Qua phân tích, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao - Công an TPHCM nhận định, trường hợp lừa đảo ‘nhập sai mật khẩu’ chỉ xảy ra khi hội đủ 2 yếu tố.
Thứ nhất, ứng dụng của ngân hàng cho phép đăng nhập bằng cách nhập số tài khoản ngân hàng, tuy nhiên hiện nay chỉ còn số ít ngân hàng cho phép đăng nhập bằng cách này.
Thứ hai, số tài khoản ngân hàng phải do khách hàng đăng ký trùng với số điện thoại đang sử dụng của khách hàng (đây là một dịch vụ chọn số tài khoản được nhiều ngân hàng cung cấp thời gian gần đây).
Như vậy có thể thấy, không phải số tài khoản ngân hàng nào cũng sẽ bị đối tượng xấu sử dụng để khóa tài khoản đăng nhập vào ứng dụng ngân hàng.
Ngoài ra, quy định của ngân hàng tuyệt đối không cho phép tiết lộ thông tin liên hệ của khách hàng cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào (trừ các trường hợp được quy định của Pháp luật Việt Nam), do đó, người dân có thể yên tâm, không hoang mang lo sợ bị mất tài sản nếu ngân hàng và số tài khoản của mình không thuộc 2 yếu tố nêu trên.
Mặt khác, nếu bị khoá tài khoản thì chủ tài khoản phải đến phòng giao dịch để mở lại tài khoản theo quy định bảo mật của ngân hàng. Nên thông tin về thủ đoạn bị khoá tài khoản do đối tượng nhập sai mật khẩu và bị lừa mất tiền trên chính tài khoản bị khoá về cơ bản chưa phù hợp.
Để phòng tránh nguy cơ bị chiếm đoạt tài sản, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao TPHCM khuyến cáo người dân tuyệt đối không làm theo, không nhấp vào các đường dẫn mà người lạ cung cấp. Không cài đặt các ứng dụng (app) không rõ nguồn gốc.
Không cung cấp thông tin về số thẻ Căn cước công dân cũng như mã OTP cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng.
Công an tuyệt đối không hướng dẫn người dân qua điện thoại để thực hiện các thao tác liên quan việc xác minh tài khoản ngân hàng hoặc phong tỏa tài khoản hoặc thực hiện chuyển tiền.