Trước hết, Gia Tài Của Ngoại (How to Make Millions Before Grandma Dies) không được quảng bá là phim bom tấn, nhưng chính những thước phim giản dị, mang nhiều ẩn ý và giá trị tinh thần đã giúp tác phẩm trở thành bom tấn trong lòng khán giả.
Hơn nữa, cái hay của phim là người xem ở nhiều độ tuổi, bất kể giới tính, các thành viên trong gia đình, thậm chí là ba thế hệ, vẫn có thể thoải mái đi xem cùng nhau.
Trước khi về Việt Nam, Gia Tài Của Ngoại từng “náo loạn” rạp phim Thái Lan. Phim điện ảnh do “nam thần” Billkin đóng chính liên tục ghi nhận kỷ lục về doanh thu kể từ khi phát hành hồi đầu tháng 4/2024. Tại các nước châu Á như Trung Quốc, Philippines, Lào, Malaysia, Singapore… Gia Tài Của Ngoại trở thành “cơn sốt” phòng vé, nhanh chóng bỏ túi lợi nhuận khủng.
Trên IMDb, phim nhận điểm đánh giá lên đến 8.5/10 cùng nhiều nhận xét tích cực. Dạo quanh các bài đăng trên facebook, twitter hay tiktok, không khó để bắt gặp hình ảnh khán giả khóc đến sưng mắt khi xem phim. Có cả một bộ phận người Việt còn “chơi lớn” qua Thái Lan để thưởng thức phim trước khi tác phẩm được phát hành tại Việt Nam.
Vậy điều gì làm khán giả mê mẩn Gia Tài Của Ngoại đến thế?
Đôi nét về Gia Tài Của Ngoại
- Tên gốc: หลานม่า
- Tên tiếng Anh: How to Make Millions Before Grandma Dies
- Thể loại: Gia đình, chính kịch
- Thời lượng: 125 phút
- Ngày phát hành: 7/6/2024
- Đạo diễn: Pat Boonnitipat
- Biên kịch: Ped Thodsapon Thiptinnakorn
- Diễn viên: Putthipong Assaratanakul, Usha Seamkhum, Sanya Kunakorn, Sarinrat Thomas, Tontawan Tantivejakul
- Đơn vị sản xuất: GDH
Gia Tài Của Ngoại đưa người xem theo dõi cuộc đời của thằng M (Putthipong Assaratanakul), một thiếu niên bình thường, bỏ học để theo đuổi nghề streamer với hy vọng sẽ kiếm được bộn tiền mà chẳng cần bỏ nhiều công sức. Nhưng cuối cùng, M cũng chỉ là đứa con thất bại, ăn bám mẹ và không biết làm gì với cuộc đời của mình.
Ánh sáng của cuộc đời thằng M xuất hiện khi Mui (Tontawan Tantivejakul), em họ của anh, thừa kế căn nhà giá 10 triệu baht chỉ nhờ chăm sóc người ông quá cố. Điều đó khiến cho M tin rằng, bà ngoại đang bị ung thư Taew (Usha Seamkhum) chính là kho báu của mình. Vì con cháu không thường xuyên ghé thăm nên M tình nguyện đến chăm sóc bà với ước mơ sẽ trở thành người được yêu thích nhất và nhận tài sản kế thừa như Mui.
Một bà, một cháu chung sống trong căn nhà cũ kỹ. Thật không dễ để thằng M trở thành đứa cháu yêu quý vì tình cách và sự khác biệt trong cách sống. Ngoại có đến ba người con có khả năng được hưởng di sản, trong khi M là đứa cháu rắc rối. Vì vậy, cậu ta phải cố gắng nhiều hơn dự tính.
Sau thời gian ở cùng ngoại, thằng M khám phá ra thứ còn quan trọng hơn tiền. Mỗi ngày chăm sóc bà ngoại đã dạy cho M một điều sâu sắc hơn bất cứ những gì mà nó biết được từ trước đến nay.
Một câu chuyện bình thường nhưng phản ánh những vấn đề trong một gia đình châu Á
Cốt truyện của phim không có nhiều đặc sắc hay bất kỳ cú “twist” nào, chủ yếu sẽ là hình ảnh về cuộc sống đời thường của thằng M và bà ngoại trong gần như toàn bộ câu chuyện.
Tác phẩm mở đầu bằng hình ảnh cả gia đình đi tảo mộ. Gia đình bà Taew gồm con trai cả Kiang (Duu Sanya Kunakorn), con gái thứ Xiu (Jear Sarinrat Thomas) - mẹ của M và thằng “út cưng” Soi (Phuak Pongsatorn Jongwilas).
Cả ba được ví như hình ảnh tiêu biểu của con cái trong gia đình Thái-Hoa. Kiang là người con trai thành đạt. Xiu là người con đủ ăn, đủ mặc. Còn Soi là đứa trẻ được mẹ chiều hư, vô công rỗi nghề. Thế nên, Kiang là đứa con trai yêu quý của bà ngoại, khiến những anh chị em khác chỉ có thể ghen tị.
