Tiêu điểm: Nhân Humanity

Vấn nạn hàng gian, hàng giả, hàng nhái!

Hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang có mặt tràn lan trên thị trường, từ thành thị cho tới nông thôn với thủ đoạn làm giả ngày càng tinh vi.

Vấn nạn này đã gây ra nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp, rủi ro cho người tiêu dùng và gây bất ổn thị trường khi có sự cạnh tranh không lành mạnh. Song để phòng chống vấn nạn này thì cần phải có sự chung tay cùng vào cuộc của toàn xã hội.

Mới đây, khi mua một hộp kem dưỡng ẩm da tại khu chợ tạm gần nhà, chị Thái Thị Phương Thúy, ngụ ở quận 4 phát hiện lớp kem mặt sần sùi, không láng, mịn và có mùi khác lạ so với sản phẩm cùng loại mà trước đây chị đã từng sử dụng. Cẩn thận kiểm tra kỹ hơn thì thấy ngoài bao bì nhãn mác rất giống nhau, chỉ khác chút ít về cách in ngày tháng sản xuất và hạn sử dụng trên đáy hộp. Lo lắng, chị vào địa chỉ trang web của nhà sản xuất thì được biết, sản phẩm thật in ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng bằng công nghệ khắc tia laze nên không thể bôi, tẩy xóa. Từ đó, chị chắc chắn sản phẩm mình mua là hàng giả và không dám sử dụng. 

"Xem như tôi bị mất gần 200.000 đồng cho hộp kem dưỡng da bị làm giả này, nhưng cũng còn may là tôi chưa xài. Chứ nếu như lỡ mà tôi bôi lên mặt thì hổng biết hậu quả sẽ như thế nào nữa. Thật sự tôi rất hoang mang, lúng túng vì rất khó có thể phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả nếu chỉ nhìn sơ qua bằng mắt thường", chị Thúy nói.

Mỹ phẩm giả, nhái với nhiều giá tiền khác nhau bán công khai tại các khu chợ. Ảnh: VOV

Trong lĩnh vực mỹ phẩm, hàng giả, hàng nhái, hàng không tem, nhãn, mác, không nguồn gốc, xuất xứ từ lâu đã trở thành vấn nạn. Vụ việc gần đây nhất khi ngành chức năng phát hiện và tạm giữ lô hàng mỹ phẩm lên tới 14.000 sản phẩm các loại trị giá hơn 11 tỷ đồng của một công ty kinh doanh khu vực phía Bắc càng làm dấy lên sự lo ngại về vấn nạn này. Trong khi đó, đối với những doanh nghiệp làm ăn chân chính, việc sản phẩm bị làm giả, làm nhái đã gây quá nhiều thiệt hại.

Bà Phạm Thị Đào, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất mỹ phẩm Anh Đào - Sứ Tiên bức xúc, nhiều mặt hàng của công ty đã bị làm giả một cách tinh vi. Cụ thể là đối với 2 dòng sản phẩm dưỡng da trọng lượng 3g và 4g. Nếu nhìn sơ qua bằng mắt thường thì sản phẩm thật và sản phẩm giả rất giống nhau từ màu sắc, kiểu dáng cho đến logo. Chỉ khi công ty tiến hành phân tích thành phần nguyên liệu trong sản phẩm thì mới phát hiện đó là hàng bị làm giả. Nhưng để phát hiện, công ty đã mất rất nhiều công sức, chi phí cử nhân viên mật phục, phối hợp với các đại lý bán lẻ và sự vào cuộc của ngành chức năng cùng truy tìm thủ phạm. 

Còn theo ông Nguyễn Thanh Nghị, Giám đốc Công ty TNHH quốc tế Thanh Nghị, để làm ra sản phẩm “Nước súc miệng cai thuốc lá”, ông phải mất rất nhiều công sức để nghiên cứu, đầu tư chi phí bào chế và thậm chí là thời gian chờ đợi để ngành chức năng kiểm định, công bố đạt tiêu chuẩn, chất lượng mới đưa được sản phẩm ra thị trường tiêu thụ. Vậy mà chỉ sau khi lưu hành trong thời gian ngắn, sản phẩm của công ty bị làm giả một cách dễ dàng và bán sản phẩm công khai trên mạng. Điều này khiến ông lo ngại những thiệt hại cho công ty và lẫn người tiêu dùng.

"Khi khách hàng đặt hết niềm tin để sử dụng sản phẩm mà dùng phải hàng nhái, hàng giả thì không những không đảm bảo cai được thuốc lá mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của họ. Sau đó, khi mất lòng tin vào sản phẩm thì sẽ  ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh của công ty", ông Nghị cho biết.

Theo nhận định của ngành chức năng, hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hiện tràn lan khắp mọi nơi từ những khu chợ tạm, chợ tự phát, vùng sâu, vùng xa đến những trung tâm thương mại, siêu thị ở các thành phố lớn. Gần như tất cả các mặt hàng đều có thể bị làm giả, làm nhái. Không chỉ là hàng tiêu dùng, thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, rượu, quần áo mà cả hàng điện tử, máy móc, thiết bị đều bị làm giả, làm nhái. Từ  món hàng có giá trị thấp vài ngàn đồng cho tới những sản phẩm có giá trị cao lên đến hàng trăm triệu đồng. Công nghệ làm hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi, dễ dàng qua mắt được ngành chức năng, doanh nghiệp và lừa dối người tiêu dùng.

Ông Trần Thanh Kha, Giám đốc cao cấp Công ty NGK Nhật Bản bức xúc cho biết, sản phẩm bugi của công ty có danh tiếng trên thương trường mấy chục năm qua và hiện bị làm giả đến 20%, thậm chí mới đây còn phát hiện các đối tượng giả mạo cả công ty.

Ông Kha cho biết thêm chẳng những bị làm giả về mặt sản phẩm mà chúng còn làm giả cả công ty, màu sắc sản phẩm, thiết kế giống y như vậy. Có nghĩa đây là nhái thương hiệu, logo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây nhầm lẫn cho khách hàng. Thậm chí, những nhân viên của họ khi ra ngoài thị trường cũng mặc chiếc áo đồng phục nói là của công ty chúng tôi. 

Thống kê của ngành chức năng cũng cho thấy, tỷ lệ hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam chiếm hơn 20%. Số vụ việc vi phạm bị phát hiện không ngừng gia tăng. Không chỉ nhiều thương hiệu, sản phẩm được làm giả trong nước mà còn có cả những sản phẩm bị làm giả ở nước ngoài rồi đưa về thị trường nội địa tiêu thụ. Vấn nạn này đã và đang gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư làm ăn chân chính, mang lại nhiều  rủi ro, mất an toàn, tốn kém cho người tiêu dùng và gây bất ổn thị trường vì có sự cạnh tranh không lành mạnh.

Bình luận