Thưa luật sư vừa qua cơn bão số 3 đã gây ra sự việc tranh chấp như sau:
Một du khách đến lưu trú khách sạn có đỗ xe ô tô vào bãi xe do khách sạn chỉ định, nhưng sau bão do gió lớn thì bị cây đổ vào xe sự việc khiến hai bên bất đồng cách đền bù.
Người chủ xe được khách sạn chỉ định đỗ xe dưới gốc cây nhưng chủ xe không đồng ý vì cho rằng có thể cây ngã vào xe. Tuy nhiên, đại diện khách sạn cho rằng chỗ đỗ này an toàn, và không cần dời xe đi nơi khác. Sau đó bão đã làm cây ngã gây thiệt hại cho khung sườn xe bên ngoài.
Chiếc xe không được mua bảo hiểm thân khung xe. Xe không bị ảnh hưởng bên trong và vẫn vận hành được như bình thường.
Phía khách sạn khẳng định không bồi thường tiền sửa xe (theo định giá nơi sữa xe khoảng 10 triệu đồng) cho khách bởi cho rằng thiệt hại do thiên tai và cho rằng đây là trường hợp bất khả kháng, không phải lỗi chủ ý, nên không đền bù chi phí sửa chữa xe.
Khách sạn cho rằng "đã thỏa thuận xong với khách" bằng cách giảm một nửa tiền phòng (giá 900.000 đồng/ngày, đêm) trả cho vợ của chủ xe.
Chủ xe cho rằng khách sạn giữ nhận tài sản và có trách nhiệm bảo quản, cần trả lại tài sản nguyên vẹn là ôtô cho khách. Chủ xe yêu cầu khách sạn chia sẻ thiệt hại này, vì dù cây đổ là thiên tai, nhưng rủi ro này đã được trao đổi có nhắc nhở đại diện khách sạn, nên có thể lường trước, không có yếu tố bất ngờ, bất khả kháng.
Giải quyết tranh chấp trong trường hợp này như thế nào, xin luật sư tư vấn.
Luật sư Nguyễn Thế Hùng, Đoàn Luật sư TPHCM tư vấn:
Theo thiển nghĩ của cá nhân tôi, trong tình huống trên đây, quan hệ gửi - giữ xe theo quy định của pháp luật dân sự đã phát sinh giữa chủ khách sạn và chủ xe là khách đến lưu trú. Theo đó thì chủ khách sạn có trách nhiệm bảo quản chiếc xe và giao lại chiếc xe trong tình trạng nguyên vẹn cho khách khi kết thúc việc gửi - giữ.
Tuy nhiên, cũng dưới góc độ pháp lý, nếu chiếc xe, dù được gửi - giữ nhưng bị hư hại do cây ngã là hậu quả của cơn bão (tức do thiên tai là một sự kiện bất khả kháng đã xác định được) thì:
Theo định nghĩa tại Khoản 1 Điều 156 Bộ luật dân sự năm 2015: Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được, không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và tận dụng mọi khả năng cho phép. Từ điều luật này có thể hiểu rằng, một sự kiện được coi là bất khả kháng khi xảy ra (1) một cách khách quan (2) không thể lường trước được và (3) không thể khắc phục được dù áp dụng mọi biện pháp cần thiết.
Trong khi đó hậu quả pháp lý khi xảy ra sự kiện bất khả kháng được quy định tại Khoản 2 Điều 351 Bộ luật dân sự năm 2015 thì: Trong trường hợp bên có nghĩa vụ (ở đây là chủ khách sạn) không thực hiện được nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự (tức phải bồi thường), trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Ở đây có yếu tố, do người chủ xe đã có cảnh báo về việc cây có thể đổ vào làm hư hại xe nhưng phía khách sạn vẫn không có biện pháp kịp thời để ngăn chặn thiệt hại. Do đó, theo tôi cả hai bên nên dựa vào căn cứ pháp lý đã phân tích trên, để cùng thỏa thuận cho việc sửa chữa xe theo mức hợp tình, hợp lý.
Xin cảm ơn luật sư