Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt thâm nhập thị trường Hoa Kỳ với công nghệ AI

VOH - Ứng dụng AI để tối ưu hóa quá trình XNK, vượt qua rào cản kỹ thuật và pháp lý khi thâm nhập thị trường Hoa Kỳ. Đó là cơ hội quan trọng giúp các DN nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí.

Ngày 26/9, Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Wisematch Việt Nam tổ chức hội thảo “Tư vấn, cung cấp thông tin và ứng dụng công nghệ AI cho xuất nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ”.

Sự kiện thu hút đông đảo các doanh nghiệp tham gia nhằm cung cấp thông tin cập nhật và các giải pháp công nghệ, giúp doanh nghiệp Việt Nam tối ưu hóa quy trình xuất khẩu vào thị trường khó tính nhất thế giới.

z5870332580860_4d73d54b4199804b2c057f13ce0376bb

Ông Nguyễn Hữu Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương)- Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Hữu Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Những năm qua kể cả trong đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Để duy trì thành quả này và có những thành công tiếp theo, vai trò của các doanh nghiệp là không thể thiếu, đặc biệt các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Mục đích của hội thảo nhằm cung cấp thông tin XNK mới nhất cho các doanh nghiệp đang xuất khẩu và quan tâm đến xuất khẩu ngành nông nghiệp và F&B vào thị trường Hoa Kỳ để doanh nghiệp tham khảo. Ngoài ra các chuyên gia chia sẻ về xuất xứ hàng hóa hưởng ưu đãi; Những biện pháp trong công tác chuẩn bị, phòng ngừa rủi ro để đạt được thành công trong việc Xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ”.

z5870332573355_5abc5e06f06f1c8ed89ff33e57b58136

 

Ông Trần Ngọc Bình - Trưởng phòng Quản lý XNK Khu Vực TP. HCM – Cục Xuất Nhập Khẩu – Bộ Công thương chia sẻ nội dung về Quy tắc xuất xứ hàng hóa đi thị trường Mỹ.

Tại hội thảo, ông Trần Ngọc Bình - Trưởng phòng Quản lý XNK Khu Vực TP. HCM – Cục Xuất Nhập Khẩu – Bộ Công thương chia sẻ nội dung về Quy tắc xuất xứ hàng hóa đi thị trường Mỹ, đặc biệt là quy tắc trong Form B. Theo ông, để tận dụng các ưu đãi thương mại từ các hiệp định song phương và đa phương giữa Việt Nam và Mỹ, doanh nghiệp phải đảm bảo hàng hóa có xuất xứ rõ ràng và đáp ứng đầy đủ yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa.

Ông Bình giải thích rằng Form B là chứng từ cần thiết chứng minh hàng hóa sản xuất tại Việt Nam tuân thủ các quy tắc xuất xứ do Mỹ đề ra. Cụ thể, hàng hóa phải trải qua quy trình sản xuất hoặc chế biến đáng kể tại Việt Nam, và tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa phải đạt yêu cầu tối thiểu để được coi là có xuất xứ Việt Nam. Điều này giúp hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Mỹ dễ dàng hơn và tránh các biện pháp phòng vệ thương mại như thuế chống bán phá giá.

Các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để nắm bắt và cập nhật thường xuyên các quy định mới về xuất xứ, đảm bảo tính minh bạch và uy tín khi xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ.

Theo Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã đạt 12,4 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023.

Hiện có 8 loại trái cây tươi được phép nhập khẩu được vào thị trường Hoa Kỳ gồm thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa, bưởi, dừa… Dự báo xuất khẩu hàng rau củ quả của Việt Nam sang Hoa Kỳ năm 2024 sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan.

Các sản phẩm như rau, quả, cà phê, hạt điều, hồ tiêu, và đặc biệt là các loại trái cây tươi như thanh long, xoài, nhãn, vải, và chôm chôm đều chiếm vị trí quan trọng trên thị trường quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ.

Hoa kỳ có xu hướng tăng nhập khẩu gạo từ Việt Nam. Đây là mặt hàng tiềm năng tăng trưởng khi USDA dự báo nhập khẩu Hoa Kỳ tiế tục tăng.

Hiện các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam đã đáp ứng tốt các tiêu chuẩn của Hoa Kỳ, bao gồm GlobalGAP, ISO, HACCP, USDA. Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy thế mạnh và thâm nhập sâu hơn vào thị trường này, doanh nghiệp cần chú trọng nhiều hơn đến việc nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm thay vì chỉ xuất khẩu thô.

Bên cạnh nông sản, ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) cũng đang đón nhận nhiều cơ hội từ thị trường Hoa Kỳ. Trong 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong ngành này tăng mạnh, với nhiều sản phẩm như bánh kẹo, nước ép trái cây, và rau củ quả đông lạnh đạt mức tăng trưởng từ 4% đến 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, một số mặt hàng như cà phê và gạo lại giảm sút do biến động về giá và chi phí sản xuất.

Theo các chuyên gia, thị trường Hoa Kỳ có yêu cầu cao về các tiêu chuẩn vệ sinh và an toàn thực phẩm, đòi hỏi các sản phẩm F&B của Việt Nam không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn mà còn phải được chế biến từ các nguồn nguyên liệu truy xuất rõ ràng. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp F&B Việt Nam khi muốn gia nhập sâu vào thị trường này.

