Chờ...

Vụ Việt Á: VKS đề nghị bác kháng cáo của các bị cáo

VOH - Chiều 16/5, TAND Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục xét xử 11 bị cáo có kháng cáo trong vụ án Việt Á. Đại diện Viện kiểm sát đã trình bày quan điểm giải quyết vụ án.

Sau hai ngày xét xử, đại diện viện kiểm sát đề nghị tòa phúc thẩm bác toàn bộ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, tổng giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt và nhiều bị cáo trong vụ án liên quan Công ty CP công nghệ Việt Á.

Theo đại diện Viện kiểm sát, bản án sơ thẩm đã xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đồng thời bản án sơ thẩm đã áp dụng đầy đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ với các bị cáo.

Ở phiên phúc thẩm này, trong 11 bị cáo thì có 8 người kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, 1 bị cáo xin miễn trách nhiệm hình sự, 2 bị cáo xin hưởng án treo.

Đối với Phan Quốc Việt, Viện kiểm sát nhận định, Việt là người điều hành cao nhất của Việt Á, có hành vi phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng. Về số tiền 200 triệu mà Phan Quốc Việt đã nộp để khắc phục hậu quả, Viện kiểm sát nhận định là "không đáng kể" so với hậu quả thiệt hại của vụ án, không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ của Phan Quốc Việt.

phuc-tham-viet-a
Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại phiên tòa xét xử phúc thẩm 

Đối với ông Nguyễn Thanh Long được xác định phạm tội nhận hối lộ nhiều lần với số tiền lớn (2,25 triệu USD, số tiền này đã được khắc phục đủ từ phiên sơ thẩm).

Tại tòa phúc thẩm, bị cáo trình biên lai nộp đủ án phí 100 triệu đồng và khắc phục chung hậu quả vụ án số tiền 1 tỷ đồng.

Viện kiểm sát cho rằng mức án 18 năm tù mà tòa sơ thẩm tuyên đã thấp hơn khung hình phạt với tội nhận hối lộ, không có cơ sở xem xét giảm nhẹ.

Trong vụ án này, ngoài 11 bị cáo, vợ của Phan Quốc Việt có đơn kháng cáo đề nghị hủy kê biên 2 sổ tiết kiệm trị giá 20 tỷ đồng đứng tên con chung của họ. Mẹ đẻ của Việt cũng kháng cáo xin hủy bỏ kê biên 52 sổ hoặc thẻ tiết kiệm đứng tên mình với tổng số 412 tỷ đồng.

Đại diện viện kiểm sát đánh giá số tiền nêu trên được Việt chuyển cho mẹ và vợ vào năm 2021, sau thời điểm thực hiện hành vi phạm tội.

Tài liệu, chứng cứ và lời khai thu thập được cho thấy tiền này có nguồn gốc từ việc bán kit test Covid-19, khoản thu lợi bất chính có được từ hành vi nâng khống giá kit test của Việt và đồng phạm.

Từ những căn cứ trên, kiểm sát viên đề nghị bác kháng cáo của cả mẹ và vợ bị cáo Phan Quốc Việt, đề nghị tiếp tục phong tỏa các sổ tiết kiệm để bảo đảm nghĩa vụ thi hành án.

Về kháng cáo của Công ty Việt Á đề nghị tòa phúc thẩm giải quyết nhiều nội dung liên quan đến tài sản và tài khoản ngân hàng của mình, trong đó yêu cầu 80 đơn vị phải trả nợ khoảng 1.200 tỷ đồng từ việc mua kit test Việt Á nhưng đến nay chưa trả.

Đại diện viện kiểm sát nhận định việc mua bán và nợ nần giữa Công ty Việt Á với đối tác không thuộc phạm vi giải quyết của phiên tòa phúc thẩm, nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo.

Công ty Việt Á có quyền thỏa thuận với đối tác về việc trả nợ, nếu không thỏa thuận được thì khởi kiện ra tòa.

Người duy nhất được viện kiểm sát đề nghị chấp nhận kháng cáo là bà Nguyễn Kiều Oanh (vợ bị cáo Trịnh Thanh Hùng - cựu vụ phó Bộ Khoa học và Công nghệ).

Bà Oanh được viện kiểm sát đề nghị chấp nhận kháng cáo, hủy bỏ phong tỏa với 8 sổ tiết kiệm có giá trị hơn 3 tỷ đồng. Bị cáo Trịnh Thanh Hùng đã hoàn thành nghĩa vụ khắc phục 100% hậu quả (tổng cộng hơn 8 tỷ đồng).

Dự kiến, HĐXX sẽ tiến hành tuyên án phúc thẩm vụ án Việt Á trong ngày 17/5.