Tiêu điểm: Nhân Humanity

Làm việc với Thủ tướng: TPHCM có nhiều kiến nghị tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế

(VOH) - Sáng nay 16/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội Thành phố.

Mở đầu buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh TPHCM là đứng đầu đóng góp GDP và ngân sách cũng như những tác động vô hình tới kinh tế cả nước. TPHCM phát triển tốt thì cả nước sẽ nhận tác động lan tỏa. TPHCM khó khăn, cả nước cũng ảnh hưởng rất lớn.

Làm việc với Thủ tướng: TPHCM có nhiều kiến nghị tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì buổi làm việc - Ảnh: VGP

Thủ tướng nhận định TPHCM kết quả tăng trưởng kinh tế quý 1 giảm sâu, hậu quả từ đại dịch Covid-19, kinh tế khu vực và thế giới đang trên đà suy giảm, ảnh hưởng tới cơ cấu, thị trường của kinh tế Việt Nam.

Chính sách tiền tệ thay đổi, chủ trương tăng lãi suất của các nước cũng gây tác động lớn, khiến đồng tiền Việt Nam bị mất giá, gây nhiều khó khăn, thách thức trong vấn đề xử lý bài toán tỷ giá và lãi suất.

Vấn đề cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, tác động trực tiếp tới giá nguyên liệu đầu vào, nhất là xăng dầu, ảnh hưởng tới các hoạt động sản xuất.

Trung Quốc đã mở cửa kinh tế trở lại sau thời gian thực hiện “zero Covid” mang tới nhiều thuận lợi, nhưng cũng tạo cạnh tranh lớn với kinh tế Việt Nam về thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.

Thủ tướng yêu cầu cần phân tích kỹ yếu tố khách quan, chủ quan để có giải pháp khắc phục. Từ đó, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình, chắc chắn, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả.

Theo Thủ tướng, từ đầu năm đến nay đã có nhiều nghị quyết, nghị định, thông tư tháo gỡ các vướng mắc cho nền kinh tế. Quá trình vận hành, áp dụng các chính sách còn vướng mắc gì, cần bổ sung gì không?

Phối hợp giữa TPHCM với Chính phủ, với các Bộ, ngành cần rút kinh nghiệm cái gì, thúc đẩy cái gì để tốt hơn?

Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị gì?

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết, mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng kết quả tăng trưởng kinh tế của TP.HCM trong quý 1 giảm sâu, chưa đạt mong đợi.

Trong quý 1/2023, UBND TPHCM tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến và đạt một số kết quả tích cực, thúc đẩy một số ngành, lĩnh vực tiếp tục tăng trưởng. Trong đó 5/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng khá.

Thu ngân sách nhà nước đạt 26,6% dự toán năm. Số lao động được giải quyết việc và số chỗ việc làm mới tăng nhẹ so với cùng kỳ. Ngành du lịch tiếp tục duy trì phát triển và đạt mức tăng trưởng cao cả về doanh thu và số lượng khách.

Vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như tốc độ tăng trưởng kinh tế thành phố rất thấp; thị trường bất động sản, thị trường tài chính gặp nhiều khó khăn, nợ xấu ngân hàng và áp lực đáo hạn trái phiếu có xu hướng tăng; doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm lao động và khó khăn hơn về đơn hàng, nguồn vốn; sức mua của người tiêu dùng giảm.

Có 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm; số vốn đăng ký doanh nghiệp thành lập mới giảm và số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng so với cùng kỳ.

Việc giải ngân vốn đầu tư công thấp (đạt 4%); tiến độ và nội dung giải quyết các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp của các sở, ban, ngành chưa đạt yêu cầu; việc sắp xếp tổ chức bộ máy một vài tổ chức và tiến độ kiện toàn các tổ công tác liên ngành còn chậm…

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi kiến nghị Thủ tướng, các bộ ngành hỗ trợ thành phố phân tích giải pháp trước mắt và lâu dài để củng cố tăng trưởng; hỗ trợ đặc biệt cho xuất nhập khẩu, xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch, gỡ vướng chính sách, thủ tục và nguồn vốn để TPHCM nhanh chóng triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm như cao tốc TPHCM - Mộc Bài, Vành đai 4...

Chủ tịch UBND TPHCM cũng kiến nghị Thủ tướng cho phép TPHCM thí điểm thực hiện cấp giấy phép lao động điện tử cho người lao động nước ngoài để phù hợp với chủ trương của chuyển đổi số. Có cơ chế đặc thù để thực hiện các dự án điện mặt trời mái nhà; chủ động quyết định giá cụ thể của sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi.

TPHCM kiến nghị Thủ tướng sớm phê duyệt kế hoạch sắp xếp doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước trực thuộc UBND TPHCM giai đoạn 2021-2025. Cho chủ trương để TPHCM phối hợp với các bộ ngành Trung ương sắp xếp lại các cơ sở nhà đất trên địa bàn.

TPHCM cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm cho ý kiến về phương án sử dụng đất doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa, chuyển mục đích sử dụng đất. Kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo tổ công tác tháo gỡ vướng mắc thị trường bất động sản.

Về phía TPHCM, lãnh đạo TP cũng xác định tập trung quyết liệt tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho người dân và doanh nghiệp để thúc đẩy các dự án, thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư, bảo đảm đầu tư công diễn ra đúng tiến độ.

Trong quý 2 giải ngân 35%, quý 3 giải ngân 58%, quý 4 giải ngân 91%, hết biên độ là 95%; tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển thị trường, tiếp cận nguồn vốn, giải quyết thủ tục...

Các dự án giao thông trọng điểm của vùng, liên vùng là dự án Cao tốc TPHCM – Mộc Bài, dự án đầu tư hoàn chỉnh cao tốc TPHCM – Trung Lương, dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, dự án Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TPHCM – Thủ Dầu 1 – Chơn Thành.

Các dự án đường sắt: Dự án đường sắt TPHCM – Cần Thơ, dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Long Thành, ga đường sắt Thủ Thiêm, ga đường sắt Bình Triệu, các dự án đường sắt đô thị và đặc biệt quan tâm bố trí vốn đầu tư trang thiết bị cho 3 bệnh viện cửa ngõ của TPHCM.

Liên quan đến dự án đường Vành đai 4, Chủ tịch UBND TPHCM kiến nghị, Thủ tướng giao cho các địa phương có dự án đi qua chủ động lập dự án. Các địa phương có dự án đi qua đã họp thống nhất tiến độ nhưng phải có cơ quan đầu mối điều phối thúc đẩy.

Bình luận