Tiêu điểm: Nhân Humanity

Thị trường gạo Singapore 2024: Việt Nam mất vị thế dẫn đầu

VOH - Việt Nam tụt xuống vị trí đối tác xuất khẩu gạo lớn thứ 3 của Singapore, sau Ấn Độ và Thái Lan.

Theo thống kê từ Cơ quan Quản lý doanh nghiệp Singapore, năm 2024, tổng giá trị nhập khẩu gạo của Singapore đạt hơn 456,2 triệu SGD, tăng 10,73% so với năm 2023. Tổng khối lượng gạo nhập khẩu cũng tăng trưởng 3,77%, đạt khoảng 589.675 tấn.

Thị trường này chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của một số nhóm gạo, đặc biệt là gạo nếp (tăng 185,82%), gạo thơm xay xát (tăng 35,6%) và gạo đồ (tăng 73,12%). Tuy nhiên, nhóm gạo tẻ trắng chiếm thị phần lớn nhất lại chứng kiến sự sụt giảm 16,5%.

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ ba vào Singapore trong năm 2024, với kim ngạch đạt 128,9 triệu SGD, chiếm 28,25% thị phần.

Mặc dù xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường này vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là các nhóm gạo nếp, gạo vỡ và gạo thơm xay xát, nhưng gạo tẻ trắng nhóm gạo chủ lực của Việt Nam chỉ tăng nhẹ 0,24%. Điều này khiến Việt Nam mất vị thế dẫn đầu trên thị trường gạo Singapore, nhường chỗ cho Ấn Độ và Thái Lan.

1-2-1663749338743519077468-1664330197534586976009
Việt Nam tụt xuống vị trí đối tác xuất khẩu gạo lớn thứ 3 của Singapore, sau Ấn Độ và Thái Lan

Ấn Độ và Thái Lan đều là những đối thủ mạnh với kim ngạch xuất khẩu lần lượt là 148,19 triệu SGD và 137,75 triệu SGD. Thị phần của ba quốc gia này (Việt Nam, Ấn Độ và Thái Lan) chiếm tới 90,93% tổng thị phần gạo tại Singapore. Đây là một sự cạnh tranh gay gắt mà Việt Nam cần phải chú trọng nếu muốn duy trì và gia tăng thị phần của mình.

Mặc dù gạo tẻ trắng chỉ có mức tăng khiêm tốn, các nhóm gạo khác của Việt Nam lại cho thấy sự tăng trưởng ấn tượng.

Gạo nếp với kim ngạch 14,25 triệu SGD có sự bùng nổ mạnh mẽ, tăng hơn 4,6 lần so với năm trước. Gạo vỡ cũng đạt kim ngạch 2,6 triệu SGD, tăng 113,63%. Đặc biệt, gạo thơm xay xát hoặc tróc vỏ đạt 44,89 triệu SGD, tăng 65,73% so với năm 2023.

Trong khi đó, nhóm gạo lứt thường của Việt Nam gặp khó khăn khi giảm 34,29%, chỉ đạt kim ngạch 322.000 SGD. Điều này phản ánh nhu cầu không ổn định đối với nhóm gạo này tại thị trường Singapore, một trong những thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng.

Thị trường gạo Singapore không chỉ có sự cạnh tranh giữa các nhà xuất khẩu gạo mà còn liên quan đến các chiến lược quảng bá và tiếp thị. Ấn Độ chiếm ưu thế tuyệt đối trong các nhóm gạo đồ (chiếm 99,48%) và gạo basmati (chiếm 97,17%), trong khi Thái Lan chiếm lĩnh các nhóm gạo lứt homali và gạo trắng homali, với thị phần lần lượt là 94,86% và 97,35%. Nhật Bản lại chiếm ưu thế với nhóm gạo lứt thường (75,82%).

Các quốc gia này không chỉ chú trọng chất lượng sản phẩm mà còn rất mạnh mẽ trong việc quảng bá thương hiệu và sản phẩm của mình tại Singapore.

Việt Nam lại gặp khó khăn trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu gạo tại thị trường này. Phần lớn các sản phẩm gạo Việt Nam ở Singapore đều không có bao bì hoặc thương hiệu rõ ràng và chủ yếu tiêu thụ qua các cửa hàng tiện ích nhỏ hoặc hệ thống bán hàng trực tuyến của người Việt.

Thị trường gạo Singapore có sự quản lý rất chặt chẽ từ Chính phủ, bao gồm cả việc kiểm tra chất lượng gạo trước khi đưa ra thị trường. Điều này đòi hỏi các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam cần cải thiện hơn nữa về chất lượng và bao bì sản phẩm.

Một trong những yếu tố quan trọng để Việt Nam có thể gia tăng thị phần gạo tại Singapore là tăng cường hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại. Hiện nay, các hoạt động xúc tiến thương mại tại Singapore chủ yếu được thực hiện qua Thương vụ Việt Nam, trong khi các quốc gia như Thái Lan, Nhật Bản và Ấn Độ rất chú trọng vào việc xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm của mình.

Việc thiếu vắng các chiến lược quảng bá quy mô lớn từ các doanh nghiệp gạo Việt Nam đã khiến cho sản phẩm gạo Việt Nam chưa thật sự nổi bật và khó cạnh tranh với các sản phẩm gạo đến từ các nước khác.

Bình luận