Tiêu điểm: Nhân Humanity

Ngành Thông tin & Truyền thông TPHCM: Những dấu son kết nối

(VOH) - Ngày 19/2/2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 258/QĐ-TTg lấy ngày 28/8 hàng năm là Ngày truyền thống ngành Thông tin & Truyền thông.

Đây là dịp khẳng định vai trò, vị trí của ngành đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, góp phần đảm bảo an ninh - quốc phòng của đất nước và hội nhập quốc tế.

Trải qua 76 năm xây dựng và phát triển (28/8/1945 – 28/8/2021), ngành Thông tin & Truyền thông Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong tất cả nhiều lĩnh vực. Cùng với cả nước, Sở Thông tin & Truyền thông TPHCM, đã không ngừng lớn mạnh toàn diện, là đơn vị đi đầu trong cả nước trong công tác phát triển, quản lý ngành, cập nhật và làm chủ những thay đổi nhanh chóng của ngành Công nghệ thông tin - Truyền thông; đề xuất, tham mưu và kiến nghị nhiều giải pháp quan trọng có tính đột phá như: xây dựng Khu Công viên phần mềm Quang Trung, tổ chức Lễ hội Đường sách, thành lập Trung tâm Báo chí – mô hình mới đầu tiên của cả nước... tạo được sự đồng tình và ủng hộ của người dân và doanh nghiệp.

Nhân kỷ niệm Ngày Truyền thống ngành Thông tin & Truyền thông Việt Nam, cùng điểm qua những “dấu son kết nối” của ngành Thông tin & Truyền thông TPHCM.

Kết nối chính quyền với báo chí, nhân dân

Năm 2019, UBND TPHCM thành lập Trung tâm Báo chí TPHCM trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM. Trung tâm Báo chí TPHCM là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông TP có chức năng, nhiệm vụ tổ chức các cuộc họp báo, sự kiện báo chí, truyền thông để các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp,... Trung tâm Báo chí cũng là đầu mối đề nghị lãnh đạo thành phố và các cơ quan chức năng cung cấp, định hướng thông tin về các vấn đề dư luận xã hội đang bức xúc, quan tâm đến các cơ quan báo chí một cách công khai và minh bạch.

Đặc biệt, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Trung tâm báo chí trở thành nơi cung cấp thông tin thường xuyên cho nhà báo qua các cuộc họp trực tuyến của UBND TPHCM.

nganh-thong-tin-truyen-thong-tphcm-nhung-dau-son-ket-noi-voh.com.vn-anh1
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM tổ chức họp báo tại Trung tâm Báo chí TPHCM để cung cấp thông tin về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn Thành phố.

Trung tâm Báo chí TPHCM cũng là nơi tiếp nhận, xây dựng và chia sẻ cơ sở dữ liệu thông tin từ các sở, ban, ngành, quận, huyện, các cơ quan có thẩm quyền khác để phục vụ việc cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí trong và ngoài nước...

Có thể nói Trung tâm báo chí là mô hình hiện đại đầu tiên của cả nước được TPHCM thành lập và đưa vào vận hành. Trung tâm báo chí kết hợp được sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, coi đội ngũ làm báo và bạn đọc là đối tượng hàng đầu để phục vụ.

Thông qua Trung tâm Báo chí TPHCM, Đảng bộ, chính quyền TPHCM đã cung cấp thông tin chính thống, đa dạng, có tính phản biện cao, những vấn đề dư luận đang quan tâm giúp các nhà báo tìm hiểu, chia sẻ và nắm bắt thông tin và kịp thời thông tin tới người dân.

Sự ra đời của Trung tâm Báo chí góp phần giúp các hoạt động báo chí của TPHCM gần hai năm qua được quản lý, điều hành, phối hợp với nhau chặt chẽ, đa dạng và hiệu quả hơn.

Kết nối sách với giới trẻ, lan tỏa văn hóa đọc bằng nhiều sự kiện văn hóa

Tại TPHCM, có thể nói, Đường sách Nguyễn Văn Bình là mô hình hoạt động ý nghĩa, góp phần hình thành văn hóa đọc cho người dân. Đây là sáng kiến hay của Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM và vượt qua bao nhiêu khó khăn để hình thành và phát triển.

Trong 5 năm qua (2016-2021), Đường sách đón khoảng 11,5 triệu lượt khách, tổng doanh thu các đơn vị có gian hàng tại đường sách đạt 181 tỷ đồng, với hơn 3,5 triệu bản sách được bán ra.

