Tiêu điểm: Nhân Humanity

Review phim Quỷ Cẩu: Khi truyền thuyết dân gian lên màn ảnh rộng trọn vẹn, sâu sắc và mượt mà

VOH - Là tác phẩm tâm linh "cạnh tranh" với hàng loạt phim kinh dị trong dịp cuối năm 2023 này, Quỷ Cẩu có gì đặc sắc?

Trong số các phim Việt ra mắt màn ảnh rộng dịp cuối năm 2023 này, Quỷ Cẩu là bộ phim có khâu marketing "trầm tính" hơn cả. Tuy quy tụ một dàn diễn viên chất lượng là NSND Kim Xuân, NSUT Hạnh Thúy, Quốc Quân, Vân Dung, Quang Tuấn,... nhưng Quỷ Cẩu lại không đẩy quá nhiều nội dung lên mạng để thu hút tương tác, cũng không có mấy người thảo luận về phim trong giai đoạn tiền phát sóng.

Mặc dù là vậy nhưng sau buổi họp báo kết hợp với premiere vào tối 20/12 vừa rồi, phim lại nhận được những phản ứng tích cực từ giới truyền thông và các khách mời. Có vẻ như bộ phim này muốn chọn cho mình một lối marketing mới mẻ hơn.

Vậy ở Quỷ Cẩu có gì đặc biệt? Có xứng đáng để bỏ tiền xem phim trên màn ảnh rộng? Cùng VOH tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé!

Kịch bản trọn vẹn, có chiều sâu, khai thác hiệu quả yếu tố văn hóa dân gian

Lấy cảm hứng từ truyền thuyết dân gian về loài chó trắng mũi đỏ (chó đội nón mê), Quỷ Cẩu lồng ghép thêm thông điệp về nhân tính, về nghiệp báo, về yêu thương động vật để viết nên một bộ phim hoàn chỉnh.

Chuyện phim bắt đầu khi người chủ của một gia đình chuyên làm nghề mổ thịt chó bất ngờ qua đời vào một đêm trăng thanh, gió mát. Sau cái chết bí ẩn của ông, những chuyện kỳ lạ, quỷ dị bắt đầu xảy đến với người trong gia đình, kèm theo đó là lời cảnh báo về chú chó trắng mũi đỏ được nuôi để trông nhà.

Cái hay của Quỷ Cẩu nằm ở phần kịch bản có bố cục rõ ràng, các sự kiện diễn biến tuần tự có logic. Nhờ vượt qua khâu kiểm duyệt mà không bị cắt bất kỳ cảnh nào cho nên mạch phim khá mượt.

Mặc dù là phim ma nhưng yếu tố tâm lý, những mâu thuẫn giữa người với người được tập trung khắc họa kỹ càng; có cốt truyện/tình tiết ẩn gây bất ngờ, có thông điệp thực tế, liên hệ được với cuộc sống chứ không chỉ đơn thuần là hù dọa khán giả bằng các màn tra tấn, máu me, jumpscare.

Review Quỷ Cẩu: Nỗ lực làm phim về truyền thuyết dân gian của Việt Nam 1
Quỷ Cẩu có phần kịch bản chắc tay, thông điệp rõ ràng về nghiệp báo

Một ưu điểm nữa chính là các chi tiết, tình tiết bí ẩn trong phim đều có lời giải thích rõ ràng, hợp lý, không khiến người xem cảm thấy chưng hửng, khó hiểu khi phim kết thúc. 

Bên cạnh đó, phần thoại của các nhân vật đều tự nhiên, dùng những ngôn ngữ nói gần gũi, dân dã chứ không hề bị "kịch", mang nặng cảm giác hoa mỹ của ngôn ngữ viết; đài từ của diễn viên dễ nghe nên giúp trải nghiệm xem phim thoải mái, chân thực hơn.

Một điểm sáng nữa của phần kịch bản đó là bảo toàn được chất tâm linh của một bộ phim ma. Phim không kết thúc theo kiểu "tất cả chỉ là một giấc mơ", hay nhân vật bị bệnh tâm lý, bị hoang tưởng, bị dàn cảnh hãm hại mà thật sự có sự tồn tại của hồn ma trong phim.

Review Quỷ Cẩu: Nỗ lực làm phim về truyền thuyết dân gian của Việt Nam 2
Phim bảo đảm được chất tâm linh, bí ẩn

Thêm vào đó, việc khai thác truyền thuyết dân gian của chính Việt Nam cũng là một ý tưởng hay ho và hiệu quả về nhiều mặt. Đầu tiên là giúp khán giả Việt biết thêm và khuyến khích họ tìm hiểu thêm về những nét đặc sắc trong văn hóa của nước nhà. Thứ hai là giúp "khai sinh" ra một hệ thống linh dị riêng cho nền điện ảnh Việt Nam.

