Tiêu điểm: Nhân Humanity

Review phim Chị Dâu: Mối quan hệ chị dâu - em chồng trên màn ảnh rộng sẽ như thế nào?

VOH - Lấy đề tài về một mối quan hệ gia đình hiếm được khai thác trên màn ảnh, phim điện ảnh Chị Dâu trở thành tác phẩm gây chú ý dịp cuối năm 2024.

Phim điện ảnh Chị Dâu ngay từ khi công bố đã gây chú ý khi quy tụ các diễn viên gồm Việt Hương, Hồng Đào, Đinh Y Nhung, Lê Khánh và Ngọc Trinh. Tác phẩm đánh dấu sự trở lại con đường nghệ thuật của "nữ hoàng nội y" Ngọc Trinh sau thời gian dài vắng bóng vì lùm xùm đời tư khiến nhiều khán giả không khỏi tò mò. 

Trái với những dự đoán trước khi ra mắt, Chị Dâu hiện đang nhận về đông đảo lời khen ngợi từ khán giả và dẫn đầu phòng vé chỉ sau 1 ngày khởi chiếu chính thức. Vậy tác phẩm này có những ưu, khuyết điểm nào và có thực sự đáng để đến rạp thưởng thức?

review-phim-chi-dau-moi-quan-he-chi-dau-em-chong-tren-man-anh-rong-se-nhu-the-nao002
Poster chính thức của Chị Dâu

Trailer phim: 

 

 

*Bài viết có tiết lộ một phần nội dung phim*

Nội dung sơ lược

Chị Dâu xoay quanh câu chuyện giữa người chị dâu cả Hai Nhị (Việt Hương) và bốn cô em chồng gồm Ba Kỳ (Hồng Đào), Tư Ánh (Đinh Y Nhung), Năm Thu (Lê Khánh), Út Như (Ngọc Trinh). Năm chị em có cuộc sống rất khác nhau, người có sự nghiệp ổn định ở thành thị, người lại có bao nỗi bất hạnh về hôn nhân, lo lắng cơm ăn áo mặc. 

Mâu thuẫn của năm chị em, cũng là nút thắt của bộ phim bắt đầu vào ngày giỗ mẹ. Là dâu cả trong gia đình, Hai Nhị quyết định mọi việc trong đám giỗ, bao gồm cả việc mời toàn bộ hàng xóm đến ăn tiệc. Điều này khiến bốn cô em không hề hài lòng. Những cuộc cãi vã càng thêm căng thẳng khi Hai Nhị thông báo chuyện sửa nhà từ đường hơn trăm năm tuổi.

review-phim-chi-dau-moi-quan-he-chi-dau-em-chong-tren-man-anh-rong-se-nhu-the-nao001
Phim xoay quanh những cuộc đối đầu của năm chị em

Từ những bất đồng trong gia đình, bộ phim còn thể hiện những góc khuất trong cuộc sống thông qua câu chuyện của các nhân vật. Bất kì ai cũng có những nỗi niềm riêng khó thể chia sẻ ra.

Điểm cộng 

Kịch bản rõ ràng, hợp lý

Câu chuyện của phim được chia thành ba phần: Đám giỗ, Nhà từ đường và Chị dâu. Ở hai đoạn đầu, phim cho người xem được biết về những mâu thuẫn đang tồn tại trong gia đình, đồng thời thể hiện tính cách và câu chuyện cá nhân của từng nhân vật. Đến phần cuối cũng là phần cao trào, năm chị em có những màn đấu tranh tâm lý căng thẳng, từ đó gửi gắm thông điệp sâu sắc về tình cảm gia đình cùng những triết lý sống. 

Việc chia phim ra bố cục rõ ràng và hiện tiêu đề ở mỗi đoạn chuyển phần giúp người xem dễ dàng theo dõi được nội dung câu chuyện, đồng thời giúp mạch phim được liền mạch và không bị ôm đồm quá nhiều vấn đề trong một tình huống. Mâu thuẫn xảy ra trong đám giỗ cùng với tranh cãi về việc sửa ngôi nhà cổ được sắp xếp riêng biệt, khắc hoạ rõ nét không khí ngột ngạt trong gia đình. 

review-phim-chi-dau-moi-quan-he-chi-dau-em-chong-tren-man-anh-rong-se-nhu-the-nao004
Phim có bố cục câu chuyện rõ ràng

Điểm khiến nhiều khán giả bất ngờ nhất chính là kịch bản phim. Trước khi ra mắt, phim bị hoài nghi về chất lượng khi nói về chị dâu và em chồng. Đây là mối quan hệ không có máu mủ với nhau, vì vậy sẽ khó khai thác về tình cảm hay sự gắn bó giữa các nhân vật.

Tuy nhiên, Hai Nhị trong Chị Dâu dường như đã trở thành một thành viên ruột thịt trong gia đình bởi bà không còn cha mẹ ruột, xem nhà chồng như nhà mình và một tay quán xuyến mọi việc dù chồng cũng đã qua đời. Vì vậy mà giữa bốn cô em và người chị dâu cả có sự liên kết, hợp lý với tình huống ngoài đời thực.

review-phim-chi-dau-moi-quan-he-chi-dau-em-chong-tren-man-anh-rong-se-nhu-the-nao008
Nhân vật Hai Nhị được xây dựng kỹ lưỡng vì có vai trò quan trọng trong câu chuyện

Dàn diễn viên thực lực

Trong năm nhân vật, vai Hai Nhị và Ba Kỳ đóng vai trò quan trọng và có những chuyển biến tâm lý phức tạp. Hai diễn viên nhiều kinh nghiệm là Việt Hương và Hồng Đào là lựa chọn thích hợp dành cho hai vai này. Sở hữu thời lượng lên hình lớn nhất, Việt Hương thể hiện đa dạng cảm xúc, từ lo lắng đến đau khổ, bất lực. Trong khi đó, Hồng Đào làm tốt những phân đoạn mâu thuẫn căng thẳng, góp phần khiến không khí phim thêm "nghẹt thở". 

review-phim-chi-dau-moi-quan-he-chi-dau-em-chong-tren-man-anh-rong-se-nhu-the-nao015
Những cảnh quay cao trào cảm xúc không thể làm khó Hồng Đào

Đến với Chị Dâu, khả năng diễn xuất của Ngọc Trinh đã có sự tiến bộ đáng kể. So với các tác phẩm trước, vai Út Như của Ngọc Trinh ít đất diễn hơn nhưng lại "nặng đô" hơn về tâm lý. Nữ diễn viên 8X đã khiến khán giả bất ngờ khi làm tròn vai cô em út bộc trực, thẳng thắn với các chị, đồng thời là một người phụ nữ nhiều nỗi khổ khi có chồng "ăn hại", gánh vác khoản nợ lớn và áp lực nuôi con ăn học. 

review-phim-chi-dau-moi-quan-he-chi-dau-em-chong-tren-man-anh-rong-se-nhu-the-nao016
Út Như là vai diễn khác các vai trước của Ngọc Trinh ở nhiều khía cạnh

Điểm sáng của phim Chị Dâu không thể không kể đến màn thể hiện của diễn viên Lê Khánh. Cũng như Út Như, vai Năm Thu của cô cũng không sở hữu nhiều thời lượng xuất hiện. Tuy nhiên, giữa bầu không khí đầy "drama" căng thẳng, nhân vật Năm Thu với tính cách ba phải đã mang lại nhiều tiếng cười cho khán giả. Lê Khánh có những "miếng" hài thực tế, nhẹ nhàng nhưng đủ để khắc hoạ nhân vật và không làm cho phim đi lệch với định hướng. 

review-phim-chi-dau-moi-quan-he-chi-dau-em-chong-tren-man-anh-rong-se-nhu-the-nao013
Lê Khánh đảm nhận thể hiện yếu tố hài hước cho bộ phim

Yếu tố mới lạ 

Phim Chị Dâu còn có chi tiết gây bất ngờ về người thuộc cộng đồng LGBT. Điều này đã được nhà làm phim "giấu bài", không tiết lộ ở bất kỳ đâu trước ngày khởi chiếu chính thức. 

Nhân vật Tư Ánh do Đinh Y Nhung đảm nhận được xây dựng là một phụ nữ đồng tính. Khác với các chị em đều đã có chồng, sinh con, Tư Ánh vẫn ở lầm lì trong ngôi nhà từ đường của cha mẹ để lại. Sống ở miền quê, Tư Ánh không được nhiều người xung quanh chấp nhận con người thật, thậm chí bị miệt thị, xúc phạm. Cô còn chịu nhiều đau khổ vì những cuộc tình đổ vỡ, không được công nhận. 

review-phim-chi-dau-moi-quan-he-chi-dau-em-chong-tren-man-anh-rong-se-nhu-the-nao014
Đinh Y Nhung lần đầu hoá thân vào nhân vật là LGBT

Tuy yếu tố về LGBT chỉ xuất hiện thoáng qua và vai Tư Ánh có ít đất diễn nhất trong năm nhân vật nhưng sự sáng tạo này đã đem đến một màu sắc mới lạ cho phim. Nếu khai thác không đúng cách, chủ đề này có thể bị phản tác dụng và chịu sự phẫn nộ từ công chúng. Nhà làm phim Chị Dâu đã hoàn thành tốt khía cạnh này.

