Venom: Kèo Cuối (Venom: The Last Dance) tiếp nối câu chuyện từ phần phim Venom: Đối Mặt Tử Thù (Venom: Let There Be Carnage), mang đến cho khán giả một hành trình gay cấn và đầy thử thách của bộ đôi Eddie Brock (Tom Hardy) và Venom.
Bộ phim kết hợp những pha hành động mãn nhãn và cốt truyện phức tạp về việc cứu vũ trụ khỏi hiểm họa hủy diệt.
Nội dung phim Venom: Kèo Cuối
Trong phần mới nhất, Eddie Brock và Venom là những kẻ đào tẩu, bị truy đuổi bởi FBI sau khi bị tình nghi sát hại thám tử Patrick Mulligan (Stephen Graham) tại San Francisco.
Cả hai phải đối mặt với nhiều mối đe dọa khác nhau bao gồm một sinh vật bất khả chiến bại được gọi là Xenophage do Knull (vị thần của giống loài symbiote) cử đến, cùng với một đơn vị quân sự bí mật chuyên theo dõi các sinh vật symbiote.
Câu chuyện về số phận của thám tử Mulligan chiếm một phần quan trọng trong cốt truyện, dẫn đến những mấu chốt ảnh hưởng đến những người lính và kẻ mà họ đang săn đuổi. Cả Eddie và Venom cùng những quái vật do Knull phái đến đều không phải là những mục tiêu dễ dàng cho đơn vị quân sự này.
Bối cảnh chính của phim diễn ra tại một phòng thí nghiệm bí mật dưới lòng đất, được điều hành bởi tiến sĩ Teddy Payne (Juno Temple). Tại đây, các nhà khoa học tiến hành những thí nghiệm nhằm tìm hiểu lý do tại sao các symbiote xâm nhập vào thế giới loài người và gây ra hỗn loạn.
Đơn vị quân sự này được dẫn dắt bởi tướng sĩ Rex Strickland (Chiwetel Ejiofor), hoạt động từ Khu vực 51 sắp bị đóng cửa.
Khi các nhân vật dần khám phá ra nguyên nhân đằng sau sự xuất hiện của các symbiote, họ nhận ra toàn bộ vũ trụ đang đứng trước nguy cơ bị hủy diệt. Ác nhân Knull - người tạo ra các symbiote - đang tìm kiếm chìa khóa để giải phóng bản thân khỏi nhà tù vĩnh cửu, bị giam cầm bởi chính những sinh vật do mình tạo ra.
Không chỉ một Venom mà rất nhiều "venom"
Venom: Kèo Cuối mở rộng vũ trụ symbiote một cách đáng kể, đưa người xem đến với một thế giới phức tạp hơn. Sự xuất hiện của nhiều symbiote khác nhau không chỉ làm phong phú thêm câu chuyện mà còn tạo ra một bức tranh toàn cảnh về thế giới của những sinh vật ngoài hành tinh này.
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý nhất là sự biến đổi của thanh tra Mulligan, được thể hiện xuất sắc bởi diễn viên Stephen Graham. Sau những sự kiện trong phần phim Venom: Let There Be Carnage, Mulligan đã biến thành Toxin - một symbiote mới sau khi bị Carnage "lây nhiễm".
Phim cũng tiết lộ sự tồn tại của một cơ sở nghiên cứu bí mật của chính phủ, nơi giam giữ và nghiên cứu nhiều symbiote khác. Trong số này, khán giả có thể nhận ra những cái tên quen thuộc từ truyện tranh như:
- Scream - một trong những symbiote nổi tiếng với khả năng biến cánh tay thành lưỡi dao và mọc gai ở sau lưng, có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho đối thủ.
- Agony - một symbiote có khả năng điều khiển acid và các chất hóa học.
- Lasher với khả năng tạo ra những chiếc roi và vũ khí sắc nhọn từ cơ thể
- Riot - một symbiote đã từng xuất hiện trong phần phim đầu tiên, nay trở lại với những khả năng và đặc điểm được phát triển sâu sắc hơn. Sự trở lại của Riot tạo ra một sự liên kết với các phần phim trước, đồng thời mở rộng hiểu biết của khán giả về lịch sử và mối quan hệ giữa các symbiote.
Việc giới thiệu nhiều symbiote khác nhau không chỉ phục vụ mục đích mở rộng vũ trụ điện ảnh mà còn đặt ra những câu hỏi thú vị về nguồn gốc và mục đích của những sinh vật này. Mỗi symbiote có một câu chuyện và động cơ riêng, tạo nên một mạng lưới phức tạp của các mối quan hệ.
Cơ sở nghiên cứu của chính phủ đóng vai trò như một trung tâm, hội tụ nhiều câu chuyện và bí mật về các symbiote. Việc giam giữ và nghiên cứu những sinh vật này không chỉ phản ánh nỗ lực của con người trong việc hiểu rõ về chúng mà còn gợi ý về những nguy cơ tiềm ẩn khi con người cố gắng kiểm soát những sinh vật có sức mạnh vượt trội.
