Tiêu điểm: Nhân Humanity

Mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) - Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì?

(VOH)_Bất chấp những khó khăn về địa chính trị và tài chính, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) vẫn sôi động trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Thị trường M&A Việt Nam sôi động, chcơ hội mới năm 2023

Việt Nam nổi lên như một điểm sáng với mức tăng trưởng GDP năm 2022 được dự báo đạt 8%, bất chấp những bất ổn của kinh tế toàn cầu. Nguồn vốn đầu tư tiếp tục rót vào thị trường Việt Nam những tháng cuối năm 2022 khi hàng loạt các thương vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) thực hiện thành công. Mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 sẽ tạo “bệ đỡ” cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là hoạt động M&A.

Mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) - Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì để “không thua ngay trên sân n 1
Theo các chuyên gia, thị trường M&A Việt Nam được dự báo vẫn sôi động nhờ kinh tế vĩ mô ổn định. Ảnh: PD

Dù hoạt động M&A tại nhiều quốc gia trên thế giới đang rơi vào trạng thái trầm lắng, thị trường M&A tại Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những thị trường an toàn, hấp dẫn, giàu tiềm năng. Theo báo cáo mới nhất của một trong các đơn vị kiểm toán hàng đầu thế giới (Big4), đến hết tháng 10/2022, tổng giá trị thương vụ trên thị trường M&A Việt Nam đạt khoảng 5,7 tỷ USD.

Thị trường M&A tại Việt Nam được dự báo vẫn sôi động, nhất là trong bối cảnh nguồn vốn trong nước bị thắt chặt, nhiều doanh nghiệp buộc phải tái cấu trúc, bán bớt tài sản, kêu gọi đầu tư do sức ép về tài chính.

Theo một báo cáo năm 2022 của Bain & Company, dòng vốn từ các quỹ đầu tư tư nhân vào châu Á đang ở mức cao kỷ lục khoảng 650 tỷ USD, đang trở thành động lực chính thúc đẩy cho thị trường M&A tăng tốc trong thời gian tới.

Các chuyên gia cho biết, M&A trong lĩnh vực công nghệ với làn sóng chuyển đổi số, bán lẻ, hàng tiêu dùng vẫn sôi động. Trong khi lĩnh vực bất động sản, năng lượng, tiện ích sẽ sớm sôi động trở lại với sự tham gia ngày càng đông đảo của các doanh nghiệp Việt Nam với vai trò bên mua.

Đặc biệt, sẽ có những cơ hội M&A trong lĩnh vực dịch vụ tài chính khi có nhiều thương vụ đang trong giai đoạn chuẩn bị nhiều năm nay, sắp đi đến giai đoạn chốt thương vụ vào năm 2023. Hoạt động M&A tại Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi bắt đầu từ nửa cuối năm 2023. Khi xu hướng này tiếp tục, chuyển đổi số, chuyển sang năng lượng sạch, thị trường tiêu dùng rộng lớn và nhận thức về phát triển bền vững ngày càng tăng sẽ tiếp tục là những chủ đề chính cho hoạt động M&A trong tương lai tại Việt Nam.

Mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) - Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì để “không thua ngay trên sân n 2
HDBank là một trong những ngân hàng thực hiện thành công hai dự án M&A

Hoạt động M&A xuyên quốc gia

M&A với những giao dịch liên quan đến chuyển giao quyền sở hữu tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp, nghĩa vụ của doanh nghiệp, từ đó đưa đến những hệ quả pháp lý nhất định. M&A xuyên quốc gia về bản chất là một hình thức của M&A nói chung, hiểu một cách khái quát là M&A giữa hai hay nhiều doanh nghiệp thuộc các quốc gia khác nhau.

Một doanh nghiệp tiến hành mua toàn bộ hoặc một phần tài sản của doanh nghiệp khác dẫn tới hệ quả doanh nghiệp đi mua lại có khả năng kiểm soát và chi phối toàn bộ hoặc một phần hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị mua lại. Đồng thời, doanh nghiệp đi mua lại kế thừa các quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp tương ứng với việc mua toàn bộ hoặc một phần tài sản của doanh nghiệp bị mua lại.  