Chúng ta từng thấy các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước Âu Mỹ... khai thác và quảng bá rất tốt về các truyền thuyết của riêng họ. Thông qua phim ảnh, họ biến các nhân vật ma quái như hồ ly chín đuôi, ma cà rồng, người sói, người phụ nữ rách miệng Kuchisake-onna,... trở thành những hình tượng phổ biến trong văn hóa đại chúng, như thể những "thương hiệu kinh dị" riêng của từng quốc gia.

Review Quỷ Cẩu: Nỗ lực làm phim về truyền thuyết dân gian của Việt Nam 3
Khai thác các chất liệu dân gian, các nhân vật trong truyền thuyết của chính Việt Nam là một ý tưởng hay

Với Quỷ Cẩu, có thể thấy được nỗ lực của các nhà làm phim Việt trong việc làm "sống dậy" văn hóa dân gian Việt Nam, dùng chính những nhân vật linh dị của riêng đất nước chúng ta để tạo nên một "thương hiệu" riêng như các quốc gia khác đã và đang làm, chứ không cố Việt hóa những hình tượng vốn không phù hợp với văn hóa bản địa. Như vậy, người Việt Nam cũng có thể tự hào vào sự giàu có của văn hóa, của truyền thuyết dân gian của chính tổ quốc mình.

Giám đốc sản xuất Võ Thanh Hòa tiết lộ, Quỷ Cẩu chỉ là truyền thuyết đầu tiên được mang lên màn ảnh rộng, anh và các anh em của mình vẫn còn ấp ủ chuyển thể thêm nhiều truyền thuyết dân gian Việt Nam nữa. Bởi vậy, khán giả hoàn toàn có thể tin tưởng vào sự mở rộng của "vũ trụ linh dị Việt Nam" trong tương lai sắp tới.

Review Quỷ Cẩu: Nỗ lực làm phim về truyền thuyết dân gian của Việt Nam 4
Sau chó đội nón mê, nhà sản xuất hứa hẹn sẽ còn tái hiện thêm nhiều truyền thuyết dân gian khác lên màn ảnh

Diễn viên thể hiện tròn vai

Quỷ Cẩu quy tụ dàn diễn viên từ cả 2 miền Nam - Bắc, vừa có lứa diễn viên gạo cội lẫn lứa diễn viên trẻ, nhưng điểm chung của họ là đều thể hiện tốt nhân vật của mình. Không có diễn viên nào bị xem là lỗ hổng diễn xuất, kể cả Mie - cô nàng DJ vừa lấn sân sang nghiệp diễn chưa lâu cũng đã có màn hóa thân đầy tự nhiên và thuyết phục trong vai Xuân.

Review Quỷ Cẩu: Nỗ lực làm phim về truyền thuyết dân gian của Việt Nam 5
Mặc dù Mie chỉ chấm mình 7/10 điểm cho vai Xuân nhưng đa phần khán giả đều bày tỏ bất ngờ về diễn xuất vượt mong đợi của cô nàng

Vào vai Nam, Quang Tuấn tiếp tục phát huy sở trường của mình với dòng phim kinh dị khi dẫn dắt khán giả qua đủ cung bậc cảm xúc. NSND Kim Xuân và các diễn viên kỳ cựu của nền phim ảnh Việt là Vân Dung, Quốc Quân, Đào Anh Tuấn, Kiến An đều cho thấy phong độ diễn xuất ổn định, tỏa sáng trong mọi phân cảnh mà họ xuất hiện.

Review Quỷ Cẩu: Nỗ lực làm phim về truyền thuyết dân gian của Việt Nam 6
Dàn diễn viên có những màn nhập vai xuất thần

Nhân tố để lại nhiều bất ngờ nhất trong dàn cast có lẽ chính là Nam Thư trong vai thím Liễu. Có thể nói, khán giả không hề tìm thấy bóng dáng của Nam Thư trong nhân vật Liễu. Mọi biểu cảm, lời thoại và hành động, cử chỉ của nữ diễn viên trên phim đều hết sức chân thực, thuyết phục. Đặc biệt, cảnh thím Liễu và bà Nga (NSND Kim Xuân) cãi nhau ở gần cuối phim là phân cảnh đặc sắc nhất, cao trào nhất và gây ấn tượng nhất của Nam Thư.

Về tổng thể, các diễn viên đã thành công thổi hồn cho nhân vật của mình, cũng như cho thấy những màn phối hợp đầy ăn ý. Qua đó, hình ảnh một gia đình "bất ổn" và từng cá nhân với những nét tính cách riêng biệt đều hiện lên một cách sống động, gần gũi mà không hề gượng gạo, "trật nhịp" với nhau.

