Chờ...

Ứng dụng mua sắm trực tuyến tại TPHCM: Xu hướng của cuộc sống hiện đại

TPHCM - Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt, việc áp dụng công nghệ số không chỉ là một lựa chọn mà đã trở thành con đường tất yếu cho sự phát triển.

Thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng ấn tượng

Ngành thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam đang bùng nổ mạnh mẽ, đặc biệt là tại các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội.

Theo báo cáo "Thị trường TMĐT - Thời của mua sắm và giải trí" của Kirin Capital vào tháng 4/2024, số lượng khách hàng Việt Nam lựa chọn mua sắm online chiếm tới 50%. Điều này cho thấy sự chuyển mình rõ rệt trong thói quen tiêu dùng của người dân, đặc biệt là giới trẻ.

Thống kê cho thấy 61% người tiêu dùng lựa chọn các sàn TMĐT như Shopee, Lazada, Tiktok Shop; 55% qua mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo; và 34% qua các website thương mại điện tử. Đặc biệt, 91% người tiêu dùng trực tuyến sử dụng điện thoại di động để đặt hàng, cho thấy rằng ứng dụng mua sắm trên điện thoại đang trở thành công cụ chủ lực trong thói quen tiêu dùng của người dân.

Những con số này không chỉ phản ánh xu hướng mua sắm mà còn cho thấy TMĐT đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Người tiêu dùng giờ đây có thể dễ dàng mua sắm từ bất kỳ đâu, chỉ cần một chiếc smartphone và kết nối internet.

tmdt
Thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng ấn tượng thời gian qua - Ảnh minh họa 

Tiện ích của mua sắm online

Mua sắm online mang lại rất nhiều tiện ích cho người tiêu dùng. Không còn phải mất thời gian di chuyển đến các cửa hàng, chỉ với vài cú nhấp chuột, khách hàng có thể lựa chọn và đặt hàng từ hàng triệu sản phẩm. 

Đặc biệt, việc săn hàng khuyến mãi trên các ứng dụng này đã trở thành thói quen của nhiều người, khiến người dùng cảm thấy thích thú và hào hứng hơn với việc mua sắm.

Thời gian giao hàng nhanh chóng, sự đa dạng về sản phẩm và giá cả cạnh tranh cũng là những yếu tố thu hút người tiêu dùng. Điều quan trọng là người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chất lượng sản phẩm và độ tin cậy của các trang web thương mại điện tử. Điều này cho thấy nhu cầu cao về việc nâng cao trải nghiệm mua sắm trực tuyến.

Xu hướng thanh toán trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến, không chỉ qua các ứng dụng ngân hàng mà còn qua các ví điện tử. Các ví điện tử như Momo, Zalo Pay, Viettel Pay, Appota Pay cũng đang thu hút một lượng người dùng khổng lồ, nhờ vào tính tiện lợi và độ an toàn trong giao dịch. Việc thanh toán dễ dàng và nhanh chóng giúp người tiêu dùng cảm thấy thoải mái hơn khi mua sắm online.

Chị Châu Nguyễn (Nhân viên văn phòng, quận 1) chia sẻ: “Mình thích mua sắm online vì sự linh hoạt. Các cửa hàng trực tuyến không có ngày nghỉ, không giới hạn thời gian đóng mở cửa. Mình có thể chủ động về thời điểm mua sắm. Bất cứ khi nào, bất cứ nơi đâu, dù 1 giờ trưa hay 12 giờ khuya, vẫn có thể lướt web và đặt hàng. Việc này quá thuận lợi cho nhân viên văn phòng thường không có nhiều thời gian rảnh để di chuyển”.

mua-sam-online
Chị Châu Nguyễn thường xuyên mua sắm online do tính chất công việc không có nhiều thời gian di chuyển - Ảnh: H.Nhung

Thanh toán không tiền mặt

Dịch Covid-19 thực sự thay đổi người tiêu dùng Việt và tâm lý mua sắm. Có đến 65% dân số mang ít tiền mặt hơn sau Covid-19. 13,7 ngày là số ngày trung bình không dùng tiền mặt của người tiêu dùng Việt Nam năm 2023.

Khi mua sắm online, khách hàng có thể thanh toán trực tiếp đơn hàng trước và có thể được hoàn tiền nếu không hài lòng với sản phẩm. Việc này càng kích thích và gia tăng nhu cầu mua sắm của người dùng.

Theo anh Bảo Thắng, chủ shop August8club, kinh doanh quần áo thời trang ở TPHCM, liên kết bán hàng trên trang thương mại điện tử, cho rằng: “Thanh toán online giúp khách hàng mua sản phẩm nhanh chóng hơn. Khách hàng có thể thanh toán tiện lợi, nhận nhiều mã giảm, giảm thiểu tình trạng “bỏ giỏ hàng”, thúc đẩy khách hàng hoàn tất giao dịch. Thanh toán online còn giúp tiếp cận nhiều khách hàng tiềm năng hơn, đặc biệt là những người trẻ tuổi ưa chuộng công nghệ hiện đại khi giao dịch”.

Những thách thức cần đối mặt

Mua sắm trực tuyến tại TPHCM đang trên đà phát triển mạnh mẽ và trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống hiện đại. Sự gia tăng của các ứng dụng mua sắm không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế.

Bên cạnh những lợi ích mang lại, hoạt động mua sắm trực tuyến còn tiềm ẩn một số rủi ro cho người tiêu dùng. Nhiều người tiêu dùng gặp phải nhiều trở ngại như: Rủi ro về tài chính, sản phẩm chất lượng kém, bị lộ thông tin, vận chuyển và giao nhận kém…

Hành trình chuyển đổi số không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng. Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc phát triển ngành TMĐT, như thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng hạ tầng công nghệ vững chắc và hoàn thiện khung pháp lý. Những vấn đề này cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự dẫn dắt của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn và các cấp quản lý Nhà nước.

Tại Quyết định 505/QĐ-TTg ngày 22/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Chuyển đổi số quốc gia đã quyết định ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Đây là ngày để đánh giá, nhìn nhận và đẩy nhanh các hành động với một tầm nhìn 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới.