Con số này chiếm đến 85% tổng số vụ việc trong cả giai đoạn 2022 - 2024, cho thấy tình trạng này đang diễn biến phức tạp và gia tăng mạnh.
Thời gian gần đây, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia liên tục tiếp nhận thông tin và tổ chức giải cứu hàng trăm công dân Việt Nam, trong đó có nhiều người đến từ Hải Phòng. Các nạn nhân bị dụ dỗ bởi những lời mời gọi hấp dẫn như "việc nhẹ lương cao", nhưng thực chất bị bán vào các cơ sở lừa đảo trực tuyến hoặc bị bóc lột lao động một cách tàn nhẫn.
Theo Cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia, dòng chảy lao động bất hợp pháp sang nước này quá lớn, gây khó khăn trong công tác giải cứu. Các đối tượng tội phạm thường lợi dụng mạng xã hội để tiếp cận nạn nhân, hứa hẹn mức lương hấp dẫn và công việc nhàn hạ, nhưng thực chất lại ép buộc họ làm việc trong các đường dây lừa đảo hoặc lao động cưỡng bức.

Nhiều nạn nhân khi đến Campuchia bị tịch thu giấy tờ tùy thân, giam lỏng trong các khu vực biệt lập, chịu sự giám sát chặt chẽ và bị ép làm việc bất hợp pháp. Nếu không tuân theo, họ sẽ bị đánh đập, đe dọa hoặc bán sang một cơ sở khác.
Trước tình hình này, ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện tăng cường tuyên truyền về xuất nhập cảnh an toàn, lao động hợp pháp và nâng cao nhận thức của người dân về các chiêu trò lừa đảo.
Đặc biệt, các đối tượng dễ bị lừa như thanh thiếu niên, phụ nữ và người dân tại các khu vực nông thôn nghèo cần được phổ biến kiến thức để tránh sập bẫy.
Bên cạnh đó, Công an TP Hải Phòng cũng được giao nhiệm vụ điều tra, triệt phá các đường dây môi giới lao động trái phép, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi dụ dỗ, lôi kéo công dân xuất cảnh bất hợp pháp.