(Bài viết không tiết lộ nội dung phim)
Phim sinh tồn vốn không phải là một thể loại quá xa lạ với công chúng nhưng nó lại là cụm từ "xa xỉ" khi đặt vào bối cảnh phim điện ảnh Việt ở thời điểm hiện tại.
Khán giả Việt hầu như chẳng còn niềm tin vào phim sinh tồn do người Việt sản xuất sau hàng loạt cú "ngã ngựa" của Rừng Thế Mạng, Cù Lao Xác Sống, Virus Cuồng Loạn...
Chịu ảnh hưởng từ những tác phẩm đi trước, Móng Vuốt - một bộ phim sinh sau đẻ muộn về thể loại sinh tồn của đạo diễn Lê Thanh Sơn cũng bị "vạ lây" khi bị khán giả nghi ngờ là thảm họa tiếp theo của màn ảnh rộng.
Phim sinh tồn Việt: Vì đâu nên nỗi?
Ở mỗi thị trường điện ảnh khác nhau, do tính chất về văn hóa và thói quen thưởng thức nghệ thuật mà các nhà làm phim sẽ có những phương án riêng để tạo nên những bộ phim phù hợp với thị hiếu người xem. Ở Việt Nam, nếu hỏi công chúng có sẵn sàng bỏ tiền ra xem phim về đề tài sinh tồn không, câu trả lời vẫn là "có".
Bằng chứng là những bộ phim sinh tồn như Train To Busan hoặc A Quiet Place đều thắng đậm khi công chiếu tại thị trường Việt Nam. Vậy nguyên nhân nào khiến Rừng Thế Mạng, Cù Lao Xác Sống lẫn Virus Cuồng Loạn chịu cảnh thua lỗ trên chính sân nhà?
Sự khác biệt ấy nằm ở chất lượng.
Nhiều đạo diễn, nhà bình luận cho rằng nên thông cảm cho điện ảnh Việt còn non trẻ lẫn kinh phí eo hẹp nên phần kỹ xảo và bối cảnh ắt hẳn không thể so bì với hai ông lớn như Hàn Quốc hay Hollywood. Tuy nhiên, những bộ phim sinh tồn của Việt Nam đều mắc phải những lỗi nghiêm trọng như kịch bản rời rạc, tạo hình lẫn diễn xuất "giả trân" của dàn diễn viên.
Vậy câu hỏi tiếp theo là khán giả Việt phải chấp nhận tha thứ cho lời biện hộ này đến bao giờ? Công chúng là người bỏ tiền ra xem phim, họ chấp nhận mất 2 tiếng ngồi trong rạp để thưởng thức trọn vẹn tâm huyết của một ekip nào đó, nhưng đổi lại phải là sự "tha thứ" lần này đến lẫn khác bởi những "lỗi" không phải do mình.
Phản ứng khán giả là thước đo để điện ảnh Việt có nhiều điểm nhìn và hướng mới phát triển. Vì thế, đừng "lấy cắp" cảm xúc và thời gian của khán giả để bắt họ phải sinh tồn trong nghề nghiệp của người gắn mác cống hiến cho nghệ thuật.
Móng Vuốt khắc phục được những nhược điểm của các tác phẩm tiền nhiệm
Nhắc đến Móng Vuốt, tuy bộ phim sinh sau đẻ muộn nhưng đứa con tinh thần của đạo diễn Lê Thanh Sơn lại trở thành điểm sáng hiếm hoi của thể loại này khi những ngày đầu công chiếu đã nhận được những phản hồi tích cực. Móng Vuốt không phải một tác phẩm xuất sắc, nhưng nó nằm ở mức "chấp nhận được".
Cái hay của Móng Vuốt đó là không cần một câu chuyện quá vĩ mô. Nội dung của bộ phim xoay quanh hành trình sống còn của nhóm bạn trẻ gồm 7 người khi vô tình cắm trại ở một nơi tồn tại một con gấu dữ có tên là Mật.
