Tiêu điểm: Nhân Humanity

Yêu cầu các sở ngành tích cực hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt và tận dụng tốt cơ hội từ Hiệp định EVFTA

(VOH) - Chỉ còn 3 ngày nữa là Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được triển khai.

Hiện TPHCM và cả nước đang triển khai các giải pháp trong chương trình phục hồi kinh tế sau tác động của dịch COVID-19, tổng hợp các ý kiến đề xuất của các Hiệp hội, doanh nghiệp và sẽ chuyển thành hành động cụ thể trong quý 3 năm nay để đưa Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) trở thành nhân tố quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ kép: vừa triển khai các giải pháp để phục hồi kinh tế dưới tác động của dịch COVID-19, vừa đề cao cảnh giác phòng chống dịch COVID-19, góp phần tạo động lực, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho hay tại buổi Đối thoại giữa lãnh đạo TPHCM và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) về phát triển nền kinh tế và nắm bắt cơ hội từ EVFTA và giới thiệu Sách Trắng 2020 sáng nay 28/7 tại TPHCM.

Đối thoại để doanh nghiệp hiểu sâu hơn về thị trường châu Âu

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong khẳng định, đây là buổi đối thoại quan trọng để chúng ta hiểu sâu hơn về thị trường châu Âu với quy mô 500 triệu dân cũng như những thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt khi thực hiện hiệp định này.

nguyễn thành phong

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở ngành tích cực hỗ trợ doanh nghiệp.

Kết quả của buổi đối thoại hôm nay giúp chúng ta xác định được những rào cản trong nước và những yêu cầu từ phía châu Âu đặt ra đối với doanh nghiệp Việt Nam, qua đó hoạch định thêm những giải pháp mới nhằm thực thi hiệu quả Hiệp định, đóng góp nhiều hơn nữa cho kinh tế thành phố trong giai đoạn bình thường mới.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cho hay: “Đối với Thành phố, để đón đầu hiệp định, thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp như: hướng dẫn quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, tổ chức các chương trình đào tạo về thương hiệu hàng hóa, hướng dẫn quy trình thực hành về sản xuất nông nghiệp, tăng cường liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, phát huy hiệu quả các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt, ngày 30/6, Thành phố phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thi trường châu Âu nhằm giúp cho các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về pháp lý, chính sách ưu đãi của châu Âu, yêu cầu về chất lượng hàng hóa và chỉ dẫn địa lý…

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) nhận định, Hiệp định EVFTA tạo ra chuỗi cung ứng tiêu dùng, các nguyên vật liệu mới cho thị trường châu Âu. Ngược lại, thị trường Việt Nam đang rất cần những máy móc thiết bị tiên tiến đến từ châu Âu để đẩy mạnh xuất khẩu.

Ông Nguyễn Đặng Hiến đánh giá, Hiệp định EVFTA đã đem đến cơ hội vàng cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Ngược lại, Việt Nam là một điểm đến an toàn, mang đến nguồn nguyên vật liệu an toàn cho thị trường này.

EuroCham

Quang cảnh tại buổi Đối thoại giữa lãnh đạo TPHCM và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham).

Ông Nguyễn Đặng Hiến đề xuất, khi diện tích quy hoạch vùng nguyên liệu sạch của thành phố đã cạn kiệt, các doanh nghiệp thành phố cần liên kết với các doanh nghiệp ở các tỉnh thành khác để có vùng nguyên liệu sạch đáp ứng nhu cầu thị trường khó tính của châu Âu. Cùng với đó, UBND thành phố nên hỗ trợ vốn vay cho các doanh nghiệp để đầu tư vùng nguyên liệu sạch từ các tỉnh thành:

Cần tăng cường các chương trình xúc tiến thương mại để doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt để trao đổi, giao thương, mua bán. Nói không với doanh nghiệp không bảo đảm môi trường, không đem lại gía trị gia tăng lớn. TPHCM có chính sách đối với doanh nghiệp liên kết với các tỉnh thành để xây dựng vùng nguyên liệu sạch, hiện chính sách xây dựng vùng nguyên liệu sạch ở tỉnh không được hỗ trợ vay vốn. Từ đó, có thể có nguồn nguyên liệu truy xuất được nguồn gốc xuất xứ, tạo giá trị gia tăng lớn” - ông Nguyễn Đặng Hiến chia sẻ.

Việt Nam xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường thế giới 12 tỷ đô la năm 2019, riêng đồ gỗ xuất khẩu vào thị trường châu Âu là 1,4 tỷ đô la, chiếm 12%. Đây vẫn là thị trường đứng thứ 5 trong xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam, xuất khẩu vào thị trường này vẫn giữ mức ổn định.

