Tiêu điểm: Nhân Humanity

Kiều bào đồng hành cùng doanh nghiệp thành phố hội nhập thị trường thế giới

(VOH) - Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu là một trong những hiệp định thế hệ mới lớn nhất mà Việt Nam từng tham gia.

Theo dự kiến, hiệp định này sẽ sớm được phê chuẩn để chính thức đi vào thực thi trong năm 2020.

Đây là chìa khóa để doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào một trong những thị trường lớn và tiềm năng nhất toàn cầu, và là cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt Nam tăng tính cạnh tranh, phát triển kinh doanh và khẳng định vị thế trên thương trường thế giới.

Làm thế nào để các doanh nghiệp Việt có thể chuẩn bị khai thác tốt lợi thế và tận dụng cơ hội từ hiệp định này mang lại? Trong bối cảnh đó, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào với sự am hiểu về thị trường và kinh nghiệm kinh doanh nhiều năm ở nước ngoài chính là nguồn lực và cầu nối quan trọng giúp doanh nghiệp trong nước tận dụng tốt nhất các cơ hội xuất khẩu, kinh doanh, tìm kiếm cơ hội đầu tư, mở rộng kinh doanh tại thị trường châu Âu nói riêng và thị trường quốc tế nói chung.

Dây chuyền hiện đại chế biến ngô ngọt xuất khẩu

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu được ký kết đã tạo điều kiện thuận lợi cho nông sản Việt Nam thâm nhập thị trường Châu Âu. Ảnh: TTXVN

Thời gian qua các doanh nghiệp Châu Âu tiếp tục quan tâm tập trung đầu tư, kinh doanh và mở rộng giao thương tại Việt Nam, trong đó TPHCM là điểm đến ưu tiên. Tính đến nay, thành phố có hơn 1.100 dự án của các doanh nghiệp Châu Âu với tổng vốn đầu tư gần 4 tỷ đô la Mỹ. Các doanh nghiệp Châu Âu đến thành phố chú trọng nghiên cứu đầu tư vào các chương trình phát triển trọng tâm của thành phố như thành phố thông minh, dự án giao thông, hạ tầng,… theo nhiều hình thức đầu tư, kinh doanh, giao thương phù hợp. Từ đó, góp phần giúp thành phố tận dụng hết lợi thế, trở thành điểm đến đầu tư, kinh doanh hấp dẫn không chỉ riêng đối với doanh nghiệp châu Âu, mà còn các nước khác.

Trước cơ hội rất lớn khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu được ký kết và thực thi, việc chuẩn bị tâm thế của các doanh nghiệp Việt Nam là rất cần thiết. Theo ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Pháp, hiện nay cộng đồng doanh nhân Việt Nam tại Pháp có số lượng rất lớn, khoảng 350.000 người và có khả năng hội nhập với văn hóa bản địa tốt. Những kiều bào trong lĩnh vực kinh doanh am hiểu thị trường và quy tắc trên thị trường thế giới, nên có thể hỗ trợ cách tiếp cận từ văn hóa đến hành trang chuẩn bị trước khi mời sản phẩm, để hàng hóa dịch vụ Việt Nam đạt chuẩn thị trường Châu Âu.

Ông Nguyễn Hải Nam cũng cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần trang bị thêm văn hóa tiếp cận, ứng xử, châu Âu rất quan tâm yêu thích sản phẩm thuần túy Việt Nam. Do đó, để thuận lợi hơn trong việc cập nhật thông tin, nhu cầu, thị hiếu của thị trường Châu Âu, doanh nghiệp Việt Nam có thể kết nối với các doanh nghiệp của kiều bào hoặc đội ngũ chuyên gia người Việt làm việc tại Châu Âu:

"Tôi cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam cụ thể, chúng tôi đồng hành, định hướng, chứ không phải mang khách hàng đến. Hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam xuất nhập khẩu đối với thị trường Pháp và ngược lại, thì cái thiếu là khác biệt văn hóa, cách tiếp cận trước khi nói đến sản phẩm. Trên tinh thần đó, chúng tôi tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận văn hóa kinh doanh trước khi mang sản phẩm sang".