Xuyên suốt 115 phút, khán giả đứng ngồi không yên khi lần lượt chứng kiến các thành viên bỏ mạng vì những nguyên nhân khác nhau. Số còn lại, họ phải cố gắng chống chọi để thoát khỏi nanh vuốt của tử thần.
Bối cảnh của bộ phim diễn ra trong rừng sâu và trên một chiếc xe hơi, chủ yếu quay vào ban đêm. Dù điều kiện quay có phần khắc nghiệt, ekip phải vật lộn với cái nắng mưa thất thường của thời tiết nhưng ít nhất bối cảnh đáp ứng được khả năng mà một ekip Việt Nam có thể "cân" được.
Phần tạo hình trái ngược của dàn diễn viên ở cảnh mở đầu với visual tỏa sáng và cảnh đối đầu với thú dữ bám đầy bụi và vết thương, được tổ hóa trang thực hiện chân thực.
Trong đó, NSƯT Công Ninh, Rocker Nguyễn hay Hồng Thanh đều là những nhân vật khiến khán giả ám ảnh nhất bởi những cảnh quay có phần man rợ.
Thêm vào đó, phần âm thanh được đặt đúng chỗ trong những phân cảnh hành động hoặc cần bùng nổ cảm xúc càng giúp Móng Vuốt thăng hoa về mặt trải nghiệm.
Kỹ xảo không còn "hết hồn" mà đã "nên hồn"
Tuy lựa chọn nhiều điểm an toàn và biến thành điểm cộng, nhưng Móng Vuốt vẫn vướng phải thử thách lớn đó là phần tạo hình của con gấu. Vì việc sử dụng gấu thật hoặc mascot cho những cảnh quay nguy hiểm là điều bất khả thi nên đạo diễn đã quyết định dùng sự trợ giúp của công nghệ VFX.
Nhận ra vấn đề quan ngại và sự tò mò của khán giả về tạo hình con gấu, trong quá trình quảng bá truyền thông, nhà sản xuất đã công bố đơn vị phụ trách phần VFX (hiệu ứng hình ảnh) do AIOI Studios phụ trách. Đây là công ty từng làm VFX cho phim của Disney+ và Netflix.
Theo chia sẻ của đạo diễn Lê Thanh Sơn, phần kỹ xảo này đã "ngốn" tận 30% kinh phí làm phim. Tuy nhiên, những thông tin này vẫn chưa đủ thuyết phục khán giả.
May thay, tạo hình thú dữ này khi "debut" trên màn ảnh rộng đã làm người xem thở phào nhẹ nhõm bởi "cũng không đến nỗi nào". Dù đôi lúc vẫn còn khoảnh khắc thiếu chiều sâu, nhưng sản phẩm của nhà AIOI Studios đã thể hiện tốt sự tàn bạo, hung dữ ở những phân cảnh rượt đuổi, giết người.
Nhiều điểm trùng lặp giữa Móng Vuốt và Em Chưa 18
Điện ảnh Việt Nam trong những năm qua chứng kiến sự đổi ngôi ngoạn mục khi Trấn Thành hay Lý Hải bứt phá trở thành ông lớn thống trị phòng vé. Trong khi đó, thời hoàng kim của đạo diễn Lê Thanh Sơn rơi vào năm 2017 với Em Chưa 18.
Khi ấy, nam đạo diễn gây ấn tượng với người xem bởi hướng đi khác biệt khi kể một câu chuyện học đường Việt Nam nhưng đậm màu sắc phương Tây. Đó cũng là lần đầu tiên biên kịch Trần Khánh Hoàng và đạo diễn Lê Thanh Sơn hợp tác với nhau.
Lần hợp tác thứ 2 sau 7 năm, bộ đôi tiếp tục phát huy thế mạnh này ở Móng Vuốt. Nội dung kể về nhóm bạn trẻ Việt nhưng tạo hình, gu thời trang của Tuấn Trần, Thảo Tâm, Naomi, Quốc Khánh, Rocker Nguyễn, Gi A Nguyễn lẫn Ceri Thu Hà đều mang phong cách phương Tây nhìn bắt mắt và cá tính hơn. Ngay cả trong phương pháp sinh tồn, biên kịch Trần Khánh Hoàng cũng cho thấy việc bị ảnh hưởng bởi tư duy từ nước bạn.