M&A xuyên quốc gia là hoạt động kinh tế phức tạp trong nền kinh tế thị trường hiện nay. M&A mặc dù diễn ra sôi động nhưng luôn kéo theo không ít rủi ro, thách thức, đặc biệt là các rủi ro về pháp lý. Các vấn đề pháp lý có thể gây ra các trở ngại cho các nhà đầu tư khi tiến hành M&A và là nguyên nhân chính khiến nhiều giao dịch không thành công hoặc gây ra các tranh chấp không mong muốn về sau.

Hoạt động M&A xuyên quốc gia được xem là một hình thức đầu tư chủ yếu của đầu tư nước ngoài bên cạnh hình thức đầu tư trực tiếp và gián tiếp khác. Thông qua hoạt động M&A, các nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng hơn trong việc vượt qua những rào cản gia nhập ngành, hay chính sách pháp luật của các quốc gia khi tham gia đầu tư tại một thị trường mới.

Đặc điểm của giao dịch M&A xuyên quốc gia

Giao dịch M&A xuyên quốc gia thường có sự tham gia của ít nhất một bên là thương nhân nước ngoài.

Có sự chuyển giao về quyền sở hữu tài sản có yếu tố nước ngoài từ bên bán doanh nghiệp sang bên mua doanh nghiệp hay bên nhận sáp nhập.

Hợp đồng phát sinh từ quan hệ M&A xuyên quốc gia giữa các bên như hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của cổ đông, thành viên góp vốn công ty... là những hợp đồng có yếu tố nước ngoài, có tính chất và nội dung phức tạp hơn so với các hợp đồng phát sinh từ quan hệ M&A nội địa.

Pháp luật điều chỉnh quan hệ M&A xuyên quốc gia không chỉ giới hạn trong một hệ thống pháp luật quốc gia nơi công ty mục tiêu đang hoạt động, mà có thể chịu sự điều chỉnh bởi các hệ thống pháp luật của quốc gia khác. Một thương vụ M&A xuyên quốc gia ngoài việc được xem xét dựa trên các điều kiện như chủ thể, giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phẩn, phần vốn góp, tỷ lệ sở hữu thị phần… như hoạt động M&A nội địa thì còn phải lưu ý các vấn đề về tiếp cận thị trường theo các cam kết quốc tế của Việt Nam với các quốc gia khác.

Vấn đề pháp lý của hoạt động M&A xuyên quốc gia

Các quy định về điều kiện chủ thể và điều kiện tiếp cận thị trường M&A trong pháp luật mỗi quốc gia là không giống nhau. Pháp luật của mỗi nước đặt ra những tiêu chí nhất định để xác định thế nào được xem là “nhà đầu tư nước ngoài”, hay những quy định về hạn chế tiếp cận ngành kinh tế nhất định, hay về giá trị cổ phần được phép sở hữu… Thêm vào đó, do sự không thống nhất trong quy định pháp luật, cơ quan có thẩm quyền có thể áp đặt ý chí chủ quan khi xác định tư cách chủ thể tham gia vào giao dịch M&A, và hệ quả là cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng những điều kiện và hạn chế đầu tư khác mà pháp luật nội tại chưa có quy định.

Về vấn đề pháp luật cạnh tranh, tập trung kinh tế của doanh nghiệp bao gồm hợp nhất, sáp nhập, mua lại, liên doanh và các hoạt động khác. Mỗi quốc gia đều có quy định riêng đối với các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế sở hữu thị phần kết hợp ở một giới hạn nhất định. Đồng thời, pháp luật mỗi quốc gia cũng cấm hành vi tập trung kinh tế mà thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia ở một hạn mức được cho là “vi phạm nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh trên thị trường”.

