Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nguy cơ phạm tội khi buôn bán động vật hoang dã trên mạng

(VOH) - Tháng 5/2020, facebook gỡ bỏ 277 bài viết về buôn bán Động vật hoang dã (ĐVHD) trên nhóm “Hội Anh Em Ba Miền” ở Việt Nam và cảnh báo sẽ vô hiệu hóa nhóm này nếu tiếp tục có bài viết vi phạm.

Tháng 5/2020, Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP Đà Nẵng đã phát hiện và tịch thu 12 cá thể chim săn mồi tại nhà của một đối tượng sau khi đối tượng này rao bán các cá thể chim này trên mạng xã hội Facebook.

Cũng trong tháng 5/2020, từ thông tin của Trung tâm giáo dục thiên nhiên - ENV cung cấp, Facebook đã gỡ bỏ hoàn toàn 277 bài viết quảng cáo buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) trên nhóm “Hội Anh Em Ba Miền” ở Việt Nam, và cảnh báo sẽ vô hiệu hóa nhóm này nếu tiếp tục ghi nhận các bài viết vi phạm. Đây là một nhóm trên Facebook đã hoạt động lâu nay, các thành viên trong nhóm thường xuyên rao bán ĐVHD hay các sản phẩm từ ĐVHD như: ngà voi, da hổ, vảy tê tê, móng gấu, sừng tê giác...Cho thấy việc buôn bán ĐVHD trên mạng Internet đã không còn an toàn với các đối tượng buôn bán hàng cấm này!

ban trên mạng
Một quảng cáo buôn bán ĐVHD trên mạng

Trong vài năm gần đây, các vi phạm về buôn bán trái phép ĐVHD trên mạng Internet đang gia tăng một cách đáng báo động. Việc mua bán qua mạng có lợi thế là người bán dễ dàng tiếp cận, quảng cáo đến người mua và che dấu danh tính của người bán đặc biệt là bán qua các mạng xã hội. Nhiều "tay trùm" cũng như các đối tượng bán lẻ đã thường xuyên rao bán các sản phẩm hay cá thể ĐVHD qua mạng.

Chỉ trong năm 2019, Phòng Bảo vệ ĐVHD của ENV đã ghi nhận hơn 2.400 trường hợp quảng cáo ĐVHD trên Facebook, YouTube, Zalo, Tiktok và các trang mạng điện tử khác... Con số này vẫn không có dấu hiệu giảm xuống trong những tháng đầu năm 2020 với 424 vụ vi phạm tính đến hết ngày 30/4/2020.

Tuy nhiên, những rủi ro đang gia tăng với các đối tượng buôn bán ĐVHD trên Internet.

Người dân ngày càng ý thức hơn với loại tội phạm này và ngày càng có nhiều người dân sẵn sàng giám sát, thông báo các vi phạm về ĐVHD trên mạng cho các cơ quan chức năng. Các doanh nghiệp kinh doanh sàn thương mại điện tử và các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Lazada hay Shopee cũng đang chung tay cùng các cơ quan chức năng và ENV trong việc xóa bỏ các vi phạm về quảng cáo buôn bán ĐVHD trên các mạng xã hội.

Song song đó các cơ quan thực thi pháp luật tại các địa phương đã nhận thức được mức độ nghiêm trọng trong hành vi vi phạm của các đối tượng buôn bán loại mặt hàng này và tiến tới việc truy bắt, xử lý các đối tượng này. Một số vụ việc điển hình có thể kể như vụ việc ngày 5/5/2020 tại Đà Nẵng, cơ quan có thẩm quyền đã xử phạt đối tượng 11 triệu 250 ngàn đồng vì nuôi nhốt và quảng cáo bán trái phép 12 cá thể chim săn mồi (chim ưng).

Tháng 6/2020, Chi cục kiểm lâm Bắc Kạn đã phát hiện 20 cá thể chim săn mồi tại nhà riêng của một đối tượng ở Bắc Kạn đang rao bán nhiều cá thể chim săn mồi trên Facebook. Số chim này đã bị tịch thu và chuyển tới Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội (Sóc Sơn, Hà Nội) để thả về tự nhiên.

Chim săn mồi là chim được các cá nhân mua muôi nhốt tại hộ gia đình đang phát triển khá nhanh. Trên mạng có các hội nhóm trao đổi kiến thức nuôi nhốt, huấn luyện chim săn mồi.

Tuy nhiên, nhiều người không biết rằng hầu hết các loài chim săn mồi đều nằm trong Phụ lục II CITES, phải có giấy phép nhập khẩu cấp bởi Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES (trong trường hợp nhập khẩu) hoặc các giấy tờ khác chứng minh nguồn gốc hợp pháp (trong trường hợp mua, bán trong nước). Việc mua bán nuôi nhốt không có giấy tờ nói trên đều đã vi phạm pháp luật. 

quảng cáo trên mạng
Đối tượng ở Quảng Nam quảng cáo các sản phẩm từ ĐVHD trên mạng

Trong nhiều vụ việc, cơ quan chức năng, cảnh sát môi trường đã theo dõi, kiểm tra các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh sản phẩm từ ĐVHD qua mạng và phát hiện, tịch thu nhiều tang vật về ĐVHD, đưa ra xử lý trước pháp luật các hành vi vi phạm của các đối tượng này .