Hiện nay, nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là nông sản vẫn đang ở dạng thô hoặc sơ chế, trong khi nhu cầu của Châu Âu là sản phẩm chế biến, có giá trị cao và tiện lợi cũng như các tiêu chuẩn cao về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng hàng hóa; hợp tác với nhau trong việc phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu cũng như hệ thống phân phối ở nước ngoài mới có thể thâm nhập sâu vào thị trường Châu Âu.

Ngoài ra, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào cũng là cầu nối thúc đẩy việc hợp tác, chuyển giao công nghệ mới trong sản xuất, chế biến bảo quản nông sản và thu hút đầu tư nước ngoài vào sản xuất, cũng như tiêu thụ sản phẩm nông sản tại Việt Nam. Bà Ngô Phẩm Trân - Tổng thư ký Hiệp hội phát triển kinh tế văn hóa giáo dục Đài –Việt cho biết:

"Qua kinh nghiệm xúc tiến nhiều thị trường toàn thế giới, với Đài Loan nói riêng, cho thấy quy định sản phẩm thị trường Việt Nam ra nước ngoài còn rất ít, thông qua nhiều hoạt động cần cung cấp thêm quy định cho những doanh nghiệp Đài Loan muốn vào Việt Nam, hay sản phẩm Việt Nam ra thị trường thế giới có nhiều thông tin để nắm bắt, xúc tiến thương mại hai bên có hiệu quả hơn: "Mỗi nước có quy định xuất nhập khẩu khác nhau thì doanh nghiệp Việt Nam nên tìm hiểu, chất lượng, điều kiện đủ để vào nước đó, để khi sản xuất hàng hóa đi theo thị trường trước để chuẩn bị đủ chất lượng, để đủ khả năng, khi người ta chọn sản phẩm của mình thì mình đủ điều kiện để mình đi vào đó".

Theo ông Steve Bùi, Phó Chủ tịch hiệp hội Doanh nhân đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc, hiện Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn tại Việt Nam, với khoảng 7.000 doanh nghiệp và gần 1 triệu nhân công.

Khi Việt Nam ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu với Hàn Quốc, các doanh nghiệp Hàn tận dụng lợi thế tốt hơn, Hàn Quốc cũng có lợi thế hơn. Không chỉ vậy, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu được ký kết, doanh nghiệp Hàn cũng rất quan tâm và đã chuẩn bị ban pháp lý để nghiên cứu, tận dụng ưu đãi từ hiệp định này đưa hàng hóa vào Châu Âu.

Hiện doanh nghiệp Việt không nghiên cứu sâu về hệ thống thương mại quốc tế, sản phẩm sản xuất ra thường tính toán đầu tiên là thị trường nội địa, không hướng ra quốc tế. Trong khi đó, phía Hàn Quốc thì ngược lại, quan tâm đến cả thành phần dinh dưỡng và tiểu tiết bên trong.

Ông Steve Bùi, nhận định: "Cơ hội chúng ta ký Hiệp định với Châu Âu mở rộng cánh cửa mới cho các doanh nghiệp Việt Nam, cũng như chúng ta khẳng định vị trí cũng như đi vào vùng đất có khoảng gần 500 triệu dân số, đây là cơ hội lớn cho các nhà doanh nghiệp nhưng cũng là thách thức vì có thêm nhiều nhà cạnh tranh, không chỉ riêng tại Việt Nam mà nhiều nước. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần trau dồi tri thức, chất lượng sản phẩm, từng bước đưa sản phẩm trọng tâm vào Châu Âu. Chúng ta biết người Châu Âu thích món ăn, thực phẩm của Việt Nam, nên các đồ thực phẩm ở Việt Nam tôi nghĩ là thị trường rất tốt vào Châu Âu".

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tiến xa và rộng hơn tới thị trường lớn ở Châu Âu. Điều quan trọng là sự kết nối và chuẩn bị tâm thế thật vững chắc để tận dụng thời cơ này một cách hiệu quả nhất. Với sự hỗ trợ sẵn sàng của các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam ở các nước là tiền đề vững chắc để các doanh nghiệp Việt Nam tự tin hơn khi tham gia thị trường Châu Âu.

Bình luận