Nếu Em Chưa 18 gây sốt bởi chemistry bùng nổ giữa Kiều Minh Tuấn - Kaity Nguyễn thì ở Móng Vuốt, cả ba cặp đôi đều có màn trình diễn ấn tượng và đồng đều. Cách các diễn viên lột tả tâm lý nhân vật khiến khán giả ngồi trước màn ảnh tin rằng họ là nhóm bạn thân thực sự chứ không phải cố tỏ ra "thân".
Đặc biệt, tuy lần đầu tiên đóng cặp cùng nhau, nhưng Thảo Tâm lẫn Tuấn Trần đều thể hiện sự ăn ý với bạn diễn khi khắc họa thành công đôi tình nhân còn yêu nhưng bất đắc dĩ trở thành người cũ.
Thêm vào đó, giữa Móng Vuốt và Em Chưa 18 đều sở hữu những câu thoại "đinh". Tuy Móng Vuốt không có những câu thoại bắt trend vì ảnh hưởng của việc hoãn chiếu, nhưng có khả năng những câu thoại thú vị, không đụng hàng trong Móng Vuốt sẽ tạo trend trong thời gian sắp tới, như trường hợp Em Chưa 18 từng gây bão một thời.
Vẫn tồn tại những điểm trừ
Dù không phải là tác phẩm tiên phong về dòng phim sinh tồn nhưng Móng Vuốt là tác phẩm có chất lượng ổn áp nhất tính đến thời điểm hiện tại. Tuy vậy, dự án vẫn không tránh khỏi những điểm trừ đáng tiếc.
Lựa chọn đề tài gai góc và sở hữu nhiều yếu tố để tạo plot twist nhưng Móng Vuốt vẫn trung thành với cốt truyện an toàn từ đầu đến khi phim hạ màn. Nếu bạn kỳ vọng về một tác phẩm tranh đấu giữa cái thiện và cái ác, sự giằng co giữa khao khát được sống và lương tâm trong nghịch cảnh thì Móng Vuốt khó có thể mang đến cảm giác trọn vẹn.
Bộ phim đáng ra nên bứt phá ở những giây phút cuối cùng, nhưng nó lại "hiền" và lý tưởng đến bất ngờ. Chưa kể, trong một số phân cảnh, thoại của diễn viên vẫn còn mang tính "kịch". Việc lạm dụng thoại tiếng Anh cũng là yếu tố khiến khán giả chưa thực sự hài lòng.
Thêm vào đó, biên kịch Trần Khánh Hoàng cho thấy nỗ lực cài cắm khá nhiều thông điệp về tình yêu, tình thân, vấn đề có thai, yêu lâu không cưới, nhưng nó lại chỉ xuất hiện thoáng qua và không thực sự tạo nên hiệu ứng cảm động hay bùng nổ về mặt cảm xúc.
Cái kết của Móng Vuốt khép lại cũng đặt ra nhiều dấu chấm hỏi cho khán giả khi tung tích của những thành viên mất tích vẫn chưa rõ ràng. Liệu tất cả họ đã chết hay vẫn còn thoi thóp chờ người đến cứu? Đáng tiếc, đáp án này lại bị bỏ ngỏ khiến khán giả chưng hửng khi ánh đèn phòng chiếu đột nhiên bật sáng.
Trailer Móng Vuốt
Bộ phim điện ảnh Móng Vuốt khởi chiếu tại các rạp trên toàn quốc vào ngày 07/06/2024.
Theo dõi voh.com.vn để không bỏ lỡ những thông tin mới nhất về showbiz, phim ảnh, âm nhạc, TV Show... tại chuyên mục Giải trí.