Tiêu điểm: Nhân Humanity

Thứ trưởng Bộ công thương: tạo thuận lợi để doanh nghiệp dệt may giao thương quốc tế

VOH - Sáng 28/2, Triển lãm Quốc tế ngành Dệt may và Công nghệ Dệt may 2024 (VIATT 2024) khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC).

Sự kiện do Cục Xúc Tiến thương mại – Bộ Công thương phối hợp với Tập đoàn Messe Frankfurt (Đức) tổ chức, diễn ra từ nay đến ngày 1/3.

Phát biểu khai mạc, ông Wendy, Giám đốc điều hành Tập đoàn Messe Frankfurt nhận định: bất chấp những biến động toàn cầu, ngành dệt may đã chứng tỏ được khả năng phục hồi mạnh mẽ. 

Triển lãm Quốc tế ngành Dệt may và Công nghệ Dệt may 2024 (VIATT 2024) lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam cho toàn bộ chuỗi cung ứng dệt may, từ vải may mặc, sợi và xơ, đến hàng may mặc, hàng dệt gia dụng, hàng dệt kỹ thuật và vải không dệt, gia công dệt may và công nghệ in ấn.

Triển lãm quy tụ các doanh nghiệp dệt may từ khắp châu Á, châu  Âu đến từ 16 quốc gia và khu vực: Bulgaria, Trung Quốc, Đức, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Thụy Sĩ, Anh, Mỹ và Việt Nam.

VIATT 2024: tạo thuận lợi để các doanh nghiệp dệt may Việt Nam giao thương với quốc tế 1
Khai mạc Triển lãm Quốc tế ngành Dệt may và Công nghệ Dệt may 2024 (VIATT 2024)  - Ảnh: Lệ Loan

Theo ông Wendy: "VIATT 2024 định hình tương lai của ngành dệt may Đông Nam Á bằng cách kết nối 500.000 chuyên gia trong ngành, cung cấp nền tảng đa dạng, toàn diện cho chuỗi cung ứng dệt may tích hợp, nguồn cung ứng đa dạng.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc Tiến thương mại – Bộ Công thương nhận định: "Thông qua triển lãm, hy vọng sẽ kết nối được giữa những nhà sản xuất, cung cấp sản phẩm, gia công hàng dệt may trong nước với những nhà mua hàng nước ngoài và ngược lại…".

VIATT 2024: tạo thuận lợi để các doanh nghiệp dệt may Việt Nam giao thương với quốc tế 2
Lãnh đạo Bộ, Cục cùng đông đảo khách mời là doanh nghiệp, chuyên gia tham dự - Ảnh: Lệ Loan

Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương bày tỏ kỳ vọng triển lãm VIATT 2024 sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may Việt Nam tham gia vào chuỗi kết nối giao thương với các doanh nghiệp quốc tế; hình thành liên kết xuyên chuỗi giá trị từ khâu sản xuất nguyên liệu, phụ liệu đến sản phẩm cuối cùng.

Khuyến khích các thương hiệu lớn trên thế giới chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý và tham gia vào quá trình phát triển nguồn cung nguyên liệu, phụ liệu hình thành chuỗi cung ứng trong nước.

Ngành dệt may Việt Nam là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực, giữ vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, chiếm 12–16% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Ngành dệt may Việt Nam hiện sử dụng hơn 2 triệu lao động công nghiệp, chiếm tỷ trọng trên 10% lao động công nghiệp.

Trong năm 2023, ngành dệt may Việt Nam đạt khoảng 40,3 tỉ đô la Mỹ, đã giảm hơn 9,2% so với năm 2022. Điểm ghi nhận nổi bật của ngành này là bứt phá về thị trường Mỹ. Đây vẫn là thị trường xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất của Việt Nam, tiếp đó đến Nhật Bản, Hàn Quốc và khối EU.

Bình luận