Đường sách không chỉ thu hút người dân trong nước mà ngay cả những người nước ngoài, du khách quốc tế cũng rất thích thú. Họ tìm đến đây tham quan khi đến TPHCM và xem đây là điểm nhấn, nét đặc trưng nhất của TPHCM - mô hình ít nơi nào có trên thế giới.

Trước khi dịch Covid-19 hoành hành, Đường sách TPHCM mỗi tuần có khoảng 20 sự kiện như ra mắt sách, trưng bày, triển lãm, trao đổi sách quý. Bên cạnh đó, Đường sách cũng có cách làm mới để thu hút người trẻ như mô hình xe buýt sách - chuyến xe chở tri thức, khu trưng bày, triển lãm sách, báo, tranh ảnh, vật phẩm theo chủ đề từng tháng, từng đợt sinh hoạt chính trị, văn hóa của thành phố và khu mua bán, trao đổi sách cũ, các vật phẩm văn hóa, các bộ sưu tập vật phẩm quý, hiếm,…

Nhờ các hoạt động phong phú, Đường sách TPHCM không chỉ đơn thuần là nơi bán sách mà đã thật sự là một không gian, điểm đến thú vị của TPHCM, hình thành và lan tỏa thói quen đọc sách. 

nganh-thong-tin-truyen-thong-tphcm-nhung-dau-son-ket-noi-voh.com.vn-anh2
Người dân tham quan đường sách TPHCM dịp Tết trước khi dịch bùng phát.

Nỗ lực kết nối sách với giới trẻ, lan tỏa văn hóa đọc không dừng lại ở đó, 10 năm qua - từ năm 2011 đến nay, vào mỗi dịp Tết cổ truyền, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM đều tổ chức Lễ hội đường sách tại các tuyến đường trung tâm thành phố. Hoạt động này không chỉ góp phần kiến tạo không gian giải trí, hoạt động văn hóa vui xuân trong dịp Tết cổ truyền, mà còn góp phần tuyên truyền văn hóa đọc cho người dân Thành phố.

Bên cạnh Đường hoa Nguyễn Huệ, Lễ hội Đường sách Tết hàng năm đã trở thành một không gian vui xuân quen thuộc không thể thiếu đối với người dân Thành phố mang tên Bác.

Có thể thấy, những nỗ lực của Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM trong việc lan tỏa tri trức, lan tỏa văn hóa đọc trong nhiều năm qua đã góp phần khơi dậy, nâng cao văn hoá đọc cho công chúng, gắn kết bạn đọc với tác giả, đồng thời tích cực quảng bá, thu hút cho các hoạt động du lịch tại thành phố.

Kết nối người dân, doanh nghiệp bằng 6 dịch vụ trực tuyến thuộc dịch vụ công mức độ 4

Hiện nay, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM đã cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với các thủ tục hành chính chuyên ngành thuộc thẩm quyền Sở (tại website dichvucong.hochiminhcity.gov.vn hoặc dichvucong.ict-hcm.gov.vn) và đây là Sở đầu tiên của TPHCM thực hiện được điều này.

Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cung cấp 6 dịch vụ trực tuyến thuộc dịch vụ công mức độ 4 cho tất cả thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Sở, bao gồm: Nộp và quản lý hồ sơ trực tuyến; Hỗ trợ, hướng dẫn trực tuyến; Xử lý hồ sơ trực tuyến; Gửi kết quả xử lý thủ tục hành chính trực tuyến; Thanh toán phí, lệ phí trực tuyến và Ứng dụng mã QR Code trong quản lý hồ sơ.

nganh-thong-tin-truyen-thong-tphcm-nhung-dau-son-ket-noi-voh.com.vn-anh3
Giao diện Cổng dịch vụ công trực tuyến của Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM.

Điều này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi, giảm tiếp xúc trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với cán bộ công chức trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính chuyên ngành thuộc thẩm quyền Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, mà còn bảo vệ sức khỏe của người dân, doanh nghiệp trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho phép người dân điền và gửi các mẫu văn bản trực tuyến đến các cơ quan, tổ chức nhà nước cung cấp dịch vụ. Trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ, các giao dịch sẽ được thực hiện trên môi trường mạng. Dịch vụ này cũng cho phép người dân thanh toán trực tuyến lệ phí (nếu có). Việc trả kết quả cho người dân sẽ được trả trực tuyến hoặc gửi trực tiếp qua đường bưu điện cho người dân.

