Chờ...

Tìm giải pháp để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp

(VOH) - "Cần có hành lan pháp lý cụ thể hơn nữa cũng như sửa đổi Nghị định 153 để làm lành mạnh hoá thị trường trái phiếu doanh nghiệp”.

Đây là nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, đại diện công ty chứng khoán tham gia trong tọa đàm “Phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp” do báo Người Lao động tổ chức vào sáng 19/4.

trái phiếu doanh nghiệp
Nhiều chuyên gia nhận định, cần khắc phục lỗi để thị trường phát triển lành mạnh hơn.

Những năm gần đây, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn ngày càng trở thành kênh dẫn vốn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh tín dụng trung dài hạn của ngân hàng thu hẹp; các ngân hàng từng bước giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định.

Nếu năm 2017, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 4,9% GDP thì đến năm 2021, con số này đã tăng lên tới 16,6% GDP. Đặc biệt, trong 2 năm gần đây đây, có thực trạng nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất cao gấp đôi lãi suất tiền gửi để thu hút vốn. Doanh nghiệp huy động được vốn cho sản xuất, kinh doanh, đầu tư… nhưng tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư, cho thị trường.

Xem thêm: Nhà đầu tư cần nhận diện rủi ro khi mua trái phiếu doanh nghiệp

Theo TS Lê Đạt Chí - Trường Đại học Kinh tế TPHCM, hiện có đến 60% người mua trái phiếu doanh nghiệp là ngân hàng. Thực tế, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản hướng dẫn hệ thống ngân hàng trong vấn đề nắm giữ trái phiếu của doanh nghiệp, bởi nhà đầu tư nắm giữ phần lớn lượng trái phiếu doanh nghiệp là ngân hàng sẽ rất rủi ro.

“Theo tôi, nếu Chính phủ muốn phát triển thị trường nợ như kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế thì khi sửa đổi Nghị định 153 phải lưu ý ngoài chủ thể là thị trường sơ cấp, và người mua trái phiếu phát hành riêng lẻ thì khi công cụ này được giao dịch, mua bán trên thị trường thứ cấp sau đó, ai sẽ mua đi bán lại, rủi ro thế nào, cần phải được làm rõ…? Để tạo động lực tăng trưởng kinh tế, Chính phủ thời gian qua đã có một số động thái và chúng ta kỳ vọng trong lần sửa đổi này sẽ khắc phục những rủi ro, nguy cơ hiện nay” -  TS Lê Đạt Chí nhấn mạnh.

Còn theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á, chuyện phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp hiện nay là tự vay và tự trả nên không có cơ chế kiểm soát dòng vốn sau phát hành. Và sau khi phát hành xong, các kênh như ngân hàng, công ty chứng khoán tiếp tục phân phối trái phiếu thông qua kênh bán lẻ của họ, thậm chí chào mời cả những nhà đầu tư đã gửi tiết kiệm.

Vị này cũng phân tích chi tiết rằng: “Thay vì gởi tiết kiệm nhận được lãi suất 6%/ năm, một bộ phận cán bộ ngân hàng thuyết phục khách hàng nên mua trái phiếu doanh nghiệp để nhận lãi suất 12%/năm và có thêm nguồn tín dụng. Đây là kẽ hở cần phải sớm khắc phục bởi nhiều nhà đầu tư F0 hiện nay, có người còn không biết đọc báo cáo tài chính thì đầu tư làm gì? Và rủi ro không chỉ có nhà đầu tư nhận mà còn làm nhũng nhiễu thị trường”.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, chỉ tính riêng trong năm 2021, lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp bằng cả giai đoạn 2011-2018, trong đó 95% là phát hành riêng lẻ, 5% phát hành ra công chúng.

“Tôi băn khoăn số lượng trái phiếu doanh nghiệp tăng đột biến mà năng lực phân phối, bán trái phiếu của doanh nghiệp, ngân hàng vẫn rất tốt. Pháp luật hiện nay quy định điều kiện phát hành riêng lẻ luôn thấp hơn phát hành công chúng. Trước kia, nhà đầu tư cá nhân không quan tâm nhiều đến kênh trái phiếu doanh nghiệp mà chỉ quan tâm kênh cổ phiếu. Vấn đề ở chỗ là tại sao doanh nghiệp lại phát hành riêng lẻ nhiều như vậy? Trong khi nhà đầu tư cá nhân mua chỉ chiếm chưa đến 9% lượng trái phiếu phát hành. Ngoài ra, còn có nguyên nhân do chúng ta nới rộng định nghĩa nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, không chỉ tổ chức mà còn doanh nghiệp khác, nhà đầu tư cá nhân sở hữu danh mục đầu tư cổ phiếu. Do vậy, nhà đầu tư phải có trách nhiệm cao trong phân tích đánh giá rủi ro của bên phát hành” - Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM bày tỏ sự lo ngại.

thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ cho rằng, cần nâng chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Tại buổi tọa đàm, nhiều chuyên gia cũng nhận định, thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam còn non trẻ, quy mô chưa lớn, chưa có nhiều kinh nghiệm so với nhiều quốc gia khác. Do vậy, chắc chắn sẽ có kẽ hở. Nhận diện được sẽ góp phần giúp các cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ hơn để tương lai có thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, công khai, minh bạch hơn.

TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, cũng đề xuất một số giải pháp chính cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Cụ thể, cần phải xử lý những vụ việc vi phạm xảy ra trong thời gian qua nhằm tạo niềm tin cho thị trường, cho trái chủ và những người có liên quan, dù không đầu tư trái phiếu.

Thứ hai, cần củng cố hành lang pháp lý chặt chẽ hơn. Ở bất cứ nước nào, lĩnh vực nào thì pháp lý cũng đi sau thực tế, nếu thấy có vấn đề trên thực tế thì cần điều chỉnh ngay. Thứ ba, cần nâng cao chất lượng nhà đầu tư vì trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có tâm lý "bầy đàn", rất nguy hiểm…

Đồng tình với đề xuất này, TS Cấn Văn Lực cho rằng, tiêu chí, tiêu chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng cần nâng lên. Đặc biệt, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý, trong lần sửa đổi Nghị định 153. Song song đó, cần tăng chất lượng nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân. "Vì hiện nay, giáo dục tài chính hiện nay còn bỏ ngỏ, còn xét cho cùng, để cho thị trường chứng khoán phát triển, thì cần chuyên nghiệp - minh bạch và trên nền tảng thị trường, thay vì biện pháp hành chính quá nhiều", ông Lực nói.