Ý nghĩa sâu sắc

Với một phim thuộc thể loại tâm lý - xã hội, thông điệp là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định sự thành công của tác phẩm. Phim Chị Dâu lấy bối cảnh câu chuyện đơn giản nhưng phản ánh được nhiều vấn đề khác nhau trong đời sống thực tế. 

Thông điệp rõ ràng nhất qua bộ phim chính là về tình cảm gia đình. Dù có mâu thuẫn nhưng năm chị em trong cơn hoạn nạn vẫn lo lắng và che chở cho nhau. Chị Hai Nhị đôi khi có những việc làm khiến các em khó chịu nhưng tất cả hành động đều xuất phát từ sự quan tâm và tình yêu thương. 

review-phim-chi-dau-moi-quan-he-chi-dau-em-chong-tren-man-anh-rong-se-nhu-the-nao007
Các chị em hiểu nhau và yêu thương nhau nhiều hơn sau biến cố

Khung cảnh tại đám giỗ với đông đảo khách tham dự cũng ẩn chứa nhiều ý nghĩa. Phim nói lên những lối suy nghĩ lạc hậu còn tồn tại trong nhiều người, từ ép buộc con cái đến việc đem chuyện của người khác soi mói, làm chủ đề bàn luận. Những tình huống sát với thực tế khiến người xem dễ dàng cảm nhận được câu chuyện, đôi khi có thể tự thấy được hình ảnh của bản thân. 

Điểm trừ 

Chưa kể chuyện bằng hình ảnh tốt

Dù có định hướng xây dựng nhân vật và cốt truyện tốt nhưng Chị Dâu lại mắc lỗi khi thể hiện lên màn ảnh. Phim sử dụng nhiều lời thoại để nói lên câu chuyện, thiếu những ngôn ngữ hình thể để khắc hoạ cảm xúc nhân vật. 

review-phim-chi-dau-moi-quan-he-chi-dau-em-chong-tren-man-anh-rong-se-nhu-the-nao006
Phim Chị Dâu chưa thể hoàn hảo ở mọi mặt

Ở đoạn đầu phim, các nhân vật được giới thiệu thông qua giọng kể của Hai Nhị. Đây là một lỗi mà các phim điện ảnh Việt hay mắc phải. Nhân vật nếu được tiếp cận với khán giả thông qua hành động, lời ăn tiếng nói sẽ có chiều sâu hơn. Có lẽ vì thời lượng hạn chế chỉ trong khoảng 100 phút cùng hệ thống một nhân vật chính và bốn vai thứ chính khiến nhà làm phim chưa thể hoàn thành tốt việc xây dựng câu chuyện qua hình ảnh thay vì lời nói. 

Kỹ xảo, âm thanh hạn chế

Dù tính chất phim không cần sử dụng các hiệu ứng đồ hoạ phức tạp nhưng một số hình ảnh như gọi điện video, tin nhắn điện thoại hay sấm sét trong cơn bão có độ hoàn thiện chưa cao. Các cảnh phim sử dụng kỹ xảo có phần "giả", chưa tạo cảm giác chân thật. 

Phim Chị Dâu có phần đáng tiếc khi thiếu đi âm nhạc, đặc biệt là các bản OST sáng tác riêng. Hầu như các phân đoạn sử dụng nhạc nền, đôi khi khiến người xem bị choáng ngợp bởi quá nhiều câu thoại nối tiếp nhau. Đoạn kết hay mở đầu cũng không có các bài hát được vang lên. 

Nhìn chung, ngoài những khuyết điểm nhỏ thì phim điện ảnh Chị Dâu đã vượt được mong đợi của công chúng. Tác phẩm đã được khởi chiếu chính thức từ ngày 20/12/2024. 

Theo dõi voh.com.vn để không bỏ lỡ những thông tin mới nhất về showbiz, phim ảnh, âm nhạc, TV Show... tại chuyên mục Giải trí.

 

 

 

Bình luận