Để giúp doanh nghiệp gỗ Việt Nam nắm bắt tốt hơn cơ hội từ Hiệp định EVFTA, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ khai trương sàn giao dịch thương mại điện tử. Đầu tháng 8 này, chúng tôi nỗ lực đưa khoảng 50 showroom xuất khẩu lên mạng. Với trung bình 1 showroom là khoảng 500m2 thì chúng ta có được khoảng 25.000m2 triển lãm, tương đương với 1 triển lãm. Cuối năm nay, chúng tôi đưa khoảng 100 showroom lên như vậy chúng ta có cơ hội trưng bày từ showroom này. Từ những hoạt động này, chúng tôi tạo ra sự kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam và châu Âu gần hơn”.

Doanh nghiệp hãy tin tưởng vào sự cải cách của thành phố

TPHCM hiện nay có 470.000 doanh nghiệp, nhưng chỉ có hơn 2% là doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký từ 100 tỷ đồng trở lên, còn lại hơn 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ yếu về quản trị. Ngoài ra, điều kiện về kỹ thuật cũng như chất lượng an toàn thực phẩm hiện nay luôn là yêu cầu tối thiểu được phía châu Âu đặt ra.

Chính vì thế đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đây là một trong những rào cản lớn. Do đó, theo Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong, doanh nghiệp phải đánh giá lại mình để khai thác lợi thế của chính mình. Thành phố sẽ tháo gỡ những vướng mắc trong thẩm quyền của mình. Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong bày tỏ hy vọng các doanh nghiệp tin tưởng vào sự cải cách của thành phố.

Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong yêu cầu: “Sở Công thương khẩn trương thực hiện các nội dung sau và trình UBND Thành phố trước ngày 15/8/2020; Tham mưu chương trình hành động của thành phố thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến 2035; tham mưu kế hoạch của thành phố hỗ trợ cho hơn 20.000 doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, đặc biệt là xuất sang thị trường EU. Thứ ba, tổ chức tập huấn chuyên sâu cho các doanh nghiệp về quy tắc xuất xứ hàng hóa. Thứ tư, tổng hợp các kiến nghị của doanh nghiệp tại buổi đối thoại hôm nay phân theo thẩm quyền thành phố, trung ương, các sở ngành thành phố và trả lời đến từng doanh nghiệp. Định kỳ hàng quý, tổng hợp các khó khăn của doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa sang thị trường châu Âu gởi cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp để thảo luận giải quyết trong tổ công tác liên ngành về đầu tư của thành phố”.

Ra mắt Sách Trắng EuroCham

Tại sự kiện này cũng diễn ra Lễ ra mắt Sách Trắng EuroCham phiên bản lần thứ 12. Sách Trắng là bản báo cáo thường niên tổng hợp các vấn đề và khuyến nghị về thương mại và đầu tư của EuroCham. Trong đó, 17 Tiểu ban Ngành nghề của EuroCham - phối hợp bởi các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau - cùng nêu ra các kiến nghị quan trọng nhất đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, các Tiểu ban cũng nhấn mạnh những cải cách cụ thể mà một khi được thực thi, sẽ giúp cải thiện môi trường kinh doanh trong các ngành công nghiệp và tăng cường thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.

Ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch EuroCham cho hay, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong vài thập kỷ qua trong việc hợp lý hóa các điều kiện, củng cố môi trường kinh doanh và hiện đại hóa khung pháp lý. Thách thức trong tương lai là việc đảm bảo quá trình thực thi Hiệp định sẽ diễn ra suôn sẻ và hiệu quả. Các nhà chức trách phía Việt Nam và Liên minh châu Âu đã cung cấp các công cụ pháp lý giúp mở ra một làn sóng thương mại và đầu tư mới. Tuy nhiên, thỏa thuận này đạt được thành công hay không phụ thuộc vào nỗ lực từ phía chúng ta.

Mục đích của Sách Trắng 2020 là hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và chính quyền địa phương trong quá trình cải cách hành chính. Tất cả các vấn đề trong Sách trắng, một khi được đưa vào thực thi, sẽ giúp cho Việt Nam và - đặc biệt là TPHCM, trung tâm kinh tế của đất nước - trở thành môi trường kinh doanh cởi mở, cạnh tranh và hấp dẫn hơn cho các doanh nghiệp”- ông Jean-Jacques Bouflet nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Lệ Loan

Vai trò của truyền thông quan trọng trong EVFTA - EVFTA bắt đầu có hiệu lực từ đầu tháng 8/2020 được cho là cơ hội lớn với cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và Việt Nam nói chung.

Bất động sản công nghiệp trong nước sẽ khởi sắc nhờ Hiệp định EVFTA - Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) dự báo sẽ thúc đẩy những biến chuyển tích cực cho thị trường bất động sản công nghiệp trong nước.

Bình luận