Tiêu điểm: Nhân Humanity

Việt Nam điều tra chống bán phá giá thép cán nóng từ Ấn Độ, Trung Quốc

VOH - Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ.

Thời kỳ điều tra xác định hành vi bán phá giá và xác định thiệt hại là từ ngày 1/7/2023 đến ngày 30/6. Thời kỳ thu thập dữ liệu để đánh giá thiệt hại của ngành sản xuất trong nước là 3 năm, từ 1/7/2021 đến 30/6 năm nay.

ban-pha-gia-290724
Việt Nam điều tra chống bán phá giá thép cán nóng từ Ấn Độ, Trung Quốc

Bộ Công Thương cho biết, bên yêu cầu đã cung cấp các cơ sở hợp lý để chứng minh hành vi bán phá giá của hàng hóa được đề nghị điều tra. Đồng thời cung cấp dữ liệu để xác định biên độ bán phá giá của hàng hóa bị đề nghị điều tra từ Ấn Độ ở mức 22,27% và Trung Quốc ở mức 27,83%.

Quyết định tiến hành điều tra được ban hành căn cứ theo kết quả thẩm định đối với hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá được nộp đầy đủ và hợp lệ của Tập đoàn Hòa Phát và Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.

Các doanh nghiệp này mong muốn có biện pháp hỗ trợ chính đáng và công bằng cho doanh nghiệp sản xuất thép HRC trong nước trước làn sóng đổ bộ của thép Trung Quốc vào Việt Nam liên tục tăng những năm gần đây.

Theo số liệu từ cơ quan Hải quan, trong tháng 6, Việt Nam nhập khẩu 886.000 tấn thép cuộn cán nóng (HRC), bằng 151% sản xuất trong nước. Trong đó, lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 77%.

Giá nhập khẩu từ Trung Quốc bình quân là 560 USD/tấn, thấp hơn các quốc gia khác 45-108 USD/tấn.

Lũy kế 6 tháng, sản lượng thép HRC nhập khẩu lên đến gần 6 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ 2023. Lượng nhập khẩu này bằng 173% so với sản xuất trong nước.

Một số chuyên gia trong ngành thép cho rằng, dù Việt Nam đã sản xuất được sản phẩm HRC, nhưng vẫn không đủ để đáp ứng cho nhu cầu trong nước.

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, tổng nhu cầu HRC tại Việt Nam khoảng 12-13 triệu tấn/năm, nhưng công suất của các nhà máy sản xuất HRC trong nước hiện chỉ đạt 8,2 triệu tấn/năm. Như vậy, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu HRC để đáp ứng nhu cầu trong nước. 

HRC là sản phẩm đặc biệt quan trọng đối với ngành thép, là nguyên liệu đầu vào để sản xuất các sản phẩm tôn thép mạ kẽm, mạ lạnh, mạ màu, ống thép, các sản phẩm thép được sử dụng trong nhiều ứng dụng của ngành xây dựng, cơ khí và các ngành công nghiệp khác.

Bình luận