Cám là phim điện ảnh được lấy cảm hứng từ truyện cổ tích quen thuộc Tấm Cám. Với cách khai thác câu chuyện từ góc nhìn đen tối, kinh dị, đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân làm khán giả choáng ngợp trước tự biến tấu trong cốt truyện, mang đến làm gió mới cho câu chuyện quen thuộc.
Để chuẩn bị cho ngày khởi chiếu vào tháng 9, ngày 13/8, poster cùng trailer Cám chính thức được công bố, giúp khán giả có cái nhìn rõ hơn về dị bản kinh dị này.
“Bống bống bang bang, lên ăn máu thịt, máu thịt nhà ta”
Là tác phẩm được cải biên từ Tấm Cám, poster Cám không quên gợi nhắc những tình tiết quen thuộc, in sâu vào ký ức của độc giả và người xem. Bên cạnh bộ ba: Tấm (Rima Thanh Vy), Cám (Lâm Thanh Mỹ) và mẹ kế (Thúy Diễm), ekip một lần nữa tái hiện khung cảnh thử hài "huyền thoại", với chiếc hài đỏ được thêu chỉ vàng, có họa tiết chim vàng anh.
Đáng chú ý, lần thử hài này đậm chất rùng rợn khi bàn chân người đầy vết loét và rướm máu. Nổi bật trên nền ảnh màu xanh rêu còn là khung cảnh giếng cá bống cùng lời mời gọi rợn người: “Bống bống bang bang, lên ăn máu thịt, máu thịt nhà ta”.
Dân làng tắm máu, Cám là nạn nhân của lời nguyền?
5 giây đầu tiên của trailer mở đầu với bàn tay quỷ dị và đa dạng biểu cảm của gia đình Hai Hoàng (Quốc Cường). Sau câu gọi cá bống lên ăn, thước phim đẩy lên cao trào với hàng loạt biến cố xảy ra trong gia đình ông lý trưởng và dân làng. Sự quỷ quái, đen tối tràn ngập khung hình, khác xa với câu chuyện cổ tích thường thấy trước đây.
Mở đầu là nhân vật Cám (do Lâm Thanh Mỹ đảm nhận). Không còn là cô con gái ưa tị nạnh, được mẹ nuông chiều, Cám giờ đây là nỗi ô nhục của gia đình lý trưởng Hai Hoàng khi sinh ra trong hình hài dị dạng.
Trailer còn cho thấy Tấm-Cám có tình chị em thân thiết, sống chan hòa với nhau. Khi cô em bị mọi người xung quanh chì chiết, phải che đi nửa khuôn mặt để tránh gây sự chú ý, Tấm (Rima Thanh Vy) luôn kề cận để quan tâm, an ủi.
Bên cạnh hình ảnh giếng cá bống, tình tiết nhặt thóc, hội đình, trailer Cám còn làm khán giả ngạc nhiên với những bí mật nằm sau ngôi làng thanh bình. Lý trưởng Hai Hoàng ban ngày đĩnh đạc, nhưng khi màn đêm buông xuống, ông trở thành kẻ đứng đầu nghi lễ tế trinh nữ.
Sự tức giận của mẹ kế (Thúy Diễm), cha ruột bị vong đeo bám hay những cái chết kỳ dị, nhuộm đỏ sân làng liên tục xuất hiện, ẩn ý rằng, dường như gia đình Hai Hoàng hoặc người làng này từng làm nên nhiều chuyện sai trái, để giờ đây phải trả nghiệp chướng.
Sự tôn vinh văn hóa từ bối cảnh đến phục trang
Những ai từng xem phim của đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân thì sẽ không lạ với tinh thần lan tỏa văn hóa, truyền thống dân tộc trong các tác phẩm của bộ đôi này. Phim điện ảnh Cám không phải là ngoại lệ. Tác phẩm được lấy bối cảnh vào thế kỷ 19, vì thế, tạo hình nhân vật được thực hiện và sáng tạo dựa trên cổ phục thời đó.
Với sự cố vấn của các chuyên gia sử học, áo Tứ thân, Ngũ thân, Giao lĩnh, Viên lĩnh, Đối khâm được tỉ mỉ kết hợp, cho khán giả cái nhìn cụ thể về cuộc sống của người dân giai đoạn này.
Sau 3 năm ấp ủ, đúc kết nhiều bài học từ hai dự án khủng Tết Ở Làng Địa Ngục và Kẻ Ăn Hồn, ekip Cám kỳ vọng đây sẽ là tác phẩm khiến khán giả khó quên sau khi theo dõi cũng như mang đến những thông điệp đáng suy ngẫm về xã hội.
Phim điện ảnh Cám dự kiến khởi chiếu vào ngày 27/9/2024.
Theo dõi voh.com.vn để không bỏ lỡ những thông tin mới nhất về showbiz, phim ảnh, âm nhạc, TV Show... tại chuyên mục Giải trí.