Dẫu vậy, thứ Kiang giúp mẹ mình khi về già đó là bỏ tiền, không bỏ sức để chăm mẹ. Nhiệm vụ chăm sóc người già khi đau ốm thuộc về cô con gái duy nhất trong gia đình, Xiu. Không những vậy, mang tiếng là anh em một nhà nhưng khi mẹ “gần đất xa trời”, những đứa con luôn được bà Taew yêu thích xảy ra lục đục chỉ vì quyền thừa kế căn nhà cũ kỹ của bà.
Một tác phẩm “tốn” nước mắt
“Sẽ có người chờ khi ta trở về. Nhưng sự chờ đợi đó sẽ không kéo dài mãi”.
Trong 2-3 năm qua, GDH, hãng sản xuất phim từng ghi dấu ấn bằng phim ăn khách Thiên Tài Bất Hảo (2017) và Yêu Nhầm Bạn Thân (2019), liên tục bị đánh giá thấp bởi những tác phẩm mới thường có khởi đầu buồn tẻ. Vì quá tập trung vào phân khúc người xem là thanh thiếu niên nên nhiều khi các nhóm khán giả khác không thể tiếp cận được những bộ phim đó. Thế nên, phim dù có thông điệp hay nhưng vẫn bị khán giả nhiều phần chối bỏ.
Sang Gia Tài Của Ngoại, GDH chuyển hướng, tập trung vào nhóm đối tượng rộng hơn: gia đình. Và phải thừa nhận, sự thay đổi này đã mang về “trái ngọt” vượt mong đợi.
“Sẽ có người chờ khi ta trở về. Nhưng sự chờ đợi đó sẽ không kéo dài mãi”, đây là một trong những khẩu hiệu trên poster Gia Tài Của Ngoại tại Thái Lan, và tất nhiên, thông điệp này được truyền tải xuyên suốt nội dung phim.
Xuyên suốt hơn 2 tiếng, phim kể về sự cô độc của người phụ nữ 76 tuổi luôn ngóng chờ con cháu quây quần trong những dịp lễ quan trọng. Cả đời bà dành hết tình yêu cho con cái. Thường ngày, ngoại có thể ăn đồ hết hạn sử dụng, tiết kiệm từng li từng tí nhưng sau cùng, ngoại vẫn dành hết gia tài cho những "gia tài" của mình. Đến cả nơi an nghỉ bà cũng sắp xếp sao cho con cháu được hưởng phước nhiều nhất.
Sự đáng thương của bà Taew nhẹ nhàng đánh vào trái tim của khán giả, làm bạn bất chợt nhớ về ba mẹ, ông bà của mình. Người lớn có thể cô đơn, họ có thể tủi, nhưng họ sẽ không bao giờ nói thẳng điều đó với con cháu. Họ chấp nhận là người chịu thiệt và quan trọng hơn hết, họ sẵn sàng hy sinh cốt để gia đình được mạnh khỏe, phú quý.
"Cái người lớn tuổi cần mà không đứa con nào cho được chính là 'thời gian'"
Sau câu nói trên của Mui, Gia Tài Của Ngoại như được bật công tắc và đi vào hành trình bán thời gian để kiếm tiền của thằng M. Ban đầu chẳng êm đẹp, thậm chí thằng M bị ngoại đuổi khỏi nhà trong ngày đầu tiên, nhưng càng về sau, nút thắt giữa hai bà cháu càng được tháo gỡ. Thằng M dần biết được bà cần gì, học được cách hiểu và yêu bà hơn. Ngược lại, sự cô đơn của ngoại dần phai nhòa đi. Dù mục đích của cậu sai trái nhưng càng về cuối, khán giả không khỏi động lòng mong M sẽ trở thành cháu ngoại yêu quý của bà.
Gia Tài Của Ngoại là tác phẩm nặng cảm xúc, đạo diễn luôn khiến người xem bật cười trong những màn đối đáp “ăn thua đủ” của ngoại Taew và M, nhưng chẳng được bao lâu lại phải lấy tay gạt nước mắt vì "đời" đến cảm động.
Cái hay của phim là người xem không chỉ khóc vì cảnh buồn. Bạn có thể sẽ bật khóc vì vui sướng và mãn nguyện. Không cần quá cao xa, chỉ cần thấy thằng M thay đổi cách sống để làm ngoại vui, thấy cách thằng M suy nghĩ chín chắn và chu đáo để bà an tâm nhắm mắt xuôi tay thì bạn đã tốn nhiều tờ khăn giấy.
Phản ứng hóa học bất chấp tuổi tác
Một trong những điểm thuyết phục khi theo dõi Gia Tài Của Ngoại chính là vai thằng M do Billkin (Putthipong Assaratanakul) đóng. Thử thách của nhân vật này là nếu diễn viên không thể cân bằng tốt cảm xúc của nhân vật, M sẽ là đứa cháu bị ghét vì những hành động bất hiếu, vụ lợi. Tuy nhiên, cách Billkin thể hiện thành công đến mức khán giả không thể ghét nhân vật mà còn hy vọng, M có thể lấy được gia tài của ngoại.