Tuy nhiên, trong phần mới nhất của Venom, các symbiote đã liên kết với nhau và chống lại các Xenophage của Knull. Họ không còn chiến đấu hay đối đầu riêng lẻ mà đoàn kết với nhau, trở thành những người bạn để phục vụ cho mục đích giam cầm Knull mãi mãi.
Đôi khi kẻ phản diện cũng hi sinh vì người khác
Venom: Kèo Cuối chứa đựng những thông điệp sâu sắc về tình bạn và tinh thần hi sinh cao cả. Thông qua cuộc chiến giữa các symbiote với Xenophage của Knull, bộ phim khéo léo truyền tải những bài học ý nghĩa về sức mạnh của sự đoàn kết và giá trị của việc hi sinh vì đại nghĩa.
Khác với những xung đột riêng lẻ trong các phần phim trước, lần này các symbiote chỉ có thể đánh bại kẻ thù chung bằng cách liên kết với nhau. Sự chuyển biến mang tính chiến thuật thể hiện một bước trưởng thành trong nhận thức của các symbiote.
Cuộc chiến chống lại các Xenophage của Knull trở thành một biểu tượng cho sức mạnh của tình đoàn kết. Các symbiote cùng nhau chiến đấu vì một mục tiêu chung - giam cầm Knull mãi mãi.
Thông điệp về sự hi sinh được thể hiện qua hành động của Venom. Quyết định hi sinh bản thân để cứu Eddie và phá hủy Codex trong cơ thể, từ đó giam cầm Knull vĩnh viễn là một minh chứng cho tình bạn và lòng dũng cảm vô điều kiện.
Không chỉ có Venom, nhiều symbiote khác cũng hi sinh trong cuộc chiến với Xenophage vì mục đích cao cả là bảo vệ nhân loại. Điều này phá vỡ định kiến về ranh giới giữa thiện và ác, cho thấy giá trị thực sự của mỗi cá thể.
Hạn chế về mặt cốt truyện
Venom: Kèo Cuối kể quá nhiều câu chuyện cùng lúc, dẫn đến việc không tuyến nhân vật nào được phát triển một cách trọn vẹn và sâu sắc. Bộ phim di chuyển không mấy mượt mà giữa các tuyến nhân vật chính.
Một mặt, chúng ta có cặp đôi Eddie/Venom - vẫn mạnh mẽ và không thể ngăn cản như thường lệ mỗi khi họ hành động. Tuy nhiên, đáng tiếc là những khoảnh khắc này không xuất hiện thường xuyên như mong đợi của khán giả.
Mặt khác, phim còn tập trung vào bộ đôi Strickland/Payne - những người đang phải cân bằng giữa việc chuyên môn và việc cá nhân, trong khi Pentagon ra lệnh đóng cửa Khu vực 51.
Tiến sĩ Teddy Payne được xây dựng với một quá khứ bi thương, thúc đẩy cô trong mọi hành động. Tuy nhiên, câu chuyện về quá khứ dường như chưa được khai thác đủ sâu để tạo nên một nhân vật đa chiều và đáng nhớ.
Trong khi đó, Strickland - một người hiếm khi tuân theo quy tắc, quyết tâm tiêu diệt vật thể được gọi là Codex - thứ mà Knull đang tìm kiếm để thực hiện tham vọng của mình. Mối quan hệ giữa cả hai có tiềm năng phát triển thành một động lực quan trọng của câu chuyện nhưng lại không được đào sâu đúng mức.
Một trong những vấn đề lớn nhất của bộ phim là việc dành quá nhiều thời lượng cho một tuyến truyện phụ về gia đình nhạc sĩ Martin (Rhys Ifans). Gia đình này bao gồm vợ anh là Nova Moon (Alanna Ubach), hai đứa con Echo và Leaf, cùng chú chó tên Blue.
Họ có chuyến đi đường dài vì muốn chứng kiến người ngoài hành tinh nên vô tình vướng vào rắc rối. Sự "gần gũi" quá mức của họ với các sự kiện chính của câu chuyện tạo ra những tình huống nguy hiểm không đáng có.
Việc thêm vào tuyến truyện về gia đình Martin mặc dù có thể tạo ra những khoảnh khắc nhẹ nhàng về các sự kiện siêu nhiên nhưng lại làm phân tán sự tập trung của câu chuyện chính. Thời lượng dành cho họ có thể được sử dụng tốt hơn để phát triển sâu sắc các nhân vật khác.
Trong bộ phim, không có nhiều không gian cho những khoảnh khắc tĩnh lặng hay sự phát triển nhân vật từ từ. Mọi thứ dường như luôn trong trạng thái chuyển động, từ các cảnh hành động của Eddie/Venom đến những khám phá của đội Strickland/Payne và cả những cuộc phiêu lưu không mong muốn của gia đình Martin.
