhân sự đã cho thấy có những góc nhìn đa chiều về thị trường lao động hậu COVID-19.

40% doanh nghiệp thừa nhận chi phí trả công lao động là gáng nặng lớn nhất trong thời điểm này. Trong 6 tháng kể từ khi COVID-19 xảy ra, có tới 51% nguồn nhân lực bị ảnh hưởng bởi các hình thức cắt giảm mạnh tay.

Cụ thể, có 37%  người lao động bị giảm lương, 32% nhân sự bị mất việc, 11% nhân viên tại các công ty bị chuyển từ vị trí toàn thời gian sang lao động tự do, thời vụ. 

Bức tranh cắt giảm là chưa có tiền lệ, diễn ra không chỉ ở những ngành ảnh hưởng nặng bởi COVID-19 như du lịch, hàng không, ẩm thực nghỉ dưỡng...mà kể cả các ngành có cơ hội phát triển như bảo hiểm, nông nghiệp hay công nghệ thông tin.

Theo dự báo, trong những tháng cuối năm, xu hướng tinh giảm nhân lực theo lộ trình vẫn diễn ra một cách chủ động để giảm thiểu chi phí trước những biến động khó lường.

thị trường lao động, COVID-19, ngày 22 tháng 10 năm 2020
Khởi động chương trình chứng nhận VietNam Excellence 2021. Ảnh: Mỹ Trang

Theo bà Thanh Nguyễn, Giám đốc điều hành và truyền cảm hứng Anphabe chia sẻ, có 6 xu hướng chuyển đổi đã và đang diễn ra mạnh mẽ kể từ khi Covid-19 xảy ra như làm việc từ xa, thay đổi yêu cầu về công việc năng lực, tái cấu trúc theo hướng phẳng và gọn, đẩy nhanh chuyển đổi số, học tập trực tuyến và phát triển thị trường mới. 

Về phía người lao động, theo khảo sát, có 81% ghi nhận tổ chức có nhiều thay đổi để ứng phó nhưng có tới 55% không đánh giá cao những nỗ lực của sự thay đổi này. 

Chính vì vậy, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với khủng hoảng kép đó là khủng hoảng kinh doanh và khủng hoảng gắn kết nhân viên. 

Về phía doanh nghiệp, ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận cho biết, trong bối cảnh chịu tác động của COVID-19, doanh nghiệp phải thay đổi theo tinh thần: Dĩ bất biến, ứng vạn biến.

Tất cả sự thay đổi phải bắt đầu bằng những giải pháp liên quan đến nhân sự. Đó là tạo động lực để tìm cách vượt khó. Trong suốt mùa dịch, nếu như lương lãnh đạo công ty cắt giảm 50% thì toàn bộ người lao động đều được hưởng nguyên lương. Cùng với đó, doanh nghiệp nhanh chóng chuyển đổi số, thực hiện các hoạt động marketing trên online và tận dụng thời gian để đào tạo trực tuyến nguồn nhân lực. 

Đó cũng là hướng "thoát hiểm" ngoạn mục từ các doanh nghiệp tiên phong, ứng biến nhanh. Một trong những cách làm là chuyển đổi số từ trải nghiệm khách hàng tới trải nghiệm nhân viên, chuyển đổi văn hoá từ nói đến thực hành.

Trong dịp này, Anphabe cũng tổ chức lễ vinh danh nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2020. Vinamilk tiếp tục được bình chọn là nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2020. Đặc biệt, lần đầu tiên Anphabe vinh danh 10 doanh nghiệp tiêu biểu có nguồn nhân lực hạnh phúc 2020 gồm Aceccook Việt Nam, Greenfeed Việt Nam, Daikin Việt Nam, Sài Gòn Food, Tập đoàn xây dựng Hoà Bình...

Tại lễ vinh danh, Anphabe phối hợp với VCCI  khởi động chương trình chứng nhận VietNam Excellence 2021.

Bình luận