Để thành công tại thị trường Hoa Kỳ, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược cụ thể về phân khúc thị trường và sản phẩm. Doanh nghiệp nên tập trung vào việc chinh phục các cộng đồng người Việt và người châu Á tại Hoa Kỳ, sau đó mới mở rộng sang người tiêu dùng Mỹ bản địa. Những sản phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa Việt như phở, bún, bánh mì... có thể là cơ hội vàng để giới thiệu với thị trường Mỹ, tạo ra sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh quốc tế.

z5870332563946_6bc9c2f053ccffb9aed8c7d4e38eb71b

Ông Mã Thanh Danh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tư vấn Quốc tế CIB chia sẻ kinh nghiêm trong việc thâm nhập thị trường Hoa Kỳ

Hoa Kỳ là một thị trường tiềm năng nhưng đầy thách thức với những yêu cầu khắt khe về chất lượng, pháp lý và kỹ thuật. Ông Mã Thanh Danh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tư vấn Quốc tế CIB, cho biết: “Rào cản lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang Mỹ chính là việc tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật và pháp lý khắt khe. Các quy định về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ và tuân thủ các yêu cầu của FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) và Luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA) là những trở ngại đáng kể.

Ngoài ra, yêu cầu về sản xuất quy mô lớn và kiểm soát chi phí cũng là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp Việt có thể cạnh tranh với các đối thủ quốc tế. "Hoa Kỳ không chỉ là sân chơi lớn mà còn là một thị trường đòi hỏi chất lượng cao, yêu cầu doanh nghiệp phải tối ưu hóa chi phí và quản lý chất lượng để thành công", ông Mã Thanh Danh nhấn mạnh.

Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang tạo ra những bước đột phá lớn trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả xuất nhập khẩu. Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và Big Data trở thành công cụ hữu ích để giúp doanh nghiệp vượt qua các rào cản này. Ông Phạm Minh Quân, CEO của Wisematch Việt Nam nhận định rằng, AI không chỉ giúp tối ưu hóa việc lựa chọn mã HSCODE cho sản phẩm để hưởng ưu đãi thuế, mà còn hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt xu hướng thị trường, dự đoán nhu cầu và điều chỉnh sản phẩm phù hợp với thị hiếu của khách hàng.”

3

Ông Phạm Minh Quân, Giám đốc Công ty TNHH Wisematch Việt Nam trao đổi về cách ứng dụng công nghệ AI trong xuất nhập khẩu.

Tại hội thảo, Ông Quân đã giới thiệu các công cụ và giải pháp AI tiên tiến giúp doanh nghiệp xuất khẩu tối ưu hóa quy trình, từ phân tích thị trường, dự đoán nhu cầu đến tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Đây là một trong những yếu tố cốt lõi giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận thành công thị trường Hoa Kỳ.

Chia sẻ về ứng dụng AI trong sản xuất hàng hoá, Ông Jay Ganhdi – Program Director FPT Software cho rằng, AI giúp tự động hóa các quy trình phức tạp, giảm thời gian sản xuất và cải thiện năng suất mà không cần tăng chi phí nhân công. AI cung cấp khả năng phân tích dữ liệu lớn, dự đoán xu hướng thị trường và nhu cầu của khách hàng, giúp doanh nghiệp sản xuất chính xác theo yêu cầu.

Đồng thời AI giúp cải tiến chất lượng sản phẩm và tối ưu hóa việc quản lý chuỗi cung ứng, từ việc dự báo tồn kho đến phân phối sản phẩm, giúp giảm thiểu lãng phí và nâng cao hiệu quả vận hành. Các giải pháp dựa trên AI có thể giúp doanh nghiệp không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn cải thiện hiệu quả hoạt động một cách rõ rệt.

z5868976032808_bc61e3e14e9df920e795500e37aa18f9

Talkshow “Tối ưu hóa sản xuất và thu hút đầu tư”

Phần sôi động của chương trinh là phần Talkshow với chủ đề “Tối ưu hóa sản xuất và thu hút đầu tư”, các diễn giả đã thảo luận về những cách thức giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm thiểu chi phí, và nâng cao năng suất nhờ ứng dụng công nghệ AI. Đồng thời, các giải pháp thu hút đầu tư để phát triển cơ sở chế biến cũng sẽ được chia sẻ chi tiết, giúp doanh nghiệp xây dựng các chiến lược kinh doanh bền vững và hiệu quả.

Hội thảo “Tư vấn, cung cấp thông tin và ứng dụng công nghệ AI cho xuất nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ” đã mang đến cho các doanh nghiệp Việt Nam những thông tin hữu ích và cơ hội mới trong việc tiếp cận một trong những thị trường khó tính nhất thế giới.

Việc ứng dụng AI trong quy trình xuất nhập khẩu không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí, mà còn giúp họ vượt qua những rào cản về pháp lý và kỹ thuật để cạnh tranh trên sân chơi toàn cầu. Trong bối cảnh thị trường Hoa Kỳ ngày càng khắt khe, việc nắm bắt công nghệ và cập nhật thông tin kịp thời sẽ là chìa khóa giúp doanh nghiệp Việt Nam tiến xa hơn trên con đường hội nhập và phát triển.

Bình luận