Về bà Taew do Usha Seamkhum thủ vai, dù là diễn viên mới, nhưng bà vẫn để lại bao cảm xúc cho khán giả. Vẻ ngoài của ngoại Taew thoạt đầu toát lên vẻ sang trọng, tựa như có đàn con hiếu thảo ngày đêm chăm sóc tốt cho bà. Dần về sau, bà tiều tụy hơn khi bệnh tật trở nặng, nhưng đáng lưu ý là gương mặt ngoại Taew luôn toát lên vẻ phúc hậu, nụ cười xuất hiện nhiều hơn khi cuối cùng cũng có đứa cháu đến bầu bạn.
Những đoạn hội thoại và nét diễn của Billkin và Usha thật như không diễn. Cách nhả thoại tự nhiên cùng ánh mắt chân thật đến nỗi không cần làm gì nhiều, họ vẫn làm khán giả cùng vui, cùng buồn qua từng thước phim. Một người bà ương bướng, một đứa cháu kháu khỉnh, tùy hứng cùng “phá hủy” nỗi cô đơn của nhau khiến khán giả tuôn trào cảm xúc.
Thành công bằng những điều bình dị
Bên cạnh được lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật, để Gia Tài Của Ngoại đạt đến mức đời như ca ngợi một phần nhờ vào sự kỳ công trong quá trình sản xuất. Phim mất 3 năm để phát triển kịch bản. Suốt giai đoạn ghi hình, từng phân cảnh được “cân đo, đong đếm” kỹ lưỡng và có sự ứng biến thông minh để truyền tải nội dung một cách dễ hiểu và cảm động nhất.
Thực tế, có một phân cảnh không có trong kịch bản nhưng vì đạo diễn thấy dễ thương nên đã đưa vào phim. Và cuối cùng, nó trở thành một trong những đoạn đắt giá, được làm thành poster riêng.
Phim không cần nhiều diễn viên, tuyến chính chỉ có thằng M và ngoại. Điểm qua dàn nhân vật phụ cũng chỉ có 5 người. Dẫu vậy, dù chính hay phụ, cách mỗi diễn viên nhập vai đều thành công mang đến nhân vật chứa nhiều ẩn ý với câu chuyện riêng rõ ràng và ý nghĩa. Mỗi người đều có điểm nhấn, không bị lu mờ và in sâu vào trí nhớ của khán giả sau khi phim kết thúc.
Theo trí nhớ của tác giả, dường như Gia Tài Của Ngoại không sử dụng bất kỳ đoạn nhạc có lời nào. Tác phẩm khiến người xem tập trung tối đa vào câu chuyện và biểu cảm của diễn viên qua những khung hình tối giản nhất có thể. Chỉ thỉnh thoảng, từng thước phim mới được nâng cao giá trị qua đoạn piano nhẹ nhàng, chậm rãi.
Phim ảnh để chạm đến cảm xúc của khán giả ở các nước, ngoài câu chuyện gần gũi, có ý nghĩa thì việc loại bỏ rào cản văn hóa chính là một trong những điều cần thiết. Riêng Gia Tài Của Ngoại khi chiếu ở Việt Nam, tác phẩm đã làm tốt điều này đến mức khán giả dễ nhầm tưởng đây là sản phẩm được quay tại Việt Nam. Góc quay đẹp với bối cảnh quen thuộc, đời sống sinh hoạt đậm chất Đông Nam Á giúp phim dễ dàng ghi điểm với khán giả.
Nhìn thấy ngôi nhà chứa bao đồ cũ kỹ mà bà Taew xem là quý giá, căn phòng kiểu cũ với mùng, màn; ngôi chùa giữa thành phố tấp nập; khu dân cư bên cạnh đường tàu; cánh cửa sắt rỉ sét hay người dân trong những hẻm nhỏ…. tất cả đều gợi nhớ về ông bà, về ký ức một thời.
Tóm lại Gia Tài Của Ngoại là một bộ phim gia đình với những câu chuyện đời thường, được kể một cách tinh tế, chắc chắn có giá trị về mọi mặt.
Khẩu hiệu “Câu chuyện có thật của mọi gia đình” không hề được nhà sản xuất phóng đại. Bạn sẽ thấy mình, gia đình mình đâu đó trong phim. Có thể là chuyện chăm sóc người già, chuyện cho đi vì tình thân mà không cần hồi đáp hay tranh giành quyền thừa kế…
Phim về gia đình tại Việt Nam không thiếu, điển hình như Lật Mặt 7: Một Điều Ước của Lý Hải. Nhưng với cách truyền tải câu chuyện khác biệt, tin chắc rằng Gia Tài Của Ngoại là tác phẩm bạn không nên bỏ lỡ vào tháng 6 này.
Gia Tài Của Ngoại chính thức khởi chiếu từ ngày 7/6/2024.
Theo dõi voh.com.vn để không bỏ lỡ những thông tin mới nhất về showbiz, phim ảnh, âm nhạc, TV Show... tại chuyên mục Giải trí.