Tiêu điểm: Nhân Humanity

Triển vọng phục hồi sản xuất – kinh doanh của Ấn Độ và Việt Nam trong giai đoạn COVID-19

(VOH) - Quản lý sản xuất, nhân sự; nguồn nguyên liệu, dòng vốn, chăm sóc khách hàng, chuỗi cung ứng theo mô hình ‘4 tại chỗ’ để đảm bảo phục hồi sản xuất, kinh doanh trong và sau đại dịch COVID-19.
Triển vọng phục hồi sản xuất – kinh doanh của Ấn Độ và Việt Nam trong giai đoạn COVID-19 1
Trao đổi trực tuyến về phục hồi sản xuất – kinh doanh của Ấn Độ và Việt Nam trong giai đoạn COVID-19

Ngày 9/11/2021, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam (INCHAM) và Cơ quan Xúc tiến đầu tư của Ấn Độ (Invest India) đồng tổ chức buổi ‘Trao đổi trực tuyến: Những kinh nghiệm thực tế về phục hồi sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp Ấn Độ và Việt Nam trong giai đoạn COVID-19’.

Buổi trao đổi trực tuyến có sự tham gia của ông Madan Mohan Sethi - Tổng lãnh sự Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện các vị lãnh đạo các ban ngành của Ấn Độ và Việt Nam cùng khoảng 100 đại biểu, doanh nghiệp Ấn Độ và Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Chương trình được tổ chức nhằm mục đích là tạo cơ hội cho doanh nghiệp hai nước Ấn Độ và Việt nam chia sẻ kinh nghiệm khắc phục những khó khăn trong sản xuất và kinh doanh để vượt qua giai đoạn COVID-19 vừa qua.

Triển vọng phục hồi sản xuất – kinh doanh của Ấn Độ và Việt Nam trong giai đoạn COVID-19 2
Ông Madan Mohan Sethi - Tổng Lãnh Sự Ấn Độ phát biểu tại buổi trực tuyến

Phát biểu khai mạc tại sự kiện trao đổi giữa doanh nghiệp hai nước sau khoảng thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch, Tổng lãnh sự Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Madan Mohan Sethi nhận định rằng đại dịch COVID-19 đã gây gián đoạn cho mọi lĩnh vực trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng này cũng tạo cơ hội để các doanh nghiệp đổi mới và ứng dụng công nghệ trong các quy trình công nghiệp và ngoài công nghiệp để nâng cao năng suất. Ông cũng chia sẻ về sự quan tâm đặc biệt của các hiệp hội doanh nghiệp Ấn Độ trong việc tổ chức đưa các phái đoàn thương mại đến TP.HCM sau khi đường bay quốc tế được mở cửa trở lại để thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia.

Triển vọng phục hồi sản xuất – kinh doanh của Ấn Độ và Việt Nam trong giai đoạn COVID-19 3
Bà Cao Thị Phi Vân - Phó Giám đốc ITPC HCM

Chia sẻ tại buổi trao đổi trực tuyến, bà Cao Thị Phi Vân- Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) nhìn nhận, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tất cả các doanh nghiệp tại TP.HCM do lực lượng lao động và chuỗi cung ứng bị gián đoạn, các chi phí phát sinh, v.v. Do đó, việc các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi và học hỏi lẫn nhau về cách thức khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh là vô cùng cần thiết. Bà cũng cho biết Ấn Độ hiện có 639 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư trị giá 159 triệu đô la Mỹ.

Triển vọng phục hồi sản xuất – kinh doanh của Ấn Độ và Việt Nam trong giai đoạn COVID-19 4
Bà Rimjhim Sharma, Invest India

Đại diện của Cơ quan Xúc tiến đầu tư của Ấn Độ (Invest India), bà Rimjhim Sharma, Chuyên gia Đầu tư cao cấp cũng chia sẻ về sự phục hồi kì diệu của Ấn Độ sau làn sóng COVID-19 thứ hai ở nước này trên mọi lĩnh vực bao gồm các sản phẩm công nghiệp, sản phẩm tiêu dùng và các dịch vụ xuất khẩu, bán lẻ...

Theo bà, Ấn Độ có thể nhanh chóng hồi phục nền kinh tế là nhờ các biện pháp phòng chống COVID-19 hiệu quả, bao gồm việc tiêm vắc xin và xét nghiệm nhanh trên diện rộng, cùng với nhiều chính sách thúc đẩy phục hồi kinh tế kịp thời.

Chia sẻ và trao đổi tại hội nghị trực, ông Sanjay Jain – Giám đốc tài chính, Công ty Wipro Consumer Care Việt Nam (tỉnh Bình Dương); ông Dheeraj Puri – Đồng chủ tịch, Phòng Thương mại Ấn Độ (khu vực phía Bắc); ông Manish Ranjan – CEO, Công ty Nano Health (Ấn Độ); bà Phạm Thị Diễm Lệ – Giám đốc, Công ty Qtorganic (tỉnh Quảng Trị); và bà Catherine Tran - Giám đốc, Công ty TNHH Quốc tế Leong Lee (thành phố Hồ Chí Minh) đã cùng chia sẻ kinh nghiệm quản lý sản xuất, nhân sự; nguồn nguyên liệu sản xuất, dòng vốn, chăm sóc khách hàng, chuỗi cung ứng cũng như kinh nghiệm tổ chức và quản lý theo mô hình ‘4 tại chỗ’ để đảm bảo phục hồi sản xuất, kinh doanh trong và sau đại dịch COVID – 19.

Chương trình cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến, câu hỏi của các đại biểu và doanh nghiệp tham dự về các vấn đề như giải pháp chuyển đổi số, phục hồi chuỗi cung ứng cũng như thu hút vốn đầu tư, nguồn khách hàng, v.v. cho doanh nghiệp sau đại dịch COVID-19 và ban tổ chức cũng đã ghi nhận và phản hồi những thông tin đó một cách kịp thời.

Bình luận