Với việc triển khai Dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM đã giúp các doanh nghiệp giảm thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi hồ sơ và nhận kết quả của các tổ chức, cá nhân; tăng tính công khai, minh mạch của thủ tục hành chính; nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về công nghệ thông tin của cán bộ công chức được phân công xử lý hồ sơ thủ tục hành chính... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội, phòng ngừa sự lây lan của dịch Covid-19.

Kết nối thông tin dữ liệu y tế phòng, chống dịch Covid-19

Tháng 8/2021, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM ra mắt Cổng thông tin Covid-19 tại địa chỉ https://covid19.hochiminhcity.gov.vn.

Cổng thông tin tích hợp nhiều nguồn thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Quốc gia, Bộ Y tế, Sở Y tế TPHCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) và các thông tin, dữ liệu, báo cáo từ nhiều cơ quan khác giúp người dân truy cập, tìm kiếm thông tin dễ dàng.

nganh-thong-tin-truyen-thong-tphcm-nhung-dau-son-ket-noi-voh.com.vn-anh4
Cổng thông tin Covid-19 của TPHCM.

Khi truy cập vào Cổng thông tin Covid-19, người dân sẽ biết thông tin về tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại TPHCM; bản đồ Covid-19 TPHCM, bản đồ phân tích nguy cơ của Ban Chỉ đạo Quốc gia tại TPHCM, biểu đồ thi đua mở rộng vùng xanh; các số liệu công tác ứng phó phòng chống dịch của thành phố đang nỗ lực từng ngày như: khoanh vùng, phong tỏa, truy vết; công tác xét nghiệm, công tác tiêm vaccine; các hướng dẫn y tế, chăm sóc sức khỏe; các văn bản điều hành mới nhất của thành phố,…

Ngoài ra, cổng thông tin còn là Kênh góp ý, hiến kế cho công tác phòng chống dịch của TPHCM. Cổng thông tin có các liên kết đến Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia; các dịch vụ tra cứu thông tin người thân đang điều trị Covid-19; cổng tiếp nhận, giải đáp thông tin thông tin 1022, các thông tin số điện thoại, đường dây nóng của các trung tâm y tế quận, huyện, Thành phố Thủ Đức…

Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, các thông tin này được cập nhật liên tục từng ngày và trình bày trực quan trên bản đồ thành phố, chi tiết đến từng quận huyện, thành phố Thủ Đức thông qua dữ liệu và báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM và các cơ quan chức năng về Trung tâm phân tích dữ liệu của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 của thành phố… nhằm cung cấp thông tin và các dịch vụ hỗ trợ phòng chống dịch hiệu quả cho người dân.

Ngoài Cổng thông tin Covid-19, Cổng thông tin 1022 do Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM chủ trì cũng đang hoạt động hiệu quả trong việc ghi nhận mọi phản ánh của người dân đối với 12 lĩnh vực như hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, chiếu sáng, viễn thông, điện lực, trật tự xã hội,…

Ngoài việc tiếp nhận phản ánh Cổng thông tin 1022 còn tiếp nhận và xử lý các thông tin hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19; tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người dân phòng, chống bệnh Covid-19,… giúp người dân được hỗ trợ kịp thời, an tâm, giữ vững tinh thần lạc quan để cùng thành phố phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Những “dấu son” trên chỉ là một vài trong rất nhiều hoạt động kết nối mà Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM đã làm được. Nhanh nhạy với sự chuyển mình của thời cuộc, tiếp cận gần gũi với nhu cầu của người dân, doanh nghiệp - Sở Thông tin và Truyền có vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra các cơ chế, chính sách, giải pháp quản lý để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển có định hướng cho thành phố và cho chính người dân.

Ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã ra tuyên cáo trước quốc dân đồng bào cũng như toàn thế giới về việc thành lập Chính phủ nước Việt Nam mới và công bố danh sách nội các thống nhất quốc gia gồm các Bộ, ngành, trong số đó có Bộ Thông tin - Tuyên truyền với chức năng làm công tác thông tin, tuyên truyền, cổ động nhân dân kháng chiến cứu quốc.

Từ ý nghĩa đó, ngày 19/2/2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định lấy ngày 28/8 hàng năm là Ngày Truyền thống ngành Thông tin & Truyền thông Việt Nam.
Bình luận