Sự đan xen giữa các tuyến truyện khác nhau tạo ra một cảm giác rời rạc và thiếu tập trung. Mỗi nhóm nhân vật đều có những động cơ và mục tiêu riêng nhưng thay vì bổ trợ cho nhau để tạo nên một câu chuyện hoàn chỉnh, chúng lại có xu hướng cạnh tranh về thời lượng và sự chú ý của khán giả.
Đặc biệt, mối quan hệ giữa Eddie và Venom - điểm sáng của các phần phim trước - dường như bị lu mờ giữa quá nhiều tuyến truyện khác. Những khoảnh khắc họ thực sự tỏa sáng trở nên hiếm hoi hơn, khiến khán giả không được thưởng thức đầy đủ sự tương tác độc đáo và thú vị giữa hai nhân vật này.
Việc kể quá nhiều câu chuyện cùng một lúc khiến bộ phim trở nên dàn trải và thiếu focus, làm giảm đi tác động cảm xúc mà mỗi tuyến truyện có thể mang lại. Thay vì tạo ra một bức tranh phong phú về thế giới của Venom thì mỗi câu chuyện lại trở nên nông cạn và kém phần hấp dẫn.
Một kịch bản tập trung với số lượng tuyến truyện được kiểm soát tốt hơn có thể tạo ra một bộ phim mạch lạc và thuyết phục hơn, cho phép từng nhân vật có đủ không gian và thời gian để phát triển trọn vẹn câu chuyện của họ.
Vẫn có điểm sáng dành cho phần cuối của Venom
Mặc dù Venom: Kèo Cuối vấp phải một số hạn chế về mặt kịch bản và phát triển nhân vật, bộ phim vẫn có những điểm sáng đáng ghi nhận, đặc biệt là trong việc dàn dựng các cảnh hành động và tạo ra những khoảnh khắc giải trí thú vị cho khán giả.
Một trong những điểm nổi bật nhất của bộ phim là những phân cảnh hành động siêu anh hùng được thực hiện một cách xuất sắc. Đỉnh cao của những pha hành động này chính là trận chiến sinh tồn nghẹt thở giữa Eddie/Venom và Xenophage trên đỉnh một chiếc máy bay chở khách.
Cảnh phim này không chỉ vượt trội về mặt kỹ thuật mà còn tạo ra được những khoảnh khắc căng thẳng và hồi hộp, vượt xa những cảnh hỗn loạn trong đoạn cao trào tại Khu vực 51.
Cảnh hành động trên máy bay thể hiện sự sáng tạo trong việc tận dụng không gian ba chiều với các pha rượt đuổi và chiến đấu diễn ra ở độ cao chóng mặt. Sự kết hợp kỹ xảo điện ảnh tạo nên một trận chiến đầy ấn tượng.
Ngoài những cảnh hành động hoành tráng, bộ phim còn ghi điểm với khán giả thông qua một số phân đoạn giải trí thú vị xen kẽ trong hành trình của các nhân vật.
Đáng chú ý là cảnh Eddie và Venom thử vận may với máy đánh bạc tại Las Vegas. Tình huống này không chỉ mang tính giải trí cao mà còn cho thấy sự tương tác hài hước và độc đáo giữa con người và symbiote dù kết quả cuối cùng là một thảm họa.
CGI được sử dụng một cách hiệu quả, đặc biệt là trong các cảnh chiến đấu, giúp những pha hành động trở nên mãn nhãn và đáng nhớ. Sự kết hợp giữa các hiệu ứng kỹ xảo và diễn xuất của các diễn viên cũng được thực hiện một cách mượt mà, tạo nên những khoảnh khắc đầy thuyết phục.
Tom Hardy một lần nữa thể hiện xuất sắc vai diễn kép Eddie Brock/Venom, mang đến những khoảnh khắc vừa hài hước vừa cảm động. Sự tương tác giữa anh và nhân vật Venom tiếp tục phát triển, tạo nên một mối quan hệ đồng hành thú vị trên màn ảnh.
Một điểm sáng khác của phim là màn khiêu vũ bất ngờ giữa Venom và người bạn lâu năm Mrs Chen (Peggy Lu). Khoảnh khắc này không chỉ mang đến tiếng cười mà còn thể hiện được mặt tình cảm, gần gũi của Venom.
Sự xuất hiện của Mrs Chen tiếp tục duy trì một yếu tố quen thuộc và đáng yêu từ các phần phim trước, tạo nên sự liên kết về mặt cảm xúc cho series.
Venom: Kèo Cuối khéo léo lồng ghép những thông điệp sâu sắc về tình bạn, sự đoàn kết và tinh thần hi sinh vào một câu chuyện hành động giả tưởng. Thông qua những tình huống căng thẳng và những quyết định khó khăn, bộ phim cho thấy sức mạnh thực sự nằm ở khả năng đoàn kết, hợp tác và sẵn sàng hi sinh vì những điều lớn lao.
Theo dõi voh.com.vn để không bỏ lỡ những thông tin mới nhất về showbiz, phim ảnh, âm nhạc, TV Show... tại chuyên mục Giải trí.