Như vụ việc ngày 29/2/2020, Tòa án nhân dân huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã xét xử và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức T (trú tại Hoàn Kiếm, Hà Nội) 36 tháng tù giam về hành vi vận chuyển trái phép 1 bình rượu ngâm 2 chi gấu ngựa (Ursus thibetanus). Cơ quan chức năng đã lần theo thông tin rao bán rượu ngâm chân gấu trên tài khoản Facebook của vợ bị cáo Thịnh, tiến hành theo dõi và bắt giữ đối tượng khi đang vận chuyển bình rượu này đi bán cho khách hàng.

Một đối tượng khác ở Hà Nội là Phạm Thị V. cũng đã bị tuyên phạt 12 tháng tù về hành vi buôn bán trái phép một bình rượu ngâm một cá thể gấu ngựa con. Đối tượng khai nhận đã mua bình rượu ngâm 1 cá thể gấu con từ một đối tượng buôn bán qua mạng khác với giá 10.500.000 đồng và đăng bán lại trên mạng với giá chênh lệch 500.000 đồng.

Theo bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc ENV nhận định: “Việc buôn bán ĐVHD trên Internet nay đã không còn an toàn! ENV hi vọng những bài học đắt giá về hậu quả của hành vi buôn bán ĐVHD sẽ góp phần cảnh tỉnh các đối tượng đã, đang và tin rằng sẽ làm giàu từ buôn bán ĐVHD trái phép.”

Các bản án cho các đối tượng này ngày càng nhiều cũng như mức án ngày càng được tuyên mang tính răn đe rất cao. Theo báo cáo của ENV về  công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam từ 2015-2020 trung bình trong năm 2015 mức án tù giam cho loại tội này là 0,98 năm nhưng đến nay, mức tù giam trung bình đã lên tới 4,49 năm, tăng 358% so với năm 2015.

Trong giai đoạn 2018-2020, ENV ghi nhận nhiều bản án nghiêm khắc với các đối tượng phạm tội về ĐVHD với mức hình phạt có thể lên đến từ 10 đến 13 năm.

Mới đây, ngày 12/5, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam tuyên phạt Phạm Thị Thuận (trú tại huyện Thăng Bình tỉnh Quảng Nam) 5 năm tù giam và 60 triệu đồng về hành vi nuôi nhốt trái phép hổ mang chúa, kỳ vân và rùa các loại. Hay 2 vụ  án trong tháng 7/2020 tại Hà Nội và Hưng Yên, việc xét xử 4 bị cáo trong 2 vụ án này đã tuyên phạt 48 năm tù vì vận chuyển trái phép ngà voi, tê tê…

chim săn mồi
Các cá thể chim săn mồi đã được chuyển về TT Cứu hộ (Nguồn Ảnh Trung tâm Trung tâm Cứu hộ Động vật hoang dã Hà Nội).

Liên tiếp những vụ phát hiện, tịch thu và bắt giữ các đối tượng vi phạm về ĐVHD qua mạng gần đây cho thấy sự nỗ lực, tích cực của cơ quan chức năng các địa phương đối với loại hình tội phạm mới này. Mạng internet không còn là phương tiện an toàn trong mua bán loại “hàng cấm” này nữa.

Theo các chuyên gia đánh giá, khoảng 70% dịch bệnh nguy hiểm cho con người có nguồn gốc từ ĐVHD. Con người phải hành động ngay lập tức, chấm dứt các hành vi vi phạm về ĐVHD trái phép, không để các loài virus độc hại lây lan qua ĐVHD làm ảnh hưởng tới sức khỏe, thiệt hại đến tính mạng của con người và gây ra những thiệt hại về mặt kinh tế.

Mới đây, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên đã ra danh sách 10 hành động cấp bách ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loại động vật hoang dã. Một trong 10 hành động cấp bách được nhấn mạnh là việc các cơ quan thực thi pháp luật cần phải tập trung các nỗ lực điều tra, truy tố và xử lý nghiêm những đối tượng cầm đầu các đường dây buôn bán ĐVHD lớn để triệt tiêu hoạt động của những đường dây này.

ENV cũng kiến nghị Chính phủ cần ban hành các quy định bắt buộc với tất cả nền tảng thương mại điện tử, phương tiện truyền thông xã hội và báo chí trực tuyến để xóa bỏ mọi giao dịch, quảng cáo bán ĐVHD bất hợp pháp. Nguy cơ bị phát hiện là điều chắc chắn nếu các đối tượng cứ buôn bán trái phép ĐVHD qua mạng.

Chấm dứt tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp - Kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp lần thứ 4 BCĐ quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Bình luận