Tiêu điểm: Nhân Humanity

Vụ án Vạn Thịnh Phát: Hôm nay 11/3, thẩm vấn bị cáo Trương Mỹ Lan

VOH - Trong 4 ngày diễn ra phiên xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát (tính từ ngày 5/3), TAND TP HCM đã thẩm vấn 77/86 bị cáo có mặt tại phiên xét xử (5 bị cáo đang bị truy nã, 2 bị cáo xin vắng mặt).

Chỉ còn 2 bị cáo chưa được thẩm vấn là Trương Mỹ Lan (SN 1956) và bị cáo Nguyễn Cao Trí (SN 1970; Chủ tịch HĐQT Công ty Capella).

Hôm nay, Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa Phạm Lương Toản thẩm vấn các bị cáo này, sau đó sẽ đến lượt các thành viên khác thuộc HĐXX, VKSND TP HCM (giữ quyền công tố và kiểm sát phiên xử), luật sư tham gia

77 bị cáo đã bị thẩm vấn gồm các cựu lãnh đạo, nhân viên Ngân hàng SCB qua các thời kỳ, cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ, cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước và các cựu lãnh đạo, nhân viên các công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.

Các bị cáo này đều thừa nhận hành vi giúp sức tích cực cho bị cáo Trương Mỹ Lan tham ô số tiền hơn 304.000 tỉ đồng của Ngân hàng SCB như cáo trạng truy tố.

Trong đó, một số cựu lãnh đạo Ngân hàng SCB khai khi nhận thấy các sai phạm tồn tại ở ngân hàng, họ phải làm đơn xin nghỉ việc nhiều lần trong thời gian dài mới được chấp nhận.

Vụ án Vạn Thịnh Phát: Hôm nay 11/3, thẩm vấn bị cáo Trương Mỹ Lan 1
Bị cáo Trương Mỹ Lan

Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc cùng lúc 3 tội danh “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ” “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Để phục vụ cho việc làm phi pháp của mình, bà Trương Mỹ Lan đã thành lập, xây dựng hơn 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước, được chia thành nhiều tầng lớp, trong đó Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giữ vai trò trung tâm, nắm giữ cổ phần, kiểm soát toàn bộ hoạt động của các công ty trong hệ sinh thái và thường không tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh.

Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến tháng 10/2022, bà Trương Mỹ Lan đã thâu tóm, nắm giữ thực tế số lượng cổ phần gần tuyệt đối của Ngân hàng SCB (từ 85% đến 91,5% cổ phần). Qua đó, bà Lan thao túng toàn bộ hoạt động của SCB, phục vụ cho các mục đích khác nhau của mình.

Cơ quan điều tra xác định từ ngày 1/1/2012 đến ngày 31/12/2017, bà Lan đã chỉ đạo lập khống 368 hồ sơ vay vốn để rút tiền của Ngân hàng SCB sử dụng vào các mục đích khác nhau.

Cụ thể, từ 2012 đến tháng 10/2022, bà Lan đã chỉ đạo lập khống hồ sơ và SCB đã giải ngân hơn 2.500 khoản cho nhóm của mình (1.000 khoản cho cá nhân, 1.500 khoản cho tổ chức) với tổng số tiền hơn 1.066.600 tỷ đồng. Khi giải ngân, SCB sẽ chuyển cho các cá nhân hoặc pháp nhân theo phương án vay vốn.

Tính đến thời điểm khởi tố vụ án vào tháng 10/2022, nhóm bà Lan còn 1.284 khoản vay với dư nợ 677.200 tỷ đồng, trong đó 483.900 tỷ đồng nợ gốc và 193.300 tiền lãi. Dư nợ gốc chiếm 93% tổng dư nợ gốc của hơn 23.000 khoản vay còn dư nợ tại SCB. Hiện các khoản nợ này không có khả năng thu hồi.

Vợ chồng Trương Mỹ Lan - Chu Lập Cơ muốn nộp tiền khắc phục hậu quả vụ án

Trong ngày 7/3, HĐXX lần lượt nhận được đơn của vợ chồng bị cáo Trương Mỹ Lan – Chu Lập Cơ về việc đề nghị uỷ quyền cho con gái Chu Duyệt Phấn và cháu trai thu hồi các khoản nợ bên ngoài để thu hồi tài sản, nộp khắc phục hậu quả vụ án.

Chủ tọa phiên tòa cho biết quan điểm của HĐXX là khuyến khích các bị cáo nộp tiền khắc phục hậu quả vụ án. Do đó, nguyện vọng trong đơn được chấp nhận. Đồng thời, HĐXX cho biết nếu các bị cáo cần, HĐXX sẽ tạo điều kiện giúp đỡ thu hồi nợ khi các bị cáo cung cấp đầy đủ danh sách, địa chỉ… người vay nợ.

Bình luận