Những quy định liên quan đến việc quản lý, vận hành nhà chung cư vẫn còn là vấn đề được quan tâm, trao đổi nhiều nhất, tại Hội nghị Đối Thoại giữa Doanh nghiệp và Chính quyền Thành phố lần thứ 253, do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) phối hợp Sở Xây dựng Thành phố tổ chức, vào ngày ngày 15/11.
Buổi đối thoại thu hút hơn 400 đại diện của các doanh nghiệp đăng ký tham dự, tiếp nhận và giải đáp hơn 45 câu hỏi của doanh nghiệp liên quan đến các vấn đề về vướng mắc trong quá trình thành lập, hoạt động ban quản trị, trách nhiệm, quyền hạn đơn vị quản lý vận hành chung cư; vai trò trách nhiệm của chủ đầu tư; sử dụng đúng kinh phí bảo trì, bảo hành chung cư; thực hiện hợp đồng dịch vụ, xây dựng; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giá dịch vụ quản lý vận hành và các chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội cho thuê….
Chia sẻ việc hội nghị nhà chung cư nhiều lần không thực hiện do tỷ lệ người dân tham dự quá ít, không đủ 30% tổng số hộ dân đang cư trú, ông Trần Minh Trí, đại diện Ban quản lý chung cư Sài Gòn Royal Residence bày tỏ: Quy định để tổ chức hội nghị nhà chung cư chúng tôi đọc rất rõ, nhưng chúng tôi không tổ chức được, do luôn luôn bị thiếu tỷ lệ phần trăm số hộ dân tham dự, vấn đề này nằm ở chỗ quy chế, quy định quá chặt chẽ, nhưng người tham dự có nhiều kiểu là, có người đến mua để kinh doanh nên không quan tâm, hoặc có người có điều kiện mua nhà để đó cũng không tham dự và tỷ lệ 30% là xa xỉ. Khi không có đủ tỷ lệ thì việc quyết định nhà chung cư như thế nào nhất là những vấn đề cấp thiết.
Trả lời nội dung này, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục Trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng phân tích: Chúng ta tổ chức hội nghị chung cư để quyết định nhà của chúng ta, ví dụ như chúng ta có 100 nhà, mà có 10 người dự mà chúng ta cũng nói là quyết định cho 100 cái nhà thì rất là khó, nhất là kinh phí bảo trì, có những nhà đóng cả 100 nhưng không quyết được. Nên trong vấn đề này trách nhiệm của Ban quản trị rất cao, hạ tỷ lệ có thể tiến hành hội nghị xuống còn 30% là thấp lắm rồi, gần như chúng ta đã cho quyết định, để xử lý được, chứ việc đề xuất không cần tỷ lệ hoặc thấp hơn thì sẽ ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khác, chúng ta không thể đem tiểu số để quyết được. Chỉ có cách là phải vận động, tuyên truyền cho người dân thấy rõ được họ có quyền và trách nhiệm về việc này.
Thông tin những điểm mới của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, có hiệu lực từ ngày 01/8/2024, ông Vương Duy Dũng – Phó Cục Trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng, Luật có nhiều thay đổi, tác động mạnh mẽ tới thị trường bất động sản với một số điểm mới như: đặt cọc mua nhà hình thành trong tương lai không quá 5% giá bán; Giảm số tiền thanh toán trước khi thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai; Cá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ không phải thành lập công ty và hướng dẫn việc thực hiện các thủ tục trong quá trình giao dịch như hợp đồng mua bán…
Cụ thể, Hợp đồng kinh doanh bất động sản thì theo Luật, và theo Nghị định 96 ban hành. Các mẫu hợp đồng này quy định nội dung chính và khi thực hiện chúng ta phải thực hiện theo mẫu. Còn được nhiên, trong thực tế của doanh nghiệp sử dụng trong giao dịch bất động sản thì ngoài những nội dung này vẫn có thể bổ sung những nội dung đặc thù khác chứ không phải bắt buộc là tuyệt đối nguyên si như mẫu đó.
Bên cạnh trả lời vướng mắc của các doanh nghiệp tại Hội nghị, đại diện Lãnh đạo Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản – Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng Thành phố đã phổ biến, hướng dẫn các quy định mới của pháp luật về nhà ở và kinh doanh bất động sản cho các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương; giải thích chi tiết, cụ thể các chính sách, quy định pháp luật, góp phần tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp Thành phố trong việc thực thi các chính sách của Nhà nước một cách kịp thời, nhanh gọn và hiệu quả.
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TPHCM nhấn mạnh: Đối với nhánh nhà ở và kinh doanh bất động sản thì phải dựa trên hai luật: Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản và 5 nghị định kèm theo. Nghị định 94 liên quan đến các thông tin của thị trường bất động sản; Nghị định 95 là hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở 2023; Nghị định 96/2024 là hướng dẫn thi hành Luật kinh doanh bất động sản của năm 2023; Nghị định 98 liên quan đến cải tạo và xây dựng nhà chung cư và Nghị định 100 liên quan đến quản lý và phát triển nhà ở xã hội. Hai luật và 5 nghị định này rất quan trọng để chúng ta điều chỉnh nội dung liên quan đến thị trường nhà ở và thị trường bất động sản trên phạm vi cả nước và đặc biệt là tại TPHCM.
Đây là hội nghị lần thứ hai có đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng, nhưng người trực tiếp làm Luật đến triển khai Luật Nhà ở 2023 và Luật kinh doanh bất động sản 2024, tại TPHCM. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên ngành chức năng phổ biến sâu rộng đến các đối tượng là doanh nghiệp, các hiệp hội, người dân có liên quan, đưa Luật đi sâu vào cuộc sống.
Ông Đào Minh Chánh, Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM cho biết thêm: Hội nghị cũng là dịp để giải đáp các khó khăn, vướng mắc mà cộng đồng doanh nghiệp Thành phố gặp phải trong quá trình thực hiện, từ đó góp phần tạo lập một môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thông thoáng, và bình đẳng; tạo sự thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và người dân trong việc tiếp cận các thủ tục, dịch vụ công, đồng thời huy động tối đa nguồn lực trong và ngoài nước để phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội TPHCM.