Vấn đề tình trạng pháp lý của công ty mục tiêu, ở giai đoạn đầu của một giao dịch M&A, nhà đầu tư nước ngoài dễ nhìn nhận không đúng đối với tình trạng pháp lý của công ty mục tiêu. Điều này thường là do sự khác biệt về văn hóa doanh nghiệp, rào cản chính sách pháp luật của quốc gia, cùng với các vấn đề nhạy cảm về tài chính và kinh tế mà các doanh nghiệp tham gia M&A muốn che giấu ở giai đoạn đầu.

Đối với vấn đề pháp luật về quản lý ngoại hối, một giao dịch M&A đòi hỏi sự tuân thủ pháp luật trên nhiều khía cạnh, trong đó pháp luật về quản lý ngoại hối là một khía cạnh pháp lý quan trọng mà nhà đầu tư nước ngoài cần tuân thủ. Điều này nhằm giúp cho các cơ quan có thẩm quyền kiểm soát việc các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện việc góp vốn, mua bán cổ phần, chuyển nhượng vốn góp trong công ty mục tiêu, phân chia cổ tức hay lợi nhuận sau thuế, mua ngoại tệ để chuyển tiền ra nước ngoài và các hoạt động ngoại hối liên quan khác.

Một điểm quan trọng, đó là các quy định về thuế và kế toán liên quan đến giao dịch M&A. Nhìn chung, các quy định và hướng dẫn về chế độ kế toán và chính sách thuế đối với các hoạt động M&A hiện nay được cho là tương đối cụ thể về chính sách thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp.

Về cơ bản, hoạt động chuyển nhượng vốn, cổ phần và chuyển nhượng chứng khoán không chịu thuế giá trị gia tăng. Trong khi đó thu nhập từ chuyển nhượng vốn, cổ phần chịu thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức thuế suất 20% hoặc 0,1% tùy thuộc vào loại hình công ty mục tiêu.

Các quy định pháp luật về lao động cũng cần phải được xem xét thận trọng. Trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, chuyển quyền sở hữu, quyền quản lý hoặc quyền sử dụng tài sản doanh nghiệp, người sử dụng lao động kế tiếp phải chịu trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã ký với người lao động. Trường hợp không sử dụng hết dẫn đến việc người lao động phải chấm dứt hợp đồng, thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động.

Doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý gì trong giao dịch M&A

Ngày càng nhiều các nhà đầu tư nước ngoài sử dụng M&A như một công cụ giúp họ thâm nhập thị trường mới, các doanh nghiệp nội địa sẽ phải đối mặt với ngày càng nhiều thương vụ M&A xuyên quốc gia hơn trên chính “sân nhà” của mình. Do vậy, để phòng ngừa và hạn chế các rủi ro pháp lý, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý một số vấn đề sau.

Cần xem xét điều kiện thực hiện hoạt động đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài theo pháp luật đầu tư. Theo Luật Đầu tư hiện hành, nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu vốn điều lệ không hạn chế trong tổ chức kinh tế Việt Nam trừ các trường hợp theo pháp luật về chứng khoán, pháp luật về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước, pháp luật khác có liên quan và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần xem xét lĩnh vực dự định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài để đối chiếu với quy định của pháp luật chuyên ngành trong lĩnh vực đó, từ đó chào bán tỷ lệ vốn góp, cổ phần hợp lý.

M&A là một hình thức tập trung kinh tế có thể dẫn đến hạn chế cạnh tranh, triệt tiêu cạnh tranh và gây ra hiện tượng độc quyền trên thị trường, làm ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng và xã hội, thế nên cần có sự điều chỉnh của pháp luật.

Luật Cạnh tranh hiện hành không quy định cấm tập trung kinh tế một cách cứng nhắc dựa trên mức thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trên thị trường liên quan, thay vào đó chỉ quy định cấm doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường.

