Tiêu điểm: Nhân Humanity

Mật ong Việt Nam vào thị trường châu Âu: phải nâng cao chất lượng

(VOH) - Hiện giá mật ong có biến động theo hướng giảm, cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.

Tại Hội thảo duy trì và mở rộng thị phần cho mật ong Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu do Văn phòng Cơ quan Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam và Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của Châu Âu tổ chức sáng 1/11, tại TPHCM, các đại biểu có nhiều đóng góp vào việc sản xuất nâng cao chất lượng, các hoạt động kinh doanh mật ong Việt Nam.   

Ảnh minh họa: VietQ

Hiện giá mật ong có biến động theo hướng giảm, cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Giá mật ong từ trang trại từ 10.000 đồng/kg đến 50.000 đồng/kg, tùy loại mật. Nguyên nhân do doanh nghiệp, thương lái tranh mua, tranh bán và chất lượng mật ong còn có vấn đề về thu hoạch mật non, chưa chín, tỷ lệ nước cao.

Việc xuất khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) có thể mở ra triển vọng mới cho nghề nuôi ong. Thị trường tiêu thụ ong mật châu Âu tăng trưởng khoảng 7%/năm. Đây là thị trường nhiều tiềm năng cho ngành ong Việt Nam phát triển. 9 tháng của năm 2017, Việt Nam xuất gần 1.500 tấn mật ong sang châu Âu, tăng hơn 1% so với cả năm 2016. Việc mở rộng thị trường mật ong châu Âu cần phải có những thay đổi về chất lượng mật ong trong chuỗi giá trị này.

Ông Nguyễn Việt Cường, Giám đốc Công ty Đắk Nguyên Hồng cho rằng chuỗi giá trị của riêng ngành ong, đầu tiên là người nuôi ong, sau đó người thu mua và tiếp là các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu. Thế thì, phải thay đổi từng bước trong chuỗi giá trị này. Ở người nông dân là phương pháp nuôi chưa tiên tiến; người thu gom còn có những tranh mua tranh bán, còn đâu đó đưa những sản phẩm không tốt trộn lại với những sản phẩm tốt. Thành ra, những áp lực ở 2 khâu phía trước làm ảnh hưởng đến chuỗi phía sau là những doanh nghiệp chế biến xuất khẩu

Theo ông Đặng Quyết Tâm - Chủ tịch Hội nuôi Ong Việt Nam để tiếp tục duy trì thị trường xuất khẩu chúng ta cần phải bảo đảm chất lượng, xây dựng thương hiệu ngành ong Việt Nam: “muốn có được thương hiệu, đầu tiên phải là chất lượng. Chất lượng và ổn định chất lượng. Ngành ong phải đi vào chất lượng và qua chất lượng mới xây dựng thương hiệu”.

Bình luận