Tiêu điểm: Nhân Humanity

Hoạt động Logistics đóng vai trò then chốt cho tăng trưởng xuất nhập khẩu

(VOH) - Do tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố chỉ đạt 44,9 tỷ đô la Mỹ, tăng 1% so với năm 2020.

Ngày 18/1, tại hội thảo “Giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại trong bối cảnh Covid–19” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Sở Công thương TPHCM tổ chức, đại diện Hiệp hội Logistis TPHCM cho biết, hoạt động logistics tại Việt Nam đóng vai trò then chốt cho tăng trưởng xuất nhập khẩu, đồng thời là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hoạt động Logistics đóng vai trò then chốt cho tăng trưởng xuất nhập khẩu 1
Các đại biểu chia sẻ tại hội thảo

Trong thời gian qua, có những vấn đề khó khăn : vướng mắc do dịch Covid-19 đối với hoạt động hàng hải quốc tế; Khó khăn từ các quy định phòng chống dịch và từ việc không đảm bảo được sản xuất ảnh hưởng đến cả chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ trễ đơn hàng, đền hợp đồng… chấp nhận chuyển từ vận tải đường biển sang đường hàng không để cho dù chi phí cao, không có lợi nhuận thậm chí thua lỗ để tránh vi phạm hợp đồng. Hải trình tàu kéo dài khiến doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ hư hỏng hàng hóa đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm.

Một khó khăn nữa đến từ hệ thống giao thông chưa đồng bộ, tính kết nối còn hạn chế giữa các loại hình vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy dẫn đến chi phí vận chuyển cao, giảm sức cạnh tranh.

Cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ kết nối đến các cảng chính chưa theo kịp sự phát triển. Khi tăng sản lượng hàng hóa của các cảng dẫn đến tình trạng ùn ứ giao thông trên cung đường kết nối đến cảng….

Một khó khăn không thể không nhắc đến là thủ tục hành chính. Điển hình là thủ tục điều chỉnh MNF thay đổi cảng đích giữa các cảng cùng nằm trong khu vực TPHCM còn chưa thông thoáng, phát sinh chi phí cho doanh nghiệp, một số quy định như chưa cho kiểm hóa hộ đối với hàng xuất cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp….

Còn theo ông Huỳnh Minh Tú, Phó giám đốc Sở Công thương thì do tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố chỉ đạt 44,9 tỷ đô la Mỹ, tăng 1% so với năm 2020. Hầu hết các thị trường xuất khẩu chủ yếu của thành phố đều có kim ngạch giảm như: Trung Quốc giảm 8,7%, Hoa Kỳ giảm 2,3%, Nhật Bản giảm 14,7% và EU giảm 0,8%...

Công tác kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn thành phố đang được triển khai tốt nhưng hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp khó có thể sớm phục hồi. Các vấn đề về nhân công, tài xế, kho bãi, giá cước vận tải biển tăng cao, tình trạng thiếu hụt container, thiết bị bốc dỡ và tàu chuyên chở vẫn đang khiến các chuỗi cung ứng đối mặt áp lực lớn.

Đặc biệt, các thị trường xuất khẩu trọng điểm của thành phố nói riêng, Việt Nam nói chung đang có xu hướng tăng cường áp dụng nhiều pháp để phòng chống dịch, gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp. Vì vậy, cần nhận diện đầy đủ những khó khăn, thách thức để có các giải pháp nhằm tháo gỡ cho doanh nghiệp, hỗ trợ tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất phục vụ xuất khẩu.

Theo đại diện Cục hải quan TP, để phục hồi và đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu cần tận dụng các FTA đã có hiệu lực đối với Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tuân thủ các quy định của nước nhập khẩu, quy tắc xuất xứ và các quy định về phòng dịch.

Cũng theo cơ quan hải quan, năm 2021 dù bị tác động dịch bệnh nhưng xuất khẩu có tới 40 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ đô la Mỹ trở lên, trong đó có 8 nhóm hàng đạt từ 10 tỷ đô la Mỹ  trở lên. 

Bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc USAID Việt Nam cho biết, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của các doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh. USAID thông qua dự án USAID TFP luôn xem thành phố Hồ Chí Minh là đối tác chiến lược trong các hoạt động tạo thuận lợi thương mại.

Thời gian qua, dự án USAID TFP đã triển khai các báo cáo “Cải thiện hoạt động thương mại và logistics tại cảng Cát Lái và khu vực lân cận tại thành phố Hồ Chí Minh”, tổ chức các hoạt động đào tạo liên quan đến xuất xứ hàng hóa trong các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết.

Các hoạt động này có nét tương đồng với các giải pháp của “Đề án phát triển xuất khẩu trên địa bàn thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” nhằm thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong thương mại quốc tế.

Bình luận