Doanh nghiệp phải xác định thị phần của mình và dự tính thị phần kết hợp nếu thực hiện M&A, từ đó chủ động tự đánh giá quy mô doanh nghiệp của mình và doanh nghiệp mục tiêu. Doanh nghiệp cần lưu ý thực hiện thông báo tập trung kinh tế theo quy định dựa trên các tiêu chí như tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế; hay tổng doanh thu trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế; hay giá trị giao dịch của tập trung kinh tế; hay thị phần kết hợp trên thị trường liên quan của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế.

Trong giao dịch M&A, thẩm định pháp lý của các bên tham gia giao dịch rất quan trọng vì sẽ là căn cứ kết luận về tính hợp pháp của các quyền và nghĩa vụ pháp lý mà công ty mục tiêu đã xác lập. Theo đó, doanh nghiệp cần xác định quan hệ pháp lý nội bộ của các cổ đông, thành viên góp vốn, chủ sở hữu tài sản, chế độ pháp lý đối với các loại tài sản, hồ sơ dự án, quyền sử dụng đất, các hợp đồng, thỏa thuận hợp tác đầu tư, hợp đồng đối với người lao động… từ đó có giải pháp hạn chế rủi ro và đưa ra quyết định M&A phù hợp.

Doanh nghiệp cần xem xét đầy đủ việc đăng ký kinh doanh, đăng ký kê khai nộp thuế, sử dụng con dấu, tư cách và tính hợp pháp của các giao dịch do người đại diện pháp luật thực hiện kể cả của các công ty con, đơn vị trực thuộc cũng như các yêu cầu tuân thủ trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, các giao dịch dân sự với các bên thứ ba, yêu cầu đáp ứng các điều kiện kinh doanh cũng như tính hợp pháp của việc hình thành các cơ quan quản lý nội bộ doanh nghiệp.

Nên xem xét, điều chỉnh và soạn thảo bằng văn bản tất cả các thỏa thuận quan trọng. Do tính chất phức tạp của hoạt động M&A và yếu tố nước ngoài của M&A xuyên quốc gia, doanh nghiệp cần phải lưu ý đến hình thức của các hợp đồng giữa các bên nhằm có cơ sở pháp lý rõ ràng cũng như tạo thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp nếu có trong tương lai.

Các hợp đồng quan trọng cần xem xét như hợp đồng mua tài sản, hợp đồng tín dụng, các cam kết vay ngân hàng, thế chấp, bảo lãnh bằng tài sản công ty, hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể... Đồng thời, soạn thảo chi tiết các hợp đồng trong giao dịch M&A như thỏa thuận độc quyền và bảo mật, hợp đồng mua bán/chuyển nhượng cổ phần/phần vốn góp.

Một trong những hoạt động quan trọng có thể quyết định được tương lai của giao dịch M&A đó chính là định giá doanh nghiệp. Về phía bên bán là doanh nghiệp Việt Nam, thẩm định giá giúp xác định chính xác giá trị thực tế và tiềm năng phát triển của công ty mục tiêu để tránh tình trạng định giá quá cao hoặc quá thấp, khó thu hút các nhà đầu tư phù hợp đầu tư vào công ty mục tiêu.

Chuyên gia Quí Phan hiện là Giám đốc Tư vấn Thuế và Luật của Công ty Luật Frasers, ông có hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh tư vấn thuế, tư vấn luật, tài chính và pháp lý đầu tư. Ông từng là Giám đốc tư vấn thuế, luật và hỗ trợ doanh nghiệp của một trong bốn Công ty tư vấn và kiểm toán lớn nhất thế giới (Big4), giám đốc pháp lý đầu tư (M&A) và giữ nhiều vai trò quản lý cấp cao tại các tập đoàn lớn trước khi gia nhập Công ty luật Frasers. Ông từng có thời gian công tác tại các nước như New Zealand, Singapore nhằm tư vấn và xúc tiến các dự án hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và các quốc gia. Email của chuyên gia: qui.phan@frasersvn.com
Bình luận