Đây là thông điệp Thủ tướng Nguyễn Xuấn Phúc đưa ra tại hội nghị định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu vào sáng 8/8.
Gỗ và lâm sản là ngành hàng xuất khẩu quan trọng thứ 6 của Việt Nam và liên tục tăng trưởng cao trong thập kỷ qua. Năm 2017 là năm thành công của ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu khi giá trị xuất khẩu đạt trên 8 tỷ đô la Mỹ, về đích trước 3 năm so với chỉ tiêu đề ra trong chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2006 – 2020. Hiện gỗ và lâm sản Việt Nam được xuất khẩu đến 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, chiếm khoảng 6% thị trường đồ gỗ thế giới và vẫn còn nhiều dư địa cho các sản phẩm này bởi sự tin yêu của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu cũng đang gặp nhiều khó khăn do: nguồn nguyên liệu phát triển chưa bền vững, sự liên kết giữa các doanh nghiệp và người trồng rừng còn yếu, đầu tư cho ngành chưa tương xứng với tiềm năng, thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam còn mờ nhạt.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu khai mạc hội nghị.
"Ngành chế biến gỗ và lâm sản là ngành hàng có giá trị xuất khẩu chủ lực và là một trong số ít ngành hàng đem lại giá trị xuất siêu cao của Việt Nam. Thời gian qua, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản đã đạt được nhiều kết quả rất tích cực. Bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn những tồn tại và hạn chế, đang đứng trước những khó khăn thách thức cần được khắc phục trong thời gian tới. Đây là dịp để chúng ta đánh giá một cách nghiêm túc, khách quan, khoa học về những việc chúng ta đã làm được cũng như những hạn chế. Từ đó, đề ra những giải pháp để phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra mục tiêu cho ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu phải, phấn đấu trong 10 năm tới, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong nến kinh tế quốc dân, Việt Nam phải trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu gỗ có uy tín trên thế giới. Cụ thể, kim ngạch xuất khẫu gỗ và sản phẩm gỗ, lâm sản năm 2019 đạt 9 tỷ đô la Mỹ, năm 2020 đạt từ 12 đến 13 tỷ đô la Mỹ (USD). Điều này, đòi hỏi ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu phải phấn đấu không ngừng hơn nữa.
Đề cập đến việc xây dựng trung tâm quảng bá thương hiệu, tiếp thị sản phẩm gỗ Việt Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội hỗ và lâm sản Việt Nam Ngô Xuân Hoài bày tỏ sự lạc quan: "Ngoài chiến lược cung ứng nguyên liệu bền vững cho công nghiệp gỗ, Hiệp hội hỗ và lâm sản Việt Nam đặc biệt quan tâm đến năng lực tiếp thị ở tầm quốc gia của ngành gỗ nước ta. "Với sự ủng hộ của Chính phủ, sự vào cuộc của Hiệp hội gỗ và doanh nghiệp, tôi tin rằng việc dành ra từ 5 đến 10ha đất làm trung tâm giao thương và quảng cáo đồ gỗ của Việt Nam ở Bình Dương không phải là nhiệm vụ bất khả thi", ông Hoài nói.
Để phát triển hơn nữa ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, góp phần đưa nước nước ta trở thành một trong những trung tâm sản xuất đồ gỗ có chất lượng cho thế giới, mỗi địa phương đã có những cách làm riêng, mang tính thiết thực, đáp ứng kịp thời nhu cầu nội địa và xuất khẩu. Riêng TPHCM đã có những giải pháp trọng tâm cụ thể.
"Tạo sự liên kết chặt chẽ giữa 3 đơn vị là: Hiệp hội, doanh nghiệp và chính quyền. Tập trung giải quyết 4 hạn chế của thị trường bán lẻ hiện nay, đó là: chiến lược đầu tư phát triển chưa được nhấn mạnh, tính chuyên nghiệp không cao, hạn chế về năng lực tài chính, các dịch vụ hậu mãi chưa tốt; Từ đó, khơi dậy tiềm lực thị trường nội địa, khuyến khích các doanh nghiệp chế biến gỗ hợp tác đầu tư xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, gắn với cơ sở chế biến lâm sản, chủ động đảm bảo được nguồn gỗ nguyên liệu hợp pháp", Chủ tịch UBND TPHCM, Nguyễn Thành Phong cho biết.
Bên cạnh đó, thành phố cũng xây dựng chương trình tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp sản xuất có trách nhiệm, người tiêu dùng có trách nhiệm đối với môi trường bằng việc đòi hỏi các sản phẩm có chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp; thực hiện triệt để cải cách hành chính, tăng cường đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, nâng cao tính chuyên nghiệp trong công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu gỗ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Tôi yêu cầu các Bộ, các ngành, các cấp, các doanh nghiệp phải tập trung triển khai hiệu quả Luật Lâm nghiệp 2017, trong đó, điểm mới rất quan trọng là coi nền lâm nghiệp là nền kinh tế kỹ thuật đặc thù, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ quản lý, bảo vệ, phát triển đến sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản. Khuyến khích đầu tư vào trồng rừng nguyên liệu, đổi mới khoa học công nghệ, đưa tư duy sáng tạo vào sản phẩm gỗ Việt, để tăng giá trị gia tăng, làm động lực tăng trưởng của ngành trong thập niên tới. Tiếp tục quản trị rừng và hợp tác các loại hình, để phát triển rừng trồng có năng suất cao, kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào; hạn chế và tiến tới sử dụng gỗ rừng tự nhiên nhập khẩu".
Theo đánh giá chung, trong những năm tới, dư địa phát triển cho ngành chế biến, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản Việt Nam là rất lớn. Bên cạnh sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, sự chủ động của doanh nghiệp, sự hội nhập sâu rộng của Việt Nam vào thị trường thế giới, tin rằng ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam sẽ phát triển như kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ.