Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nhận diện cơ hội và rủi ro thị trường bất động sản năm 2018

(VOH) - Thị trường bất động sản đang phát triển tốt; tồn kho bất động sản đang giảm nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro.

Thị trường bất động sản đang phát triển tốt; tồn kho bất động sản đang giảm; 2018 sẽ là năm thị trường bất động sản sôi động hơn. Tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn rủi ro, nguồn cung nhiều hơn mức cầu, nhất là loại hình bất động sản nghỉ dưỡng; giá nhà đất có khả năng sẽ bị thổi phồng; tình hình kinh doanh của một số doanh nghiệp chưa được cải thiện... 

Đó là nhận định của chuyên gia tài chính, ngân hàng bất động sản trong buổi hội thảo “ Nhận diện cơ hội và rủi ro thị trường bất động sản năm 2018” do CafeLand tổ chức hôm nay 8/12.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, quý I năm 2018, các chính sách vĩ mô về bất động sản sẽ có thay đổi lớn thông thoáng hơn vì thế đây sẽ là thời cơ của thị trường, doanh nghiệp bất động sản.

Trong năm qua, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã hồi sinh mạnh mẽ với hàng loạt dự án được khởi động. Tại TPHCM, giá nhà đất nhiều khu vực đã tăng lên, đặc biệt khu vực phía Đông mà tâm điểm là quận 2, quận 9 đã tăng tới mức có thể gọi là “sốt”. Các khu vực vùng ven và vùng giáp ranh thành phố cũng bất ngờ trỗi dậy cả về giá lẫn giao dịch.

Năm qua cũng chứng kiến dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào thị trường bất động sản thông qua kênh M&A. Bên cạnh đó, nguồn vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản cũng đạt 2,5 tỷ USD, chiếm 7,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh dự báo: “Dòng vốn FDI của nhà đầu tư nước ngoài và dòng kiều hối đổ vào bất động sản đã, đang và sẽ tăng lên cùng với sự thông thoáng của môi trường đầu tư. Dự báo trong vòng 5 năm tới, kinh doanh bất động sản sẽ tiếp tục thu hút trên dưới 3 tỉ USD vốn FDI mỗi năm”. 

Song song với những điểm tích cực đó, năm nay thị trường cũng bộc lộ một số dấu hiệu đáng lo ngại. Nhiều chuyên gia cho rằng đang có làn sóng đầu cơ mạnh vào thị trường bất động sản và thậm chí bất động sản một số khu vực đang bị “thổi giá” quá mức; Nhiều dự án bị “siết nợ”, tình hình kinh doanh không cải thiện và giá cổ phiếu nhiều doanh nghiệp bất động sản đang thấp hơn nhiều so với mệnh giá, giá trị sổ sách.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu phân tích, tăng trưởng tín dụng bất động sản đang ngày càng to. Thống kê của Ngân hàng Nhà Nước cho thấy kênh bất động sản đang chiếm đến 15% tổng dư nợ tín dụng. 

Ngoài ra, theo ông Hiếu, không nên cho phép chủ đầu tư các dự án huy động tiền của dân. Chủ đầu tư một tay huy động tiền dân, một tay vay vốn ngân hàng mà không ai giám sát nguồn tiền thì luôn luôn có rủi ro. Ông Hiếu đề nghị, Chính phủ phải là một chính phủ kiến tạo, minh bạch. Tất cả các yếu tố liên quan đến bất động sản như tin tức, giá cả phải được rõ ràng.

Bình luận