Review Quỷ Cẩu: Nỗ lực làm phim về truyền thuyết dân gian của Việt Nam 7
Nam Thư gây ấn tượng mạnh với vai Liễu

Quay dựng chỉn chu

Một điểm ấn tượng khác của Quỷ Cẩu nằm ở phần quay - dựng phim. Đây là bộ phim đầu tay của Lưu Thành Luân trong vai trò đạo diễn. Trước đó, anh từng đảm nhiệm vai trò dựng phim cho nhiều dự án phim ảnh khác. Có lẽ xuất thân từ vị trí dựng phim nên khi đảm nhiệm vị trí đạo diễn, Lưu Thành Luân đã cho ra một thành phẩm chỉn chu với các góc quay đẹp mắt, chuyển cảnh mượt mà, sắp xếp bố cục trong các phân cảnh gọn gàng, vừa đủ để thể hiện những nội dung, ẩn ý cần nhắm tới.

Xuyên suốt bộ phim, Quỷ Cẩu vừa cho thấy được vẻ đẹp từ khung cảnh thôn quê, vừa thể hiện được sự giản dị, mộc mạc từ những sinh hoạt thường nhật của người dân, vừa đảm bảo được bầu không khí quỷ dị, rùng rợn của một tác phẩm thuộc thể loại kinh dị, tâm linh.

Review Quỷ Cẩu: Nỗ lực làm phim về truyền thuyết dân gian của Việt Nam 8
Phim được quay dựng đẹp mắt, chỉn chu

Là một tác phẩm đã vượt qua kiểm duyệt và được giữ lại 100% cảnh quay, độ kinh dị về mặt thị giác của Quỷ Cẩu không hề nặng đô. Đối với các "fan cứng" của dòng phim kinh dị thì có lẽ Quỷ Cẩu còn được xếp vào hàng "nhẹ nhàng, dễ xem" nữa.

Tuy vậy, đó cũng là một điểm hay của phim bởi không lợi dụng những hình ảnh đánh mạnh vào thị giác để khiến người xem sợ hãi, mà tiết chế một cách vừa phải, đủ để chúng ta hiểu và tự mường tượng, trong khi vẫn duy trì được tính thẩm mỹ của cảnh quay.

Review Quỷ Cẩu: Nỗ lực làm phim về truyền thuyết dân gian của Việt Nam 9
Đạo diễn Lưu Thành Luân và giám đốc sản xuất Võ Thanh Hòa - những người đã "nhào nặn" nên các thước phim của Quỷ Cẩu

Điểm trừ về kỹ xảo

Một điểm trừ không lớn nhưng cũng không hề nhỏ của Quỷ Cẩu cũng như của nhiều phim Việt khác đó là các hiệu ứng/kỹ xảo đặc biệt (hay còn gọi là VFX) thiếu tính chân thật. Quỷ Cẩu sử dụng VFX cho các phân cảnh "ma chó", nhưng vì điểm yếu trong khâu dựng hình kỹ xảo mà thành quả đưa ra không những không đáng sợ mà còn tạo cảm giác giống... phim hoạt hình.

Bởi hình ảnh "chó đội nón mê" là chủ đề chính, là hình tượng linh dị chủ yếu của bộ phim, đảm nhiệm "trọng trách" gieo rắc sự sợ hãi cho khán giả nên việc VFX trông "giả trân" là một khuyết điểm lớn.

Tuy nhiên, nhờ kịch bản có chiều sâu và được xây dựng chặt chẽ, trừ phần kỹ xảo ra thì tất cả các khâu còn lại đều tốt nên khuyết điểm này tuy lớn nhưng cũng không ảnh hưởng quá nhiều vào trải nghiệm của người xem.

Review Quỷ Cẩu: Nỗ lực làm phim về truyền thuyết dân gian của Việt Nam 10
Kỹ xảo còn nhiều hạn chế

Nhìn chung, Quỷ Cẩu là một bất ngờ dễ chịu với mình bởi tốt hơn mong đợi rất nhiều. Từ nội dung kịch bản, diễn xuất, quay dựng đến thông điệp truyền tải đều có sự đầu tư kỹ càng, chỉn chu, từ đó mà thành phẩm mang lại là một bộ phim có chiều sâu, mang đậm bản sắc dân tộc. Mặc dù vẫn còn điểm yếu về kỹ xảo, nhưng Quỷ Cẩu vẫn là một bộ phim xứng đáng được khán giả ủng hộ.

Phim chính thức được khởi chiếu tại các rạp trên toàn quốc từ ngày 29/12/2023. Trước đó, từ chiều tối ngày 22/12, phim sẽ có các suất chiếu sớm giới hạn tại một số rạp và một số khung giờ nhất định.

Đừng bỏ lỡ cơ hội đón xem Quỷ Cẩu trên màn hình lớn nhé! Cùng VOH giải trí cập nhật thông tin phim ảnh mỗi ngày tại chuyên mục phim ảnh.

Bài viết: Hồng Duyên
Biên tập